Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher. Ảnh: Hải Tiến
Báo cáo về việc chuẩn bị toàn diện các mặt công tác sửa đổi Hiến pháp năm 2015 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Lào khóa IX đang diễn ra tại Thủ đô Vientiane, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher thay mặt Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp cấp quốc gia cho biết, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được ban hành ngày 15/8/1991; trong thời gian qua đã tiến hành sửa đổi 2 lần, lần đầu tiên sửa đổi vào năm 2003 và lần thứ 2 vào năm 2015.
Trong suốt thời kỳ này, Nhà nước Lào đã triển khai xây dựng thành các bộ luật áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau với tổng số 167 luật, trong đó lĩnh vực kinh tế là 75 luật, văn hóa-xã hội là 42 luật, hành chính và pháp lý 32 luật, quốc phòng-an ninh 13 luật, lĩnh vực đối ngoại 5 luật.
Hiến pháp và các đạo luật đó đã trở thành công cụ sắc bén nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội đi theo đường lối đổi mới toàn diện có nguyên tắc của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, giúp công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội bằng pháp luật ngày càng chặt chẽ, nghiêm minh hơn. Sự tôn trọng và thực hiện theo Hiến pháp, pháp luật trong toàn xã hội được nâng cao, tạo điều kiện cơ bản cho việc hình thành nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từng bước trở thành Nhà nước pháp quyền.
Theo ông Chaleun Yiapaoher, mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp lần thứ 3 nhằm tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, có nguyên tắc của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, trở thành một điều khoản của Hiến pháp mới, chẳng hạn như Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai đường lối đổi mới sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện trong vai trò lãnh đạo của Đảng và Nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong thời kỳ mới.
Việc dự kiến sửa đổi một số điều khoản về hệ thống chính quyền Nhà nước các cấp, như cấp địa phương nhằm phù hợp hơn với nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước Lào trong giai đoạn mới, có thể đáp ứng yêu cầu cần thiết trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội bằng luật pháp hiệu quả, chất lượng hơn, bảo đảm thực hiện phù hợp với nhiệm vụ chiến lược gồm bảo vệ và xây dựng phát triển đất theo mục tiêu mà Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đặt ra.
Nội dung sửa đổi Hiến pháp lần này tập trung nghiên cứu, hoàn thiện một số mục, một số điều cần thiết, như mục về quản lý địa phương và sẽ nghiên cứu đề xuất bổ sung một số điều, một số quy định được cho là quan trọng và cần thiết, có hướng chỉ đạo trong việc sửa đổi cần bảo đảm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, vai trò điều hành nhà nước dân chủ nhân dân và thực hiện các quyền làm chủ đất nước của nhân dân các dân tộc Lào, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ hay nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Các nội dung dự kiến sửa đổi lần này cũng có trọng tâm và phù hợp với Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai đường lối đổi mới sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ sâu sắc, toàn diện dưới vai trò lãnh đạo của Đảng và Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong thời kỳ mới, bảo đảm tính khoa học trong xây dựng và sửa đổi các văn bản pháp lý thông qua việc đánh giá tổ chức thực hiện theo Hiến pháp, nghiên cứu và xác định nội dung trọng tâm chính sẽ cần sửa đổi một cách cụ thể, rõ ràng, có sự tham vấn và huy động ý kiến, trí tuệ của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc, các doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài tại Lào, tranh thủ vận dụng kinh nghiệm phù hợp của nước ngoài để làm cho nội dung của Hiến pháp mới có tính chính xác, phù hợp, đầy đủ, chặt chẽ và có tính khả thi cao.
Gửi phản hồi
In bài viết