Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết các hiệp định vay và viện trợ giữa Việt Nam với Ngân hàng Thế giới (WB) cho các Dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương và phát triển hành lang lang đường thủy và logistics phía nam. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Tham dự và chứng kiến lễ ký kết có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Phó Chủ tịch ADB phụ trách Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương - ông Scott Morris; Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam - ông Shantanu Chakraborty; Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, Campuchia, và Lào - bà Mariam J. Sherman; đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Quảng Trị, Phú Yên và đại diện chủ đầu tư các dự án.
Tổng giá trị các khoản vay và viện trợ được ký kết gần 400 triệu USD cho các Dự án gồm: Cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương, vay vốn WB (IBRD); Phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía nam, vay vốn WB (IDA); và Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó biến đổi khí hậu tại tỉnh Phú Yên và Quảng Trị, vay vốn ADB.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự lễ ký. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Trong đó, Dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương có tổng mức đầu tư 7.211 tỷ đồng, trong đó vốn vay WB (IBRD) là 5.354 tỷ đồng (tương đương 230,76 triệu USD). Cơ quan chủ quản của dự án là Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.
Dự án nhằm mục tiêu cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải đô thị gây ra tại các khu vực của tỉnh Bình Dương gồm 3 thành phố: Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên.
Dự án này sẽ đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị mới cho thành phố Tân Uyên, mở rộng mạng lưới thu gom và nâng công suất nhà máy xử lý nước thải cho thành phố: Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên; nâng cao năng lực quản lý lĩnh vực nước thải cho tỉnh Bình Dương; tăng cường an ninh nguồn nước cho các vùng hạ lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 40% lượng nước cấp cho thành phố lấy từ sông Đồng Nai.
Lễ ký kết hiệp định giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Trong khi đó, Dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía nam, có tổng mức đầu tư 3.901,602 tỷ đồng, trong đó vốn vay WB (IDA) là 2.493,731 tỷ đồng (81,2 triệu SDR - tương đương 107,67 triệu USD). Cơ quan chủ quản của dự án là Bộ Xây dựng (trước đây là Bộ Giao thông vận tải).
Việc huy động nguồn vốn IDA sẽ giúp dự án đạt được mục tiêu cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải đông-tây kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cải tạo hành lang vận tải bắc-nam kết nối khu vực Đông Nam Bộ với cụm cảng Cái Mép-Thị Vải.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến đầu tư xây dựng nằm ở cửa sông Thị Vải (đối diện với Cụm cảng Cái Mép Thị Vải). Do đó, việc đầu tư dự án này cũng đồng thời giúp kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Bộ với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Dự án sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân tộc thiểu số - Dự án thành phần tỉnh Phú Yên và Quảng Trị trị giá 60 triệu USD, bao gồm 59 triệu USD vốn vay ADB và 1 triệu USD viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Công nghệ cao của ADB.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký kết hiệp định vay và viện trợ giữa Việt Nam với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho dự án phát triển cơ sở hạ tầng đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó biến đổi khí hậu tại tỉnh Phú Yên và Quảng Trị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Khoản viện trợ này sẽ tài trợ cho việc cung cấp và lắp đặt các hệ thống dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro thiên tai và khí hậu. Bên cạnh đó, dự án cũng bao gồm 19,74 triệu USD đóng góp bởi Chính phủ Việt Nam.
Dự án đặt mục tiêu nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và cấp nước tại 5 huyện miền núi có đông cộng đồng dân tộc thiểu số cư trú nhất tại 2 tỉnh ven biển miền trung Việt Nam.
Theo đó, dự án sẽ nâng cấp khoảng 133km đường huyện và xã theo tiêu chuẩn chống chịu biến đổi khí hậu, xây dựng và nâng cấp hạ tầng cấp nước nông thôn, cung cấp dữ liệu thời tiết và khí hậu đáng tin cậy hỗ trợ cảnh báo sớm và ứng phó thiên tai.
Khoảng 363.000 người, trong đó bao gồm 187.000 đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án.
Gửi phản hồi
In bài viết