Ảnh minh họa.
Ngay tại thời điểm ra mắt, mạng 5G Viettel đã phủ sóng rộng khắp trung tâm của 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, tất cả các thiết bị vô tuyến, mạng truyền dẫn cũng như mạng lõi của 5G được sử dụng đều do chính Viettel tự sản xuất.
Tăng trưởng gấp hai lần 4G
Thông tin từ Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom), chỉ sau nửa tháng khởi động, mạng 5G Viettel đã có 3 triệu người dùng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng (chiếm 50% tổng số thuê bao). So với mạng 4G khai trương cách đây 7 năm, tốc độ tăng trưởng người dùng của 5G đang cao gấp khoảng 2 lần (4G Viettel đạt mốc 3 triệu khách hàng sau 1 tháng chính thức thương mại hóa).
Lý giải sức hút vượt trội của mạng 5G, Giám đốc Trung tâm di động của Viettel Telecom Nguyễn Văn Sơn cho biết: Tốc độ đo kiểm mạng 5G của Viettel nhiều khu vực đang ở khoảng từ 300-500 Mbps, nhanh hơn nhiều so với mạng 4G, trong khi khách hàng được sử dụng dịch vụ data với đơn giá rẻ bằng một nửa. Mặt khác, người dùng không phải đổi SIM hay mua gói cước mà chỉ cần có thiết bị hỗ trợ 5G là có thể trải nghiệm ngay mạng 5G Viettel. Đây là lý do khiến nhiều người nhanh chóng tìm hiểu, dùng thử rồi quyết định mua gói cước 5G để sử dụng. Mặc dù không bắt buộc phải hòa mạng gói cước, nhưng hệ thống của Viettel đã ghi nhận hàng trăm nghìn lượt đăng ký gói 5G chỉ trong vòng 2 tuần qua. Phần lớn khách hàng chuyển đổi sang sử dụng 5G để trải nghiệm tốc độ vượt trội và hưởng các ưu đãi đặc biệt mới.
5G là công nghệ viễn thông được triển khai diện rộng trên thế giới từ những năm 2020-2021. Đến thời điểm hiện tại, toàn cầu đã có khoảng 800 mạng viễn thông (khoảng 40% tổng số các nhà mạng) triển khai 5G. Tuy nhiên, kể cả ở những nước phát triển mạnh nhất như Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ…, vùng phủ sóng 5G cũng mới đạt khoảng 50% so với 4G. Tại Việt Nam, Viettel là nhà mạng đầu tiên vừa triển khai 5G nhưng đã phủ sóng kín khu vực trung tâm của 63 tỉnh, thành phố với 6.500 trạm phát sóng, tương đương khoảng 40% số trạm 4G hiện tại của nhà mạng này.
Theo các chuyên gia, việc triển khai 5G sẽ không chỉ phục vụ người dùng cá nhân mà còn mở ra tiềm năng phát triển các dịch vụ thời gian thực, hứa hẹn tạo ra nhiều ứng dụng đột phá trong tương lai. Chính vì vậy, 5G được coi là động lực mới, có khả năng sẽ tạo ra sự thay đổi cho thị trường viễn thông trong nước vốn đã bão hòa từ nhiều năm nay. Hai nhà mạng lớn còn lại là VinaPhone và MobiFone cũng đang có nhiều động thái để bắt nhịp với cuộc đua mới.
Cụ thể, Vinaphone đã triển khai chương trình cho phép khách hàng trải nghiệm miễn phí 5G siêu tốc tại các khu vực đã phủ sóng từ ngày 13/10 đến 15/11. Nhà mạng này cũng khẳng định đang khẩn trương triển khai lắp đặt hạ tầng và trạm thu phát sóng VinaPhone 5G trên toàn quốc. Theo kế hoạch, đến hết năm 2024, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ hoàn thành lắp đặt hơn 3.000 trạm phát sóng VinaPhone 5G nhằm bảo đảm phủ sóng mạnh mẽ, ổn định và liên tục, nhất là tại các khu vực đô thị và trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc. Phía MobiFone cũng đang tập trung triển khai công việc để sẵn sàng cho thương mại hóa 5G. Dự kiến, người dùng MobiFone có thể bắt đầu trải nghiệm dịch vụ 5G từ tháng 11 này.
Chặng đường nhiều gian nan
Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu (Tổng công ty Mạng lưới Viettel) Hoàng Đức Thanh cho biết: Mạng 5G trên thế giới hiện nay chủ yếu được triển khai trên 2 nền tảng kiến trúc là 5G NSA (non stand alone) và 5G SA (stand alone). Theo đó, 5G NSA là kiến trúc triển khai dựa trên mạng 4G, có phần báo hiệu được truyền hoàn toàn dựa trên mạng 4G cũ, còn dữ liệu sẽ được truyền kết hợp giữa cả mạng 4G và 5G. Chính vì vậy, 5G NSA thường chỉ được coi là bản “nâng cấp” của mạng 4G hiện tại, giúp cho trải nghiệm người dùng tốt hơn, có tốc độ cao hơn nhưng không quá vượt trội. Bù lại, chúng ta chỉ cần nâng cấp core 4G là có thể triển khai ngay 5G NSA.
Do đó, 95% các nhà mạng đã triển khai 5G đều đang dựa trên nền tảng kiến trúc NSA. Chỉ có 5% số nhà mạng (trong đó có Viettel) sẵn sàng tiên phong triển khai 5G đồng thời trên cả 2 nền tảng SA và NSA. “Mạng 5G thật sự phải triển khai trên nền tảng SA vì tốc độ cao, độ trễ thấp mới có thể cung cấp được các dịch vụ hoàn toàn mới cho khách hàng. Hầu hết các nhà mạng cũng đang hướng đến dịch chuyển dần sang SA để có thể cung cấp dịch vụ mới làm tăng doanh thu của dịch vụ viễn thông. Riêng các vị trí triển khai 5G của Viettel đều đồng thời cả hai công nghệ SA và NSA, trong đó phần SA được đưa vào toàn bộ hạ tầng từ vô tuyến, truyền tải, mạng lõi để cung cấp được dịch vụ mới cho khách hàng ngay từ thời điểm khai trương”, ông Thanh khẳng định.
Mạng 5G chính là công nghệ cho tương lai, được kỳ vọng mở ra nhiều hướng đi mới cho ngành viễn thông. Tuy nhiên, triển khai 5G cũng phát sinh nhiều khó khăn, thách thức cho các nhà mạng. Trước hết, chi phí đầu tư cho 5G rất lớn, theo đánh giá gấp khoảng 4 đến 5 lần so với 4G và mất nhiều hơn thời gian để triển khai. Bên cạnh đó, kích thước và khối lượng thiết bị 5G thường gấp khoảng 1,5 đến 2 lần 4G; tiêu thụ điện năng cũng cao hơn khoảng 2,5 đến 3 lần; đòi hỏi các nhà mạng phải cải tạo cột phát sóng với chi phí đắt đỏ hơn cũng như phải kéo điện 3 pha mới hoạt động được trạm phát 5G. Mặt khác, số lượng thiết bị đầu cuối 5G ở Việt Nam còn hạn chế, hiện chỉ chiếm khoảng 15% tổng số thiết bị, chủ yếu nằm ở khu vực thành thị. Điều này đồng nghĩa với việc triển khai 5G diện rộng, nhất là ở các vùng nông thôn sẽ chưa mang lại hiệu quả ngay.
Ngoài ra, 5G sử dụng băng tần cao hơn 4G (5G Viettel dùng băng tần 2.6Ghz, còn 4G dùng băng tần 1.8GHz), vì vậy độ suy hao lớn hơn, khiến khu vực vùng bao phủ bị thu hẹp khoảng 15-20%. Đó là nguyên nhân khiến vùng phủ 5G Viettel thời gian đầu chưa rộng, nhưng việc tiên phong cung cấp mạng 5G thương mại vẫn được đánh giá là bước tiến quan trọng trong công nghệ viễn thông tại Việt Nam. Thời gian tới, khi hạ tầng được mở rộng và tối ưu hóa, trải nghiệm 5G sẽ ngày càng ổn định hơn, tạo thuận lợi trong việc thu hút thêm nhiều khách hàng sử dụng công nghệ mới này.
Gửi phản hồi
In bài viết