Kỳ họp thứ V, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra tại Hà Nội
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham dự và chỉ đạo Kỳ họp.
Các đồng chí: Đinh Thị Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng đồng chủ trì Kỳ họp.
Tại Kỳ họp, Hội đồng đã công bố Quyết định của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phân công đồng chí Đinh Thị Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; công bố Quyết định đồng chí Nguyễn Xuân Thủy - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức Ủy viên Hội đồng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã trao quyết định và tặng hoa các đồng chí Đinh Thị Mai, Nguyễn Xuân Thủy. Ông cũng mong rằng hai đồng chí tiếp tục phát huy sở trường, kinh nghiệm công tác, nhanh chóng tiếp cận công việc, nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, nắm bắt thực tiễn, đồng tâm, hiệp lực cùng Thường trực Hội đồng và tập thể Hội đồng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đã phát biểu khai mạc, chào mừng sự tham dự của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Trọng Nghĩa. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cũng báo cáo kết quả hoạt động giữa 2 kỳ họp 4-5 và kế hoạch nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Hội đồng.
Cụ thể, từ kỳ họp thứ IV (12/12/2023) đến nay, hoạt động của Hội đồng tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Ban Bí thư, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; sự phối hợp của một số ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị.
Hội đồng có nhiều đổi mới; vị trí, vai trò và ảnh hưởng của Hội đồng ngày càng được nâng cao. Hai đơn vị chức năng của Hội đồng là Văn phòng Hội đồng và Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong điều kiện người ít, việc nhiều cũng đã khắc phục khó khăn làm tốt nhiệm vụ được giao. Về việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, Hội đồng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tiêu biểu như: tổ chức 2 lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật với chủ đề "Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận - phê bình và quảng bá"; Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề "Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng"; tham gia đóng góp vào quá trình tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; các tiểu ban chuyên môn tổ chức các hoạt động tọa đàm, nghiên cứu khoa học, khảo sát thực tiễn...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Hội đồng vẫn còn một số hạn chế, cần khắc phục như: cần bám sát hơn nữa các vấn đề sự kiện sáng tác, quảng bá, biểu diễn ở các loại hình văn học, nghệ thuật nhất là văn học, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc... để kịp thời đánh giá và tham gia tư vấn, định hướng hoạt động; cần quan tâm hơn đến các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát huy khả năng đội ngũ lý luận, phê bình trẻ, nhất là ở một số lĩnh vực văn học, nghệ thuật mà đội ngũ này còn rất mỏng, hoạt động còn nhiều hạn chế; một số tiểu ban của Hội đồng chưa chủ động lập kế hoạch và thực hiện đúng kế hoạch công tác của tiểu ban. Trong nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, Hội đồng cần quan tâm nhiều hơn đến việc phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học để đánh giá các xu hướng vận động, các lý thuyết văn hóa, văn nghệ trong nước và nước ngoài, từ đó chủ động nắm bắt điều chỉnh hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật...
Trên cơ sở bám sát định hướng, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển lĩnh vực văn học, nghệ thuật của Đảng được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII và các nghị quyết chuyên đề; để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Hội đồng xác định rõ phương hướng chung cho hoạt động 6 tháng cuối năm 2024.
Theo đó, tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của Hội đồng, các tiểu ban và từng thành viên Hội đồng. Các đơn vị của Hội đồng bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao; tập trung đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để tư vấn chuyên sâu những vấn đề lớn, quan trọng giúp Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, trong chương trình Kỳ họp, các thành viên Hội đồng sẽ tập trung, trao đổi, thảo luận, làm rõ những kết quả đã đạt được. Đồng thời, phân tích thấu đáo hơn nữa những bất cập, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân; từ đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và giải pháp thực hiện từ nay đến hết năm 2024, tạo đột phá trong công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tư vấn giúp Đảng và Nhà nước về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo cũng nêu một số nội dung có tính chất gợi mở, cụ thể như: Hội đồng tiếp tục bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò, đóng góp của các thành viên Hội đồng và đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước. Tập trung xây dựng các báo cáo tư vấn chuyên sâu về tình hình đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà và những vấn đề nổi bật từ thực tiễn; tổ chức tốt các hội thảo, tọa đàm khoa học... Việc triển khai nhiệm vụ của Hội đồng cần bảo đảm tính liên thông cao, tập trung hướng đến tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất và tư vấn đóng góp cho văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội đồng tập trung nghiên cứu, quán triệt kỹ lưỡng Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; từ đó cụ thể hóa, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình, kế hoạch công tác. Hội đồng tiếp tục xây dựng, củng cố cơ chế phối hợp, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, Liên hiệp và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, địa phương để làm tốt công tác định hướng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; phát huy vai trò nòng cốt của các thành viên Hội đồng tham gia xây dựng và bảo vệ nền văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc, vì sự phát triển toàn diện của văn hóa, con người Việt Nam. Hội đồng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các vụ, đơn vị tham mưu, giúp việc của Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan, tham gia có hiệu quả vào việc tổng kết 40 năm đổi mới đất nước; việc xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; cũng như các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất và tổ chức tổng kết công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa mong rằng, với khối lượng công việc còn rất lớn, Hội đồng tiếp tục đoàn kết, phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm có được từ đầu nhiệm kỳ đến nay; chủ động, sáng tạo khắc phục hạn chế, khó khăn, tập trung hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2024; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong cả nhiệm kỳ, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn mới.
Đồng chí PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cảm ơn và tiếp thu những ý kiến chỉ đạo sâu sát, tâm huyết của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Trọng Nghĩa. Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự và các ủy viên hội đồng cũng đã thảo luận sôi nổi những vấn đề cần quan tâm trong đời sống văn học, nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương hiện nay với nhiều ý kiến đóng góp có giá trị và ý nghĩa thực tiễn cao.
Gửi phản hồi
In bài viết