Vở cải lương “Mặt trời đêm thế kỷ” được Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Phan Ngọc Chi chuyển thể dựa trên kịch bản cùng tên của tác giả Lê Duy Hạnh. Đây cũng là một trong ba kịch bản đã giúp tác giả Lê Duy Hạnh nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.
Thể hiện hình tượng trung tâm là hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ, nhưng vở diễn không đi sâu khai thác những chiến công oanh liệt của ông mà tập trung tái hiện một Nguyễn Huệ đầy nhân văn với những suy tư, trăn trở về trách nhiệm của mình trước vận mệnh đất nước, dân tộc.
Đây là giai đoạn Nguyễn Huệ còn là Bắc Bình Vương, đóng quân ở Phú Xuân (Huế). Thế nước khi ấy, đàng trong thì Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm đánh chiếm Gia Định, đàng ngoài thì Lê Chiêu Thống chạy sang cầu viện nhà Thanh.
Nguyễn Nhạc ngủ quên trên chiến thắng, chỉ muốn giữ một phủ Quy Nhơn, ngày đêm say sưa tiệc tùng, ca múa. Vũ Văn Nhậm lộng quyền tham lam, khiến dân cơ cực lầm than. Gạt bỏ tình riêng, Nguyễn Huệ buộc phải đem quân ra bắc trừng trị Vũ Văn Nhậm...
Vở diễn lý giải hàng loạt những khó khăn mà vị “anh hùng áo vải” Nguyễn Huệ đã phải đối mặt trước khi quyết định lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra bắc chặn đứng cuộc xâm lăng của quân Thanh. Đây là quãng thời gian anh em nhà Tây Sơn không còn nắm chặt tay nhau nữa, Nguyễn Huệ phải trải qua nhiều nỗi đau chia ly, mất mát, nhưng ông đã luôn đưa ra những quyết định, lựa chọn trên cơ sở đặt quyền lợi của nhân dân, vận mệnh quốc gia lên hàng đầu, tựa như vầng mặt trời chiếu sáng cả màn đêm thế kỷ...
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ, những kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với người làm sân khấu, bởi kịch bản nào cũng chất chứa tầng tầng, lớp lớp những triết lý sâu xa, đòi hỏi người dàn dựng phải vỡ từng con chữ, từng lời thoại để xây dựng hành động kịch tương ứng.
“Mặt trời đêm thế kỷ” cũng vậy, theo nữ đạo diễn, dù đây là kịch bản về đề tài lịch sử nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời sự trong cuộc sống hôm nay. Đó là bài học về tinh thần yêu nước, thương dân, sự công minh, chính trực, đặc biệt là tinh thần “quân pháp bất vị thân”, xử lý sai phạm không có vùng cấm...
Nữ đạo diễn cho biết, vở diễn là thành quả dàn dựng, tập luyện trong suốt 4 tháng qua của toàn bộ ê-kíp thực hiện. “Ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 1 năm ngày mất của tác giả Lê Duy Hạnh, “Mặt trời đêm thế kỷ” còn là nén tâm nhang của các nghệ sĩ để tưởng nhớ và tri ân ông-người luôn nặng lòng và có nhiều đóng góp cho sự phát triển sân khấu Việt Nam”, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai bày tỏ.
Để những lát cắt lịch sử và thông điệp về tình yêu nước, trách nhiệm công dân trở nên gần gũi, dễ tiếp cận hơn đối với thế hệ trẻ hôm nay, ê-kíp sáng tạo đã có những xử lý tinh tế khi đẩy tiết tấu vở diễn nhanh hơn, mạnh hơn, đồng thời đưa vào những màn múa, hát ru bài chòi Bình Định, tiếng kèn tuồng, tiếng trống trận để tạo nên âm hưởng miền đất võ Tây Sơn.
Bên cạnh đó, với thế mạnh khai thác tâm lý nhân vật, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai đã dành nhiều “đất” để các diễn viên bộc lộ sâu sắc những diễn biến nội tâm, khơi dậy sự đồng cảm nơi người xem. Nhất là với vai diễn chính Nguyễn Huệ-Quang Trung, nghệ sĩ Văn Thuân đã vào vai rất “ngọt”, đặc biệt khi thể hiện những đau đớn, dằn vặt, trăn trở giữa nghĩa nước, tình nhà. Các diễn viên đều thể hiện được lối diễn nhập tâm, giàu cảm xúc, đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả.
Thêm một điểm cộng cho “Mặt trời đêm thế kỷ” là thiết kế sân khấu tối giản nhưng giàu sức gợi do Nghệ sĩ Nhân dân Đạt Tăng thực hiện. Không sử dụng bục bệ cồng kềnh, rườm rà, xuyên suốt vở diễn chỉ là hình ảnh chiếc ngai vàng, bao quanh là vầng mặt trời, hàm ý ngồi trên ngai vàng phải có cái tâm của vầng mặt trời tỏa ánh dương soi sáng... Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai cho biết sắp tới vở diễn “Mặt trời đêm thế kỷ” sẽ được giới thiệu rộng rãi tới công chúng yêu cải lương.
Gửi phản hồi
In bài viết