Công tác quản lý đo lường trên địa bàn tỉnh thực trạng và giải pháp
HGĐT- Cùng xu thế phát triển chung của xã hội, việc sử dụng phương tiện đo lường trong thời gian qua của tỉnh Hà Giang đã có những bước phát triển đáng kể về số lượng và chất lượng, phương tiện đo ngày càng hiện đại, độ chính xác ngày càng cao. Đặc biệt, các phương tiện đo lường ứng dụng kỹ thuật điện tử đang được sử dụng ngày càng rộng rãi.
![]() |
Kiểm định viên thực hiện kiểm định công tơ điện.
|
Theo số liệu thống kê năm 2008, tổng số phương tiện đo thuộc danh mục phải kiểm định trên địa bàn tỉnh có khoảng 106.929phương tiện đo được sử dụng trong thanh toán và giao nhận, trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ và môi trường (39 loại phương tiện đo theo danh mục phải kiểm định được quy định tại Quyết định 13/2007/QĐ-BKH-CN).
Thực hiện Pháp lệnh Đo lường và các văn bản hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ- Chi cục Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng(TCĐLCL) Hà Giang, đã tập trung chỉ đạo và có những biện pháp tích cực để đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về đo lường trên địa bàn tỉnh như: Đầu tư trang thiết bị, chuẩn đo lường phục vụ công tác kiểm định; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý có đủ năng lực và trình độ chuyên môn, nhằm không ngừng nâng cao năng lực kiểm định đo lường của Chi cục TCĐLCL; Trang bị một số cân đối chứng tại các chợ ở thị xã và một số huyện trong tỉnh để phát huy vai trò tự giám sát của nhân dân; Tổ chức kiểm định lưu động tại khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về đo lường; Phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và các quy định có liên quan trong lĩnh vực đo lường.
Đến nay, hoạt động quản lý nhà nước về đo lường tại tỉnh ta cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu kiểm định đối với các loại phương tiện đo như: Cân phân tích, cân kỹ thuật, cân vàng bạc, cân thông dụng ( đến 1000 kg ), các loại ca, bình đong, cột đo nhiêu liệu, công tơ nước, áp kế, huyết áp kế, công tơ điện 1 pha ...
Trong năm 2008, Sở Khoa học và Công nghệ- Chi cục TCĐLCL tiến hành phối hợp thanh tra và kiểm tra về đo lường, chất lượng tại 237 lượt cơ sở qua đó đã phát hiện, xử lý 56 trường hợp vi phạm pháp luật về đo lường theo quy định. Nhờ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trên thị trường, nên trong thời gian qua, tình hình gian lận về đo lường trong giao nhận mua bán đã giảm đáng kể. Hàng đóng gói sẵn theo định lượng lưu thông trên thị trường phần lớn đảm bảo đo lường theo quy định. Các vụ tranh chấp đo lường đã giảm, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo.
Tuy nhiên, cho đến nay một lượng lớn các phương tiện đo lường còn chưa được kiểm định theo đúng quy định của pháp luật. Số phương tiện đo được kiểm định mới đáp ứng khoảng 30%, còn lại chưa được kiểm định, trong đó tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực sau: Đồng hồ đo nước lạnh được sử dụng trong việc mua bán thanh toán tiền nước chưa được kiểm định định kỳ. Cân thông dụng (hoặc như cân thông dụng) tại các khu vực thương mại và buôn bán nhỏ chưa được kiểm định định kỳ.
Một số phương tiện đo lường quan trọng trong y tế như: huyết áp kế, máy đo điện tim, máy đo điện não chưa được kiểm định. Các phương tiện đo trong y tế, taximet chưa có thiết bị và con người để kiểm tra, kiểm định, phải đi kiểm định ở Hà Nội, đề nghị tỉnh cần đầu tư để quản lý phương tiện đo ở lĩnh vực này. Hiện tượng gian lận về đo lường trong lĩnh vực giao nhận mua bán một số loại hàng hoá có số lượng lớn và giá trị cao vẫn còn xảy ra, như: Giao nhận hàng trong khai thác khoáng sản, kinh doanh xăng dầu, phân bón, sắt thép... Đặc biệt, tại các cột đo xăng dầu ngày càng có nhiều hành vi gian lận tinh vi, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại trên là do về cơ cấu tổ chức, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về TCĐLCL chỉ dừng lại ở cấp tỉnh, chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý nhà nước về đo lường ở cấp huyện, thị xã, trong khi số lượng cán bộ biên chế của Chi cục TCĐLCL còn quá ít, nên chưa đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý. UBND các huyện, thị xã đang gặp nhiều lúng túng trong việc triển khai chức năng quản lý TCĐLCL tại địa phương theo phân cấp.
Việc đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước về đo lường còn hạn chế so với sự phát triển không ngừng của trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ về đo lường, yêu cầu của sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. ý thức chấp hành pháp luật về lĩnh vực đo lường của một số cơ sở sử dụng phương tiện đo chưa cao. Ví dụ nhưnhư Công ty DVCC& Môi trường Hà Giang chưa thực hiện việc kiểm định định kỳ đồng hồ nước lạnh. Sự đầu tư phương tiện đo lường của các doanh nghiệp không mang tính đồng bộ, chạy theo số lượng, không quan tâm về chất lượng .
Để khắc phục những điểm tồn tại, đưa công tác quản lý đo lường ngày càng đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ- Chi cục TCĐLCL, sẽ tập trung một số giải pháp sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đo lường trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát huy tinh đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi gian lận về đo lường.
Nghiên cứu các giải pháp khoa học, kỹ thuật trong việc quản lý phương tiện đo, nhằm hạn chế các gian lận trong đo lường, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng, các phương tiện đo an toàn sức khỏe và môi trường . Tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ làm công tác đo lường để họ đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, chuẩn, phương tiện đo lường phục vụ công tác kiểm tra kiểm định đo lường, đặc biệt là các thiết bị kiểm định lưu động, thiết bị kiểm tra nhanh... đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đây là một vấn đề cần sự quan tâm của các sở, ban ngành và của lãnh đạo tỉnh.
Đẩy mạnh công tác kiểm định lưu động đặc biệt là đối với các lĩnh vực khối lượng thông dụng công tơ điện ở nông thôn, đo lường thông dụng ở các khu thương mại tập trung ... Chỉ đạo và phối hợp với Công ty DVCC& Môi trường Hà Giang kiểm định định kỳ đồng hồ đo nước lạnh. Đây là lĩnh vực còn có phương tiện đo chưa được kiểm định định kỳ lớn nhất.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời và kiến nghị có những biện pháp kiên quyết đối với các hành vi vi phạm pháp luật nhà nước về đo lường, đặc biệt là hành vi gian lận trong cân, đong, đo, đếm.
Đồng thời nghiên cứu trình UBND tỉnh “Quy định về đo lường trong thương mại bán lẻ và tổ chức xây dựng mô hìnhtrạm cân đối chứng tại các chợ trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. Triển khai xây dựng tiềm lực đo lường - thử nghiệm thuộc Chi cục TCĐLCL Hà Giang đủ sức đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội trong tỉnh.
Ý kiến bạn đọc