“Tất cả đều phải học”
Vừa bước vào sân nhà chị Lê Thị Thúy Nhàn và anh Lã Văn Hải, đã nghe thấy âm thanh “gù gù…” của hàng nghìn con chim bồ câu Pháp vang vang từ phía sau nhà. Những tổ chim vuông được xếp chồng lên nhau, chia thành từng khu, dãy riêng biệt. Đó là nơi ở của 600 cặp chim câu giống và hàng trăm con chim bồ câu non. Niềm nở mời chúng tôi vào trong tham quan, chị Nhàn bảo anh chị đang lựa chọn những chú chim đạt “chuẩn” nhốt vào lồng để chuẩn bị gửi cho khách ở xa.
Khuôn mặt chị Nhàn rạng ngời với đôi má lúm đồng tiền lúng liếng. Vừa nói, vừa cười chị bảo, nơi này trước kia là khu chăn nuôi lợn của gia đình, giờ được cải tạo lại để nuôi chim bồ câu Pháp. 3 năm trước, anh chị tính nuôi thêm chim câu để cải thiện kinh tế gia đình, ngờ đâu giờ lại thành nghề chính…
Từ nuôi chim bồ câu Pháp, gia đình chị Nhàn thu lãi từ 25 - 30 triệu đồng/tháng.
100 cặp chim giống đầu tiên được anh chị tìm mua ở Chi Đám, Đoan Hùng (Phú Thọ). “Họ cũng dạy cho mình cách nuôi chim cơ bản, nhưng không dạy hết cho mình đâu. Phải tự quan sát, tìm hiểu, học hỏi thêm rồi rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình. Tất cả đều phải học”. - chị Nhàn nói.
Để việc chăn nuôi đảm bảo khoa học, vợ chồng anh chị dành nhiều thời gian ghi chép thay đổi, thói quen của chim, học hỏi thêm trên sách báo, Internet, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm thịt chim câu thương phẩm. Từ 100 cặp chim giống ban đầu, đến nay gia đình chị Nhàn đã đầu tư nuôi 600 cặp chim bồ câu Pháp. Anh chị vẫn bảo rằng, nuôi chim câu không khó và cũng không quá vất vả như chăm nuôi các vật nuôi khác. Khi kiên trì nghiên cứu, quan sát, biết được tập tính, hiểu được cá tính riêng của loài thì việc chăn nuôi sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Chim bồ câu thương phẩm có giá từ 150 - 180 nghìn đồng/cặp.
Phát triển chăn nuôi bền vững
Để chim câu giống khỏe mạnh, duy trì được lâu năm, bên cạnh lựa chọn con giống, xây dựng chuồng nuôi, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, tiêm vắc - xin phòng bệnh thì nguồn thức ăn và nước uống giữ vai trò chủ chốt. Chị Nhàn bảo, không thể nuôi chim bằng cám tăng trọng, như vậy chim sẽ yếu, thịt cũng không thơm ngon. Thức ăn nuôi chim là thức ăn phối trộn giữa gạo lúa mạch, thóc, ngô. Hàng ngày, thức ăn thừa phải được dọn sạch sẽ và thay mới. Chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ theo tuần. Chỉ tay ra khu vườn được quây nuôi nhốt gà, chị bảo, thức ăn thừa của chim sẽ được phơi, sấy, sàng lọc lại và tận dụng để chăn nuôi gà.
Một trong những yếu tố quyết định nuôi chim bồ câu Pháp hiệu quả đó là phải đảm bảo tỉ lệ ấp trứng cao. “Để tránh chim đang ấp giữa chừng bỏ dở thì mình phải cho chim ấp trứng giả. Trứng thật sẽ được đưa vào máy ấp trứng” - chị Nhàn nói. Hàng ngày vào buổi tối, vợ chồng anh chị sẽ kiểm tra từng chuồng trứng, cẩn thận lấy trứng ra ghi thời gian, xếp vào lò ấp.
Chị Nhàn kiểm tra thời gian ấp trứng.
Việc ghi chép, tính toán thời gian ấp trứng giả, tính ngày đưa con non vào cũng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu. Nếu không đúng ngày, đúng thời gian thì chim mẹ cũng sẽ bỏ không chăm sóc chim non… Thông thường, trứng được ấp trong vòng 18 ngày. Sau 10 ngày nuôi con, chim mẹ lại tiếp tục đẻ lứa mới. Hàng năm, mỗi cặp chim câu giống sẽ cho từ 10 - 12 cặp chim con.
Trung bình mỗi ngày, gia đình chị Nhàn, anh Hải xuất bán 20 - 30 con chim bồ câu với giá từ 150 - 180 nghìn đồng 1 đôi. Vào mùa cưới hay những dịp lễ Tết, cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, chim câu cũng bán chạy hơn. Đến nay, gia đình chị duy trì được nhiều mối thu mua ổn định, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Mỗi tháng, từ xuất bán chim bồ câu, anh chị thu lãi từ 25 - 30 triệu đồng.
So với những mô hình chăn nuôi trước đó, chị Nhàn bảo đầu tư chăn nuôi chim bồ câu Pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn bởi không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, con vật ít bệnh, dễ chăm sóc, không tốn nhiều thời gian và công sức. Thời gian tới, gia đình chị tiếp tục nhân rộng đàn lên 1.000 đôi chim câu giống, cải tạo lại chuồng trại, phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững. Đây là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được xã khuyến khích phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết