Với ba mươi điểm di sản địa chất và văn hóa đan xen và tích hợp lẫn nhau, Lý Sơn không chỉ mê hoặc lòng người bởi vách Hang Câu, miệng Giếng Tiền, núi Thới Lới như thể dẫn dụ du khách vào bảo tàng tự nhiên của lớp vỏ trái đất cách đây từ vài nghìn năm đến hàng chục triệu năm, mà còn bởi bí ẩn của những rạn san hô, của các miệng núi lửa nằm sâu trong lòng biển, của cổng tò vò trên cạn và dưới nước, bí ẩn của những phương thức canh tác độc đáo tạo nên một “vương quốc tỏi” giữa đại dương bao la.
Từ trồng tỏi hữu cơ sạch
Với diện tích hơn 330ha đất trồng hành, tỏi, mỗi năm huyện đảo Lý Sơn cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi khô, 3.500 tấn hành. Tỏi Lý Sơn từ lâu rất nổi tiếng, được xem như một loại tỏi đặc sản của nước ta với hương vị đặc trưng. Nhờ thiên nhiên ưu đãi cùng với thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp cho nên tỏi nơi đây có mùi hương và vị cay nồng tinh túy. Vài năm qua, nhu cầu sản lượng cung ứng thị trường tăng cao, khiến nhiều người chạy đua tăng năng suất, sản lượng bằng mọi giá. Không ít người đã sử dụng phân bón hóa học để tăng sản lượng. Bên cạnh đó, do hám lợi, nhiều tư thương mua tỏi từ nơi khác mang ra Lý Sơn trà trộn với sản phẩm của người dân trên đảo. Thương hiệu, chất lượng tỏi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước thực trạng nêu trên, các nông dân trẻ đã tạo ra hướng đi mới cho tỏi Lý Sơn. Họ mong muốn khôi phục, phát triển nghề trồng tỏi theo hướng xanh, sạch, tạo nên sản phẩm chất lượng mang thương hiệu tỏi Lý Sơn. Tiêu biểu là anh Nguyễn Văn Nhật, một người con của đảo Lý Sơn. Anh đã phát triển một vườn tỏi gần 1.000 m2 được trồng bằng phương pháp hữu cơ. Khác với tỏi trồng đại trà, thời gian thu hoạch tỏi hữu cơ thường lâu hơn. Nhưng bù lại, giá tỏi tươi thành phẩm của anh giá cao gấp vài lần giá thị trường.
Anh Nhật chia sẻ: “Muốn tỏi sạch thì đất trồng phải sạch. Do đó tôi bắt tay vào phục hồi đất đầu tiên, cụ thể là xử lý bệnh nấm đất. Khi triển khai mô hình này tôi tìm hiểu trên mạng và được sự tư vấn của các giáo sư, nhà khoa học. Vừa làm vừa học hỏi, sau hai năm thí điểm và tự điều chỉnh liệu trình trồng trọt, năng suất tỏi do tôi trồng dần được cải thiện”.
Để người dân yên tâm trong việc chuyển đổi sang trồng tỏi hữu cơ, anh Nhật ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ dân trong 5 năm, giá thu mua luôn cao hơn giá thị trường 5.000 đồng/kg.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Có những năm giá tỏi chỉ còn 20-30.000 đồng/kg người dân lỗ nặng, anh Nhật vẫn mua với giá cao hơn để người dân không bị thiệt thòi. Hiện nay giá tỏi anh đang thu mua của các hộ dân là 160.000 đồng/kg tỏi nhiều nhánh. Cùng với việc cải tạo đất, anh Nhật đã thay đổi cách gieo trồng tỏi so với truyền thống. Anh Nhật vẫn còn nhiều trăn trở: Người dân Lý Sơn phải thay đổi tập quán canh tác, không đào đắp đất cát tùy tiện, hạn chế phân hóa học, thuốc trừ sâu, tiến tới canh tác hữu cơ hoàn toàn. Thay vì chạy theo sản lượng bằng mọi giá, hãy tập trung vào giá trị của sản phẩm, nhánh tỏi.
Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn: “Địa phương ủng hộ việc trồng tỏi hữu cơ mà các bạn trẻ hiện nay đang làm bởi không chỉ tăng giá trị cho chính sản phẩm đặc trưng vùng đất tỏi mà còn tăng giá trị du lịch, dịch vụ. Chẳng hạn, việc kết hợp để khách du lịch tham quan, trải nghiệm trồng tỏi hữu cơ thì sẽ cải thiện được thu nhập của người dân...”.
Đến mô hình du lịch cộng đồng
Khi triển khai dự án trồng tỏi hữu cơ anh Nhật đã thành lập Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Phú Sinh để tiện cho việc buôn bán, sản xuất, kinh doanh. Anh Nhật dành ra một khoảnh đất để du khách đến với Lý Sơn có thể trải nghiệm làm người nông dân trồng hành tỏi. Từ khi triển khai mô hình, công ty đã đón nhiều đoàn khách đến đây trải nghiệm. Cách làm này vừa giới thiệu vừa truyền cảm hứng cho du khách. Được chụp hình, được thưởng thức tỏi đen thành phẩm, thử ly rượu tỏi đen do công ty sản xuất, mỗi lượt 4 du khách trải nghiệm và hoàn toàn miễn phí. Đó là 1 quy trình khép kín mà Công ty Phú Sinh đang triển khai để du khách trải nghiệm trồng tỏi, tham quan nhà xưởng, thưởng thức sản phẩm và mua hàng trực tiếp.
Để tạo một chuỗi khép kín các hoạt động dành cho du khách khi đến Lý Sơn, tháng 6 vừa qua, mô hình du lịch cộng đồng mới với tên gọi “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” đã ra đời. Mô hình được xây dựng dựa trên ưu thế về hoạt động nông nghiệp đặc trưng thu hoạch hành, tỏi, đánh bắt hải sản truyền thống hoạt động ẩm thực và các điểm tham quan kỳ bí ở quanh đảo núi lửa. Mô hình còn khai thác những câu chuyện kỳ bí từ thiên nhiên, văn hóa, con người Lý Sơn. Tham quan đảo thông qua mô hình du lịch cộng đồng mới này du khách có cái nhìn bao quát hơn về lịch sử phát triển Lý Sơn.
Sau khi đến thăm địa chỉ đỏ nhà trưng bày và Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, du khách còn được tham quan vách Hang Câu, miệng Giếng Tiền, núi Thới Lới. Một Lý Sơn với rất nhiều di tích, di sản không chỉ có nét tưng bừng của lễ hội đua thuyền Tứ Linh mà còn có sự trang nghiêm tĩnh lặng sâu thẳm trong tâm thức người dân về Khao lề thế lính Hoàng Sa. Du khách sẽ được dự lễ chào cờ ở quảng trường Hoàng Sa để cảm nhận sự thiêng liêng trên đất đảo tiền tiêu. Những trải nghiệm này lâu nay chưa được các công ty lữ hành khai thác phục vụ du khách.
“Sau khi tham quan một loạt các di tích, địa chỉ đỏ ở trên đảo, được trải nghiệm thực tế làm người nông dân mới thấy mọi người vất vả như thế nào. Người dân ở đây hiền hòa, mến khách. Tôi mong sẽ có nhiều bạn bè, du khách sẽ tới đây trải nghiệm ở hòn đảo nhỏ bé này”, du khách Đặng Thị Ngọc Huệ đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Theo anh Nguyễn Văn Thảo, người dân huyện Lý Sơn: Khi tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng, chúng tôi sẽ được hỗ trợ quảng bá hình ảnh, đồng thời, được hướng dẫn để làm du lịch một cách chuyên nghiệp hơn. Khi liên kết được với các đơn vị lữ hành, lượng khách đến cũng sẽ đông hơn, tạo nguồn thu nhập cho người dân khi chuyển từ sản xuất truyền thống sang làm du lịch trải nghiệm.
Mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” thu hút hơn 120 thành viên tham gia, tạo thành một vòng tròn khép kín phục vụ du khách, bao gồm các dịch vụ hướng dẫn viên, nhà hàng, khách sạn, homestay, dịch vụ trải nghiệm đến cho thuê các loại phương tiện để vận chuyển du khách. Tham gia mô hình doanh nghiệp và chủ thể làm du lịch sẽ được hỗ trợ quảng bá hình ảnh một cách chuyên nghiệp hơn.
Anh Võ Minh Đặng, hướng dẫn viên du lịch tại đảo Lý Sơn chia sẻ: Mô hình này lập ra sẽ giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho tất cả các doanh nghiệp cũng như thành viên tham gia. Khi có du khách đến đảo, hướng dẫn viên như chúng tôi sẽ đón và đưa về khách sạn nghỉ ngơi, sau đó du khách sẽ thực hiện hành trình như kế hoạch đề ra, vừa tiết kiệm thời gian vừa được trải nghiệm đầy đủ các dịch vụ.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh cho hay: “Với những đặc điểm nổi trội về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, Lý Sơn có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế biển và du lịch, dịch vụ. Tài nguyên du lịch của Lý Sơn giữ nét riêng biệt, không lẫn lộn. Chúng tôi kỳ vọng mô hình nêu trên sẽ góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Lý Sơn và thu hút nhiều du khách đến với mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc”.
Gửi phản hồi
In bài viết