“Đánh thức” vùng chè Lũng Phìn

08:30, 11/09/2012

HGĐT- Nói về chè Hà Giang, có lẽ chè Lũng Phìn (Đồng Văn) là một trong những cái tên nổi danh và trường tồn nhất. “Hữu sạ tự nhiên hương”, cho dù hiện nay rất khó để có thể thưởng thức một ly trà Lũng Phìn chính cống thì cái tên chè Lũng Phìn vẫn còn đó như biểu tượng về một sản vật của quá khứ, hiện tại và tương lai trên miền đá Đồng Văn.



                                  Kiểm tra cây chè tại xã Lũng Phìn.

Thào Mí Và sinh ra, lớn lên ở mảnh đất Lũng Phìn (Đồng Văn), đi làm cán bộ rồi lấy vợ, sinh con và hiện anh làm đến Phó Bí thư Đảng ủy xã Lũng Phìn. Nhưng khi hỏi, chè Lũng Phìn có tự bao giờ? Thào Mí Và chỉ biết, chè này có từ thời các cụ rồi. Cây chè nguyên bản Lũng Phìn chỉ tập trung ở 2 thôn là Cán Pẩy Hờ A và Cán Pẩy Hờ B thôi. Toàn xã hiện chỉ có khoảng gần 6.000 gốc chè, tương đương 14,4ha chè Lũng Phìn, nằm rải rác ở các gia đình, trong đó 2 gia đình có nhiều là nhà ông Sùng Su Xá và Sùng Chứ Tủa. Dù có diện tích chè như vậy, nhưng để được uống một chén chè Lũng Phìn chính hiệu khó lắm anh ạ. Đến ngay cả cán bộ công tác lâu năm ở xã cũng còn hiếm khi được thưởng thức. Làm được ít mà người tìm mua lại nhiều nên hiếm lắm...

 
Chẳng thể xác định rõ lịch sử của chè Lũng Phìn, nhưng chè ở một vùng quê cao, xa tít tắp đã trở thành một danh trà nức tiếng. Một số chuyên gia từ Viện Khoa học Nông, lâm nghiệp Việt Nam trong chuyến lên thăm Hà Giang nhận xét, chè Lũng Phìn là nguồn gien quý cần phải được gìn giữ, nhân rộng. Hương vị của chè Lũng Phìn có được nhờ điều kiện thời tiết rất đặc trưng của vùng tiểu khí hậu, địa chất Lũng Phìn. Nơi đây có nhiệt độ trung bình hàng năm rất mát, đặc biệt là vào mùa đông, cái lạnh ở đây cũng hết sức lạ, chất đất, đá ở đây cũng đặc biệt. Từ đó, tạo nên một loại chè mà xưa nay chưa được đầu tư quảng bá, nhưng tiếng tăm của nó thì đã bay đến tận đất phương Nam .


Quả thực, xưa nay hễ cứ nói ai biếu mấy ấm chè Lũng Phìn nghe thấy sang sang lạ. Ngược lại, nói quà biếu là một cân chè ngon mang danh của một số vùng chè trong nước thì nghe bình thường như người miền biển ăn cá vậy. Vớ được tiếng ấy, một số người buôn bán tranh thủ lấy chè ở một số nơi khác về đóng gói thương hiệu Lũng Phìn. Ngay tại “thủ phủ” Lũng Phìn, chưa chắc có thể kiếm được một ấm chè Lũng Phìn chính hiệu. Bởi vậy, trong một hội thảo về chè của tỉnh, chủ một hợp tác xã chế biến chè nổi tiếng đã phải thốt lên, chè Lũng Phìn có vài héc ta, sản lượng có hạn, mà sao thị trường lại có nhiều đến vậy!?.


Nổi tiếng là thế, nhưng mấy chục năm qua, chè Lũng Phìn vẫn chỉ ẩn mình trong đá. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lũng Phìn Thào Mí Và tâm sự, bao năm nay diện tích chè Lũng Phìn có phần bị mai một, người dân ở đây vẫn chỉ tự thu hái, chế biến, ít quan tâm phục hồi, nhân rộng. Nghe nói một số danh trà khác được quảng bá, bán được cả triệu bạc/1kg, thế mà chè Lũng Phìn cũng chỉ có giá mấy trăm bạc. Dù lợi ích từ cây chè là rất lớn, song nhận thức của người dân vẫn hạn chế, chưa biết khai thác, chế biến và quảng bá, chưa biết mở rộng vùng sản xuất. Đồng tình với quan điểm đó, anh Nguyễn Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, dù là một vùng chè đặc sản, nhưng cây chè Lũng Phìn còn những hạn chế như diện tích ít ỏi, già cỗi, kỹ thuật sản xuất lạc hậu. Bên cạnh đó, thời gian qua, một số người buôn bán đã thu mua chè Lũng Phìn, trộn lẫn chè thường để bán. Từ đó, làm mất uy tín, thương hiệu của loại chè nổi tiếng này.


Xác định được tiềm năng lớn của chè Lũng Phìn, huyện Đồng Văn đã và đang tập trung phát triển. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Tính cho biết, năm 2011, có một công ty chè lớn đề nghị huyện phối hợp phát triển vùng chè Lũng Phìn; giúp người dân kỹ thuật sản xuất, quảng bá và bao tiêu sản phẩm. Để tận dụng tiềm năng lớn, huyện xây dựng mục tiêu đến năm 2015, phấn đấu nhân diện tích chè Lũng Phìn đạt khoảng 150ha. Trên cơ sở đó, huyện đã đặt Viện Khoa học kỹ thuật Nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc lấy giống cây chè Lũng Phìn, loại chè san bụi lá nhỏ để nhân giống khoảng 400.000 cây. Huyện quy hoạch 4 xã để phát triển chè Lũng Phìn là Lũng Phìn, Vần Chải và Sủng Trái, Hố Quáng Phìn. Hiện nay, tại các xã trên cũng đã có khoảng 50ha chè Lũng Phìn, trong đó có 30ha đã cho thu hoạch. Năm nay, huyện cũng đã hỗ trợ bà con đốn tỉa, cải tạo, thâm canh nhiều diện tích chè già cỗi...


Đánh thức một danh trà và vùng chè Lũng Phìn, riêng xã Lũng Phìn đã xác định được tiềm năng và cây mũi nhọn chính là chè. Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển chè Lũng Phìn và kế hoạch trước mắt phát triển 30ha chè ở các thôn Cán Pẩy Hờ A, Cán Pẩy Hờ B, Sủng Sì, Cháng Cháng Phìn, Mao Sáo Phìn và phố Lũng Phìn. Với sự vận động tích cực của xã, hiện nay bà con đã trồng được 10ha và đang tiếp tục chờ giống để mở rộng diện tích. Theo chủ trương và hỗ trợ của huyện, xã đang vận động nhân dân chuyển đổi các diện tích đất xấu sang trồng chè Lũng Phìn. Qua đó, mỗi ha chuyển đổi sẽ được hỗ trợ lương thực trong 4 năm đầu cùng với giống, phân bón, kỹ thuật.


Rất quan tâm đến vùng chè Lũng Phìn, tháng 5 vừa qua, khi đến tận xã Lũng Phìn, Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương, chè Lũng Phìn bản địa có tiếng thơm ngon từ lâu nay. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn chưa phát huy được tiềm năng. Do đó, cần phải giữ gìn, phát triển thương hiệu chè Lũng Phìn. Huyện Đồng Văn và Sở NN&PTNT cần giúp xã Lũng Phìn phát triển giống chè bản địa; có cơ chế hỗ trợ mọi mặt. Xã Lũng Phìn cần giữ gìn diện tích chè gốc hiện có, tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để sản xuất chè, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng chè. Cần tránh việc pha trộn chè Lũng Phìn với các loại chè khác nhằm giữ thương hiệu. Cần phải xác định vùng thổ nhưỡng, khí hậu có thể phát triển được cây chè bản địa, từ đó quy hoạch cụ thể vùng chè đặc sản này...


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Găm hàng" chờ tăng giá xăng dầu
Trong các ngày 25 và 26/8, trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bạc Liêu, nhiều cây xăng có biểu hiện "găm hàng" chờ tăng giá.
27/08/2012
Vĩnh Phúc xây dựng NTM từ trong nếp nghĩ người dân
HGĐT- Một cánh đồng lúa xanh rờn “Tuổi con gái” hòa lẫn mầu xanh của những cánh rừng kinh tế mãi xa tạo nên sắc mầu của cuộc sống tươi tốt, bình yên. Đây chính là những cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi về với xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).
23/08/2012
Mèo Vạc đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa
HGĐT- Trong sản xuất nông nghiệp ở Mèo Vạc, do chịu sự chi phối của yếu tố địa hình, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện phát triển kinh tế hạn chế nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa đang là một hướng đi trọng tâm trong công tác XĐGN của huyện .
23/08/2012
Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn ở Yên Minh – khó khăn về vốn vay
HGĐT- Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn là hướng đi đúng và nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân trên địa bàn huyện Yên Minh. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, số trang trại được hình thành còn quá ít so với nhu cầu thực tế của người dân cũng như yêu cầu của huyện.
21/08/2012