Lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành

- Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1 (2021 - 2025) trên địa bàn huyện Na Hang, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang từng bước đổi thay tích cực. Để có kết quả đó, đội ngũ cán bộ các cấp của huyện đã luôn phát huy tinh thần “Gần dân, trọng dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. Cán bộ luôn lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành với Nhân dân trong quá trình tổ chức, thực hiện Chương trình.

Bà Lưu Thị Tụy, thôn Nà Mạ, xã Thanh Tương (Na Hang) cùng cán bộ địa chính - xây dựng xã xác minh lại diện tích đất gia đình bà hiến đất mở đường.

Từ lâu, người dân các thôn Nà Thài, thôn Bản Cưởm, thôn Nà Ngoa, xã Thượng Giáp mới có chung niềm vui vì tuyến đường đi qua các thôn được nâng cấp, mở rộng và bàn giao đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2024. Tuyến đường có chiều dài trên 1.000m, nhân dân hiến trên 6.000 m2 đất. Công trình hoàn thành bởi sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Hằng, Chủ tịch UBND xã Thượng Giáp nhớ lại: Mở rộng, nâng cấp tuyến đường bê tông mặc dù là chủ trương hợp lòng dân song để triển khai không dễ dàng. Tuyến đường bê tông cũ đi qua các thôn đã xuống cấp từ lâu, nhiều đoạn lầy lội; để mở đường theo đúng thiết kế từ 3 m lên 3,5 m và lề đường. Đa phần diện tích đi qua sẽ vào tài sản của nhân dân như cổng nhà, tường rào, sân, mái che…

Người dân vừa hiến đất, vừa phải tự bỏ thêm kinh phí để xây dựng, củng cố khuôn viên nhà ở trong khi đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, thời điểm thi công lại giáp Tết. “Trong khi nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại về tính khả thi của dự án thì tôi vẫn quyết tâm đưa dự án vào đầu điểm công trình năm 2023 và gắn với đăng ký việc đổi mới, đột phá. Tôi cam kết trước tập thể Đảng ủy “Chắc chắn sẽ làm được, phải bằng mọi cách để hoàn thành kế hoạch đề ra” - anh Hằng nhấn mạnh.

Cùng với sự quyết tâm của người đứng đầu chính quyền xã “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của xã phối hợp chặt chẽ với các thôn để tích cực tuyên tuyền, vận động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ dân trong diện phải giải phóng mặt bằng; khuyến khích, động viên nhân dân cố gắng dành dụm nguồn lực để củng cố, xây dựng khuôn viên nhà ở...

Đồng chí Hoàng Văn Vinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Cưởm là một trong những cán bộ thôn tận tụy, trách nhiệm. Anh tích cực vận động, tuyên truyền và kêu gọi các hộ dân giúp nhau tháo dỡ tài sản trên đất, đỡ đần nhau ngày công để củng cố lại khuôn viên nhà cửa. Bản thân gia đình anh tiên phong hiến gần 70 m2 đất. Anh Vinh cho biết: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, nói đi đôi với làm thì chắc chắn sẽ có lòng tin trong nhân dân, việc lớn hóa nhỏ và sẽ thành công.

Người dân thôn Bản Cưởm, xã Thượng Giáp (Na Hang) thênh thang trên con đường bê tông mới được mở rộng.

Đồng chí Hoàng Hùng Chảnh, Trưởng phòng Dân tộc huyện nhấn mạnh: Câu chuyện của xã Thượng Giáp là sự khẳng định về sức mạnh của “ý Đảng, lòng dân” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn của đội ngũ cán bộ các cấp, năm 2023, toàn huyện đã có trên 2.200 đối tượng được thụ hưởng từ các dự án của Chương trình, xây dựng gần 60 công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu; tiến độ giải ngân nguồn vốn đạt gần 70%.

Chương trình đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương với nhiều công trình, dự án được giao cho UBND xã là chủ đầu tư. Qua đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp xã càng phải bám sát cơ sở, chủ động trong quá trình thực hiện để phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, tình hình thực tế của thôn. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy tinh thần, trách nhiệm lắng nghe nhân dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng và cùng đồng hành với người dân; tham mưu, đề xuất để cấp trên kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

Những ngày này, các địa phương của huyện Na Hang đang chuẩn bị tinh thần khởi động những dự án, công trình của Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024. UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tiếp tục bám sát kế hoạch, chương trình và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động; phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn khảo sát, lập hồ sơ, thẩm định, đề nghị phê duyệt các dự án.  
Tại xã Thanh Tương, bên cạnh việc rà soát, đề xuất đối tượng thụ hưởng của các dự án theo yêu cầu đề ra, cấp ủy, chính quyền các xã đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân trong diện phải giải phóng mặt bằng hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Qua đó, ngay từ đầu năm, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, sẵn sàng bàn giao mặt bằng sạch cho chính quyền địa phương.

“Sau khi được cán bộ xã, cán bộ thôn vận động, tuyên truyền hiến đất để làm công trình duy tu, mở rộng tuyến đường từ 3 m lên 5 m, gia đình tôi trong diện phải giải phóng mặt bằng khoảng 400 m2 đất ruộng. Chúng tôi được cán bộ giải thích cặn kẽ, công khai, minh bạch về chủ trương nên gia đình tôi đồng thuận ngay. Hiện nay, gia đình chỉ chờ thông báo của UBND xã là sẽ tháo dỡ tường rào, bàn giao mặt bằng thôi” - bà Lưu Thị Tụy, thôn Nà Mạ, xã Thanh Tương cho biết.

Phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2024, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả chương trình; đảm bảo tính công khai, dân chủ theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trong quản lý và sử dụng nguồn lực gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục