Từ chuyện “tuốt lá đếm tiền”...
Vào những ngày này, người trồng đào các tổ 8, 9, 10 phường Nông Tiến người trên kẻ dưới nhộn nhịp làm một nhiệm vụ đặc biệt cho vườn đào nhà mình. Đó là tuốt lá đào kích thích cây ra hoa.
Gia đình ông Phạm Thanh Sơn tổ 9 có vườn đào cổ thụ được mệnh danh là đẹp nhất làng. Ông bảo: “khi lá bị tuốt, toàn bộ dinh dưỡng của cây sẽ không nuôi lá nữa mà chuyển sang nuôi búp. Từ đó cây nở hoa đúng thời điểm các chủ vườn căn chỉnh, thường là cận Tết Nguyên đán. Năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, nóng nhiều, nên nhà tôi và nhiều hộ khác đều tuốt lá muộn hơn mọi năm đến cả chục ngày, tuốt muộn hơn để đào nở chậm hơn”.
Nói là tuốt lá, nhưng cũng không phải cứ thò tay ra ngắt lá là được. Công việc này cũng đòi hỏi tỉ mỉ, kỳ công, làm từng cây đào, từng nhánh đào một. Một tay níu nhẹ cành, một tay vuốt nhẹ tuốt lá, động tác tuốt lá phải tuốt theo chiều lá mọc hướng lên, tuốt ngược xuống sẽ bị rụng hết “mắt đào”.
Bà Vũ Thị Bích, tổ 8 là một người trồng đào lâu năm giải thích thêm, mỗi một lá đào ngắt xuống là một lần cây đào “tức mắt”, từ “mắt đào” mà cây đâm chồi, nảy lộc. Bước tuốt lá này cực kỳ quan trọng quyết định vẻ đẹp sau này của cây hoa đào. Thế nên nhiều người vẫn gọi vui đây là nghề tuốt lá đếm tiền.
Bà Vũ Thị Bích, tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) nói về kinh nghiệm tuốt lá đào.
Chỉ là tuốt lá nhưng mỗi gia đình ở làng đào Nông Tiến lại có một bí quyết riêng, không nhà nào giống nhà nào. Ông Dương Thế Phúc, tổ 9 chia sẻ, dù là có công thức chung cho trồng đào ở nơi đây nhưng mỗi nhà cũng có một “mẹo” riêng cho mình, chỉ có gắn bó lâu dài với cây đào mới có được. Như nhà ông, để hoa nở rộ cùng thời điểm thì mỗi cây lại có một lịch tuốt lá khác nhau, có cây ông tuốt lá đúng ngày, có cây tuốt chậm năm ngày, cây khác lại tuốt chậm đến chục ngày. Với cách thức như vậy thì dù thời tiết như thế nào gia đình ông cũng luôn có được cây đào nở hoa đúng dịp để phục vụ bà con.
Bà Nguyễn Thị Nga, tổ 8 có vườn đào gần 200 gốc chia sẻ: “Đào phải có nở trước nở sau, chứ bán cùng một lúc tết thì bán sao kịp. Cành nào xấu tuốt trước bán trước, cành nào đẹp tuốt sau bán sau, phải phân loại ra thì mới trúng được, vẫn có hoa bán. Thế nên kể cả nắng vẫn được ăn, rét vẫn được lãi”.
Bà Nga vừa thoăn thoắt tuốt lá, vừa trò chuyện. Bà bảo, việc tuốt lá cần phải cẩn trọng từng tý một, bà thường tự làm không thuê mướn gì vì chỉ có mình làm mới yên tâm được. Một mắt lá có ba, bốn nụ, vặt lá nào, để lại lá nào chỉ người trong nghề mới biết. Tết năm trước, do căn được thời gian và tuốt lá muộn nên dù nhiều nhà thất thu thì nhà bà vẫn “trúng mùa” đào.
Rõ ràng nếu không phải người ăn cùng đào, ngủ cùng đào, dầm mưa dãi nắng với cây đào thì không thể nào có được những kinh nghiệm để xuống lá “thay áo” cho những vườn đào.
Đến bí quyết trông trăng
Để cây đào ra hoa đúng hẹn mùa xuân, người ta phải “trông trăng” từ tận… trung thu năm trước. Đây chỉ là một trong những bí quyết trồng đào từ bao năm nay của biết bao người trồng đào.
Ông Dương Thế Phúc, tổ 9 bao năm nay vẫn áp dụng bí quyết đó. Gia đình ông có nghề chính là làm nông, trong đó trồng đào chiếm một vị trí quan trọng. Ông nói, cũng như các loại cây trồng khác, yếu tố thời tiết vẫn là quan trọng nhất. Từ giữa trung thu, khi con trẻ mải mê ngắm trăng, đốt đèn, phá cỗ thì người làm vườn cũng ngắm trăng nhưng là để xem thời tiết lúc áp tết thế nào. Kinh nghiệm là “nếu năm nào trăng đục thì trời sẽ lạnh, còn trăng trong thì sẽ nóng”.
Vườn đào cổ thụ của ông Phạm Thanh Sơn, tổ 9, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang).
Từ chuyện ấm lạnh của con trăng mà thành chuyện thời khí những ngày áp tết. Từ đó mới gia giảm chuyện nhặt sâu, tuốt lá cho cây đào. Với ông Phúc thì năm nay trăng hơi đục nên việc kích đào ra hoa diễn ra chậm hơn. Ông lạc quan bảo, khí hậu có ấm hơn nhưng mưa không nhiều nên năm nay chắc chắn sẽ trúng mùa hoa.
Ngoài những bí quyết về việc đó nhiều người trồng đào còn có những cách làm riêng để đào ra hoa đúng dịp Tết như hãm đào nở hoặc kích hoa nở…
Ví như việc tiện gốc đào giúp cây dồn sức vào nuôi “mắt đào”, thúc ra hoa. Ông Lê Ngọc Hà, tổ 8 giải thích: “Miếng khứa nông sâu tùy theo sự phát triển của cây đào. Cây to thì khứa to, cây bé thì khứa bé. Cây nào khỏe thì khứa nhiều, cây nào yếu thì khứa ít. Nhiều nhà khứa một nhát “đứng” cây, đào nở hết, khoanh 2 - 3 nhát thì nó nở từ từ, chia ra làm 2 - 3 lượt hoa nở. Hoặc có nhà dùng biện pháp phun nước ấm hoặc nước lạnh để kích thích đào nở sớm hoặc hãm đào nở đúng dịp.
Thế nhưng với những người làm vườn thì cây hoa đẹp nhất là để hoa được nở tự nhiên vì đến mùa xuân hoa đào phải nở, đó là quy luật. Bà Vũ Thị Bích, tổ 8 chia sẻ, mình mà cố bằng mọi cách liên tục hãm thì bông hoa không ra cái gì cả. Có nơi còn “thúc” phân hóa học cho hoa nhanh nở, làm vậy thì đào ra hoa nhanh lắm, nhưng hoa nở rồi lại chóng héo, không bền. Việc gì cũng phải thuận tự nhiên thì mới đẹp mới bền được.
Rõ ràng, chỉ là khía cây, tuốt lá, mà mỗi hành động biết bao nâng niu, trìu mến, mà ẩn chứa biết bao nhân sinh quan thuận theo tự nhiên, trời đất. Nghề trồng đào không nhọc nhằn vất vả sức lực quá nhiều thế nhưng để thành công thì mỗi người làm vườn cần trải qua nhiều năm tháng, tích lũy kinh nghiệm kiến thức làm vốn cho mình.
Bao năm nay, từ trồng đào nhiều hộ đã khấm khá, xây được nhà to, mua được xe ô tô đẹp. Doanh thu bình quân từ trồng đào đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Quả thực đây là nghề vừa làm đẹp cho đời vừa làm giàu cho mình, bà con Nông Tiến tự hào về làng nghề lắm. Bởi thế người Nông Tiến mới có câu: “Hoa thơm, thơm lạ thơm lùng/ Thơm cành, thơm rễ, người trồng cũng thơm”.
Gửi phản hồi
In bài viết