Chăn nuôi hàng hóa, tăng giá trị sản phẩm

19:14, 06/05/2025

BHG - Nhằm nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, ngày 6.1.2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch “Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với quy mô trang trại, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm”.

Hợp tác xã (HTX) Cát Lý xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) được biết đến là đơn vị tiêu biểu trong liên kết, tiêu thụ hiệu quả với người dân. Hiện, HTX sở hữu trang trại bò vỗ béo quy mô 200 con, tổ chức theo quy trình khép kín từ nuôi dưỡng, giết mổ đến chế biến. Mỗi con bò đều gắn số và mã QR nhằm quản lý thông tin từ lúc nhập về đến khi xuất chuồng. Khách hàng chỉ cần quét mã QR trên sản phẩm là có thể tra cứu giống bò, ngày sinh, trọng lượng, lịch sử tiêm phòng và sử dụng thuốc. Không chỉ dừng lại chăn nuôi tập trung, HTX còn triển khai liên kết với người dân theo hình thức “đầu tư có thu hồi”. Bò giống bàn giao cho người dân chăn nuôi, quá trình chăm sóc có hỗ trợ kiểm tra sức khỏe, phòng dịch định kỳ. Đến nay đã thu hút 807 hộ dân tham gia liên kết với tổng đàn hơn 2.700 con, tập trung tại các huyện vùng Cao nguyên đá. Nhờ kiểm soát chất lượng chặt chẽ và mở rộng thị trường, thịt bò vàng Hà Giang của HTX đang phân phối tại nhiều siêu thị lớn trên cả nước với giá bán từ 400.000 - 1.000.000 đồng/kg.

Mô hình chăn nuôi bò hàng hóa của Hợp tác xã Cát Lý, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên).
Mô hình chăn nuôi bò hàng hóa của Hợp tác xã Cát Lý, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên).

Năm 2025, tỉnh ta phấn đấu tỷ trọng chăn nuôi đạt 35% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong đó, đại gia súc (trâu, bò) đạt khoảng hơn 276 nghìn con; đàn lợn gần 650 nghìn con; gia cầm khoảng 6,5 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng phấn đấu đạt 72.534 tấn, trong đó thịt lợn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 62,4%. Đồng chí Nguyễn Thị Oanh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết: Để đạt được mục tiêu này, ngành chăn nuôi đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy người dân chuyển đổi từ mô hình nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo hướng hàng hóa gắn với kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, HTX tham gia vào chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Từ đó, mở rộng quy mô chăn nuôi, áp dụng KHKT vào chăm sóc và quản lý, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thực hiện 57 mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết, tăng 27 mô hình so với năm 2024.

Mặc dù ngành chăn nuôi của tỉnh đã có bước chuyển mình rõ rệt, nhưng quy mô vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún và phân tán. Nhiều hộ dân thiếu vốn đầu tư, thiếu kiến thức kỹ thuật và chưa tiếp cận được với quy trình chăn nuôi hiện đại, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, hiệu quả sản xuất thấp. Trước thực tế đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương xác định chính sách hỗ trợ là “đòn bẩy” quan trọng để phát triển sản xuất bền vững. Có thể kể đến: Chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi theo Nghị định 106 của Chính phủ; Nghị định 98 về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị. Đặc biệt là triển khai các tiểu dự án hỗ trợ con giống, vật nuôi trong Chương trình mục tiêu quốc gia...

Chăn nuôi gà thương phẩm tại thành phố Hà Giang
Chăn nuôi gà thương phẩm tại thành phố Hà Giang

HTX Nông, lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) từng gặp nhiều khó khăn về vốn trong giai đoạn đầu thành lập. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương, HTX đã được vay 290 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; được trao tặng máy hạ thủy phần mật ong trị giá 300 triệu đồng; đồng thời nhận hỗ trợ quảng bá, xây dựng sản phẩm OCOP từ nguồn vốn khuyến công. Sự tiếp sức kịp thời này đã tạo đà cho HTX liên kết với hơn 30 hộ gia đình nuôi ong Bạc hà trên địa bàn. Từ đó, giúp HTX có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng tạo mối liên kết bền vững với người dân.

Bà Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX chia sẻ: “Chúng tôi xác định liên kết với người dân là yếu tố then chốt để phát triển bền vững. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi ong, hộ ít cũng vài chục tổ, hộ nhiều lên tới 200 tổ ong. Bên cạnh đó, HTX cũng ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý và phân phối sản phẩm, nhờ đó, mật ong Bạc hà của Po Mỷ ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường”.

Đồng chí Trịnh Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường nhận định: Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh đang từng bước chuyển mình từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ dần chuyển dịch sang quy mô trang trại gắn với thị trường tiêu thụ. Đến nay, toàn tỉnh có 172 trang trại theo quy mô vừa và nhỏ, 2 trang trại quy mô lớn góp phần hình thành các vùng chăn nuôi hàng hóa. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu, tập trung phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; khuyến kích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, chuồng trại, áp dụng KHKT nâng cao năng suất; mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi.

Bài, ảnh: HOÀNG HÀ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tập trung giảm nghèo, vững bước vào kỷ nguyên mới: Kỳ 1- Những con số “biết nói”
​​​​​​​BHG - Giai đoạn 2022 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm mạnh (giảm 18,77%) là minh chứng sống động cho những nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, địa phương trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững. Các chương trình, chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ, thực chất đã tạo nguồn lực để người dân miền đá vươn lên, hòa mình vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
30/04/2025
“Chìa khóa vàng” mở cánh cửa sinh kế ở Bắc Quang
BHG - Lấy người học làm trung tâm, doanh nghiệp làm đối tác, đầu tư bài bản, hỗ trợ đúng đối tượng… Đây chính là “chìa khóa vàng” trong chiến lược giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tại huyện Bắc Quang, giai đoạn 2021 – 2024. Qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn tạo sinh kế bền vững, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương thêm phát triển.
30/04/2025
Hội thảo tổng kết Dự án bảo tồn các loài thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng
BHG - Chiều 28.4, tại thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Tổ chức Bảo tồn động thực vật Quốc tế (FFI) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án bảo tồn các loài thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2016 - 2024.
28/04/2025
Triển vọng từ mô hình trồng dưa hấu ở Vị Ke
BHG - Những mầm dưa hấu xanh mướt đang từng ngày phủ kín các cánh đồng ở thôn Vị Ke, xã Nậm Ban (Mèo Vạc). Thành công bước đầu từ mô hình trồng dưa hấu nơi đây không chỉ mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.
28/04/2025