Ký ức ngày Chiến thắng

- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những ngày tháng 4 hào hùng vẫn sống mãi trong lòng những người lính đã từng vào sinh ra tử. Trong lòng họ, tiếng súng đã xa, nhưng tinh thần bất khuất và niềm tự hào của 48 năm về trước thì vẫn như nguyên vẹn.

Mang thanh xuân đi cùng đất nước

Cứ mỗi độ tháng 4, những người lính Tuyên Quang của Trung đoàn 198 đặc công lại tụ họp nhau lại, cùng ôn lại những tháng ngày vừa gian khổ, vừa tự hào, xúc động của 48 năm trước.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng, xóm 4, xã Trung Môn (Yên Sơn) lần giở những kỷ vật mang về từ chiến trường. Từ chiếc la bàn cũ, chiếc ống nhòm, mảnh giấy phác họa vội từng mũi tấn công đến những lá thư, cuốn nhật ký. Khi nhập ngũ, ông là chàng trai chưa tròn 20 tuổi, nhưng từ chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh đến sau này là chiến tranh Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc... người lính ấy đều đã từng kinh qua.

Ông bảo, ngày đấy viết đơn lên đường nhập ngũ, trong lòng chỉ có một quyết tâm: mang sức trẻ đi bảo vệ Tổ quốc! Thời của ông, nữ thì đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, nam thì đi bộ đội. Như ông Vũ Ngọc Bình, cùng Trung đoàn 198 đặc công, người ở xã Tràng Đà, bao nhiêu lần khám sức khỏe cân nặng đều chỉ ở 36, 37 kg, liền nghĩ cách nhét đá vào túi để đủ cân, lên đường nhập ngũ.

Sau chiến dịch Tây Nguyên, mở màn đánh vào sân bay Buôn Ma Thuột và Kho Mai Hắc Đế, những người lính ở Trung đoàn đặc công 198 nhận lệnh lên đường về Sài Gòn với nhiệm vụ đánh và giữ các cây cầu để quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, trong đó ông Thắng và các đồng đội nhận nhiệm vụ đánh cầu Xáng - cách Sài Gòn khoảng 18 km. Ông Thắng nhớ lại, 5 giờ sáng ngày 29-4, cầu Xáng và tất cả các cầu dẫn vào Sài Gòn được quân ta đồng loạt nổ súng để chiếm quyền điều khiển. Sáng ngày 30-4, nhiệm vụ hoàn thành.

Những cựu chiến binh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh ôn lại kỷ niệm. Ảnh: Bàn Thanh

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hạnh, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) nhớ lại, khi ấy, nhìn từng đoàn quân trập trùng tiến vào Sài Gòn  - khi ấy chưa giải phóng, nhưng trong lòng ông và đồng đội đã sẵn niềm tin chiến thắng. Chưa bao giờ và chưa khi nào, ông thấy quân ta đông và khí thế đến như vậy. Sau một đêm nằm lại cầu Xáng, trưa ngày 30-4, tiếng Đài phát thanh Sài Gòn phát đi Lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh, anh em chiến sĩ đồng loạt buông súng, ôm chầm lấy nhau, hét lên trong nước mắt: Sống rồi, mẹ ơi con sống rồi!

6 năm sau khi nhập ngũ, người lính Nguyễn Đức San, giờ ở xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) khi ấy vừa rời chiến trường Lào, được lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam. 1 tháng trời ròng rã ngày đi đêm nghỉ, những người lính nhuốm trong bụi đỏ, chỉ còn trơ hai con mắt nhưng tinh thần chiến đấu thì không lúc nào cạn.

Ông San nhớ lại, khi nhận lệnh nổ súng đánh Buôn Ma Thuột, mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên, chiều ngày 9-3-1975, ông cùng đồng đội bắt đầu hành quân chiến đấu. Từ rừng Khộp, qua sông Sê rê pốk cách thị xã Buôn Mê Thuột 30 km về phía Tây Nam, đơn vị đi theo đường công binh mở xuyên rừng trong đêm. Khi nhận lệnh đánh vào kho Mai Hắc Đế, từ ngày 9 đến ngày 11-3-1975, ông cùng đồng đội diệt 2 xe, phá hủy 10 xe của địch.

Trận đánh quan trọng này của bộ đội đặc công đã góp phần mở cánh cửa phía tây, tạo bàn đạp để quân ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Đánh chiếm kho Mai Hắc Đế thắng lợi còn giúp ta thu giữ một khối lượng lớn đạn pháo để kịp thời trang bị cho các lực lượng tham gia chiến dịch, thực hiện phương châm “sử dụng vũ khí địch để đánh địch”, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên.

Sau trận mở màn Buôn Ma Thuột, ông San cùng đồng đội lại được lệnh về tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và được lệnh cắt đường Quốc lộ 22 từ Sài Gòn đi Tây Ninh, ngăn chặn chi viện và chặn đường rút của địch từ Tây Ninh cho Sài Gòn. Từ ngày 20-4 đến ngày 30-4, nửa đại đội phối thuộc với Trung đoàn 148 làm nhiệm vụ đánh ấp Bầu Nâu, Trà Võ, tiêu diệt địch tại Sở chỉ huy Bầu Nâu.

Ngày 30-4, một người dân chạy đến hô vang: Hòa bình rồi các anh ơi! Ông San và đồng đội vẫn không dám tin vào tai mình. Chỉ đến khi tiếng radio của người dân vang lên tiếng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, những tiếng hò reo, những cái ôm của những người lính mới vang cả ấp: Sống rồi!

Những chiếc huân chương đeo hộ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng nghìn thanh niên Tuyên Quang đã lên đường nhận nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Có những người trở về, và có người mãi mãi dừng lại ở tuổi 20!

Điều tiếc nuối nhất với những người lính trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày ấy, chính là phải tự tay chôn cất những đồng đội ra đi ngay trước ngày giải phóng, thống nhất đất nước.
Cựu chiến binh Vũ Ngọc Bình giờ vẫn nhớ từng cái tên đồng đội mà chính tay ông đã chôn cất trong trận đánh cầu Xáng ngày ấy.

Đó là đồng chí Hoa, đồng chí Thọ, đồng chí Chi, đồng chí Vĩnh, đồng chí Cường.

“Đeo hộ mình tấm huân chương chiến công
Lúc nằm xuống được cấp trên truy tặng
Đeo hộ mình chiếc huy chương giải phóng
Phát ở cửa ngõ Sài Gòn mình đã kịp đeo đâu
Đạn đại liên xối xả bốt đầu cầu
Cầu Xáng, cầu Bông, Tuyên Quang mình mấy chục thằng nằm lại
Pháp chụp tới, bạn giơ tay chới với Tuyên ơi, tao dính rồi!
Những tấm huân chương máu đỏ một thời
Mỗi khi cài lên ngực áo
Lại nghe tim mình đau đáu
Bạn mình đâu, không đeo huân chương?...”

Mỗi lần đọc lại bài thơ của chính mình, cựu chiến binh Bùi Minh Tuyên, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) lại khóc. Nước mắt lặng lẽ rơi trên khuôn mặt người lính đã qua 70 tuổi đời mặn đắng và đau xót.

Ông Tuyên bảo, thời hoa lửa ấy, những chàng trai 18, đôi mươi như ông và các đồng đội không tiếc tuổi xuân, chỉ biết đất nước còn khói đạn, thì mình còn chiến đấu.

48 năm đã trôi qua, dư âm của chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 vẫn như còn nguyên vẹn. Trở về với cuộc sống hòa bình, những người cựu chiến binh năm ấy vẫn giữ mãi tinh thần của người lính cụ Hồ: Hiên ngang và không lùi bước! Như lời của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thắng, thì mình đang sống hộ cả phần của đồng đội đã nằm xuống, phải sống sao cho không hoài không phí!
 

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục