Mô hình sản xuất hạt giống lúa nguyên chủng Bắc thơm số 7 tại huyện Bắc Quang có năng suất cao nhất miền Bắc
15:12, 09/10/2009
HGĐT- Huyện Bắc Quang vừa tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá mô hình khảo nghiệm giống lúa 2 dòng Việt lai 20, Việt lai 50 và Bắc thơm số 7 vụ mùa 2009 tại thôn Kè Nhạn, xã Đồng Yên và thôn Vĩnh Gia, xã Vĩnh Phúc.
![]() |
Các đại biểu tham quan mô hình sản xuát hạt giống lúa Bắc thơm số 7 tại thôn Vĩnh Gia, xã Vĩnh phúc (Bắc Quang). |
Các đồng chí trong BTV Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND huyện; lãnh đạo đại diện Viện Nghiên cứu lúa trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, Phòng khảo nghiệm giống Quốc gia và Công ty Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng cùng đông đảo lãnh đạo các xã, thị trấn và bà con nhân dân tham dự hội thảo.
Giống nguyên chủng Bắc thơm số 7 là giống lúa thuần có giá trị hàng hoá cao, vụ mùa năm 2009 giống lúa này được huyện Bắc Quang ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hạt lúa giống nguyên chủng, nhằm mục tiêu sẽ phát triển mô hình sản xuất lúa giống đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bà con nông dân toàn tỉnh. Quá trình khảo nghiệm 10 ha tại xã Vĩnh Phúc với 70 hộ tham gia, cho thấy giống lúa nguyên chủng Bắc thơm số 7 có thời gian sinh trưởng ngắn (104 ngày), sức kháng bệnh tốt đối với một số bệnh như bạc lá và sâu cuốn lá, sâu đục thân, năng suất lý thuyết đạt 65 tạ/ha. Kết quả thực thu đạt 75-80tạ/ha, so sánh đối chứng với giống Hương thơm1 năng suất vượt 17tạ/ha. Hạch toán kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích chi phí cho 1 ha sản xuất hạt giống nguyên chủng Bắc thơm số 7 là 20 triệu 600 nghìn đồng, hiệu quả kinh tế thu được 45 triệu 500 nghìn đồng, lợi nhuận thu được đã trừ chi phí gần 25 triệu đồng, so với giống Hương thơm 1 lợi nhuận vượt 5 triệu đồng/ha.
Giống lúa lai 2 dòng Việt lai 20, Việt lai 50 do Viện Di truyền giống trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội lai tạo, hiện đang được trồng phổ biến tại các tỉnh miền Bắc. Về lý thuyết, giống lúa Việt Lai 20 và 50 cấy được 2 vụ trong năm, thời gian sinh trưởng ngắn (90-95 ngày đối với vụ mùa, 105-110 ngày đối với vụ đông); khả năng thích ứng vùng chân đất nghèo dinh dưỡng, ngập úng, chịu hạn và chịu chua tốt, sức kháng bệnh bạc lá cao, năng suất đạt từ 60-75 tạ /ha. Sau khi khảo sát địa điểm, huyện Bắc Quang đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho các hộ tham gia khảo nghiệm theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của lúa theo đúng quy trình kỹ thuật. Qua trồng khảo nghiệm tại thôn Kè Nhạn, xã Đồng Yên – Vĩnh Phúc với diện tích 5 ha cho thấy: So với cùng mức đầu tư phân bón như giống Shan ưu 63 trên cùng đồng đất, giống lúa Việt lai 20, 50 có tỷ lệ đẻ nhánh cao hơn hẳn, có sức chịu bệnh bạc lá, sâu đục thân và sâu cuốn lá cao, bông lúa to đều, năng suất đạt từ 75-80 tạ/ha, cao hơn giống Shan ưu từ 15-20 tạ/ha
Tại Hội thảo, các đại biểu tham gia khảo nghiệm đã đánh giá cao hiệu quả của 2 giống lúa Việt lai 20, 50 và giống nguyên chủng Bắc thơm số 7. Đặc biệt, tiến sỹ Vũ Hồng Quảng, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu lúa, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội nhận định: Kết quả của mô hình ứng dụng TBKT sản xuất hạt giống lúa nguyên chủng Bắc thơm số 7 cho kết quả hết sức khả quan, so sánh năng suất giữa các chân ruộng gieo trồng giống lúa này tại các tỉnh khu vực miền Bắc, thì giống lúa Bắc thơm số 7 được gieo trồng ở huyện Bắc Quang cao hơn hàng tấn. Nhờ đó, huyện hoàn toàn chủ động sản xuất giống ngay tại địa bàn, năng suất, chất lượng gạo ngon, đem lại giá trị hàng hoá cao trên thị trường, phù hợp cho việc gieo cấy tại các xã trọng điểm lúa theo mô hình sản xuất hàng hoá. Nhiều đại biểu mong muốn, UBND huyện nhanh chóng đáp ứng nhu cầu gieo trồng của bà con nông dân trong huyện ngay trong vụ sản xuất Đông - Xuân này, nhằm thay thế một số giống lúa bị thoái hóa hoặc tỷ lệ nhiễm bệnh cao không còn phù hợp với đồng đất huyện nhà.
Ý kiến bạn đọc