Tháng 5-2019, Trạm Y tế xã Kiến Thiết được đầu tư xây mới nhà trạm và quy hoạch trồng lại vườn thuốc nam diện tích hơn 90 m2 với gần 60 cây thuốc được chia ô trồng theo từng nhóm có gắn biển tên, công dụng mỗi loại cây thuốc. Vườn có nhiều cây như: hương nhu, xạ đen, kim ngân, ngải cứu, chanh, sả, hẹ, đinh lăng… Những loại cây này có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị các bệnh như: cảm, sốt, ho, đau xương khớp, dị ứng, mụn nhọt, tiêu chảy... Bác sỹ Lương Thái Hoàng, Trạm trưởng Trạm y tế xã cho biết, Trạm luôn phân công cán bộ chăm sóc, sưu tầm các loại cây thuốc về trồng tại vườn. Khi bệnh nhân đến trạm khám và điều trị bệnh, cán bộ của trạm đều tuyên truyền, giới thiệu các bài thuốc nam cho người bệnh, nhất là những người cao tuổi hay trẻ nhỏ nhằm mục đích sử dụng kết hợp giữa đông, tây y trong điều trị một số bệnh.
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thái Bình (Yên Sơn) giới thiệu cây thuốc tới người dân.
Việc xây dựng vườn thuốc nam không chỉ góp phần tăng hiệu quả khám chữa bệnh bằng các bài thuốc cổ truyền cho người bệnh mà còn nâng cao hiểu biết cho người dân về cây dược liệu từ đó gìn giữ các loại cây thuốc tại địa phương. Tiêu biểu trong công tác xây dựng và phát triển vườn thuốc nam là trạm y tế các xã: Tứ Quận, Phúc Ninh, Kiến Thiết, Thái Bình, Tiến Bộ...
Trung bình mỗi năm, tỷ lệ khám và điều trị kết hợp y học cổ truyền tại các xã đạt từ 30%. Tuy nhiên, một số nơi việc duy trì và chăm sóc vườn thuốc nam chưa được thường xuyên, hiệu quả. Toàn huyện có 25 trạm y tế xã và 3 phòng khám khu vực. Trong đó, các xã Trung Môn, Xuân Vân không có vườn thuốc nam do không có quỹ đất để xây dựng, xã Hùng Lợi đang trong giai đoạn xây nhà trạm…
Do chuyển địa điểm nhà trạm, khu đất mới chuyển đến chưa được cải tạo nên việc trồng và chăm sóc vườn thuốc nam của Trạm Y tế xã Thắng Quân chưa được đảm bảo, nhiều cây bị chết chưa được trồng thay thế. Hay Trạm Y tế xã Quý Quân đang trong giai đoạn trồng mới cây thuốc nên cây chưa được tốt, còn thiếu nhiều loại cây…
Theo Bác sĩ Hà Thanh Hiếu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thắng Quân, những năm trước, vườn cây thuốc nam mang lại hiệu quả, giúp người dân chữa được các bệnh thường gặp khi giao mùa như ho, sổ mũi, đau xương khớp... Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư và mua giống cây không có, thiếu người chăm sóc nên việc duy trì vườn cây thuốc nam tại trạm cũng gặp khó khăn. Khu đất mới chuyển đến chưa được cải tạo, đất cằn khiến cây phát triển chưa tốt. Vì vậy, cán bộ trạm chủ yếu giới thiệu các cây thuốc tới người dân qua bộ tranh mẫu để họ biết và tìm kiếm. Hơn nữa, trạm mới chỉ có các cây thuốc mẫu thông dụng chứ chưa thể sơ chế thành thuốc nguyên liệu để đưa vào sử dụng.
Thực tế cho thấy, so với việc chữa bệnh theo phương pháp tây y, chữa bệnh bằng các bài thuốc nam có nhiều ưu điểm như ít tốn kém, an toàn, ít gây tác dụng phụ. Chị Đặng Thị Vân, thôn Đồng Trò, xã Tứ Quận cho hay, trước đây, mỗi lần con chị bị bệnh nhẹ chị cũng vội cho con dùng thuốc tây. Nhờ cán bộ Trạm y tế xã tư vấn, hướng dẫn nên khi con bắt đầu ho chị đã lấy lá hẹ, húng chanh hấp mật ong cho con uống để giảm ho hay lấy lá kim ngân về đun nước tắm khi con bị sốt phát ban. Tác dụng tuy không nhanh bằng thuốc tây nhưng an toàn, không có tác dụng phụ, về lâu dài con không bị nhờn thuốc.
Việc phát triển vườn thuốc nam góp phần lưu giữ những bài thuốc của dân tộc, bảo vệ và duy trì nguồn dược liệu quý. Do vậy, để khắc phục tình trạng trên, theo đồng chí Phạm Đức Thắng, Phó Giám đốc TTYT huyện Yên Sơn, Trung tâm sẽ tăng cường kiểm tra việc duy trì vườn thuốc nam, tăng cường tập huấn, củng cố đội ngũ cán bộ chuyên môn. Ngoài công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc một số cây thuốc thông dụng để sử dụng khi cần thiết, các trạm y tế xã cần chủ động trồng và duy trì vườn thuốc nam tại trạm; tích cực tư vấn sử dụng thuốc nam trong điều trị một số bệnh thông thường để người dân tin tưởng.
Gửi phản hồi
In bài viết