Tổ chức nhiều sự kiện lớn
Năm 2023, Tuyên Quang tổ chức thành công Chương trình Khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023 và đón nhận “Giải thưởng phong cảnh thành phố Châu Á” cho Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng; Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ II - năm 2023; Hội thảo “Tiềm năng, nguồn lực và hiện trạng liên kết phát triển du lịch các tỉnh chiến khu Việt Bắc”. Đặc biệt là Chương trình Du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023; Liên hoan các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng 6 tỉnh Việt Bắc…
Năm nay là năm đầu tiên tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025, với mục tiêu trọng tâm là xây dựng, phát triển Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế.
Điểm nhấn của Lễ hội năm nay là chương trình Đêm hội Thành Tuyên được tổ chức với quy mô cấp quốc gia, có sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc và địa phương 2 nước có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Tuyên Quang là Hàn Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trải qua gần 20 năm được nhân dân sáng tạo và duy trì, phát triển, Lễ hội Thành Tuyên đã 3 lần được xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam: “Đêm hội Trung thu có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam”; “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”; “Cặp đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam”.
Hoạt động khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang 2023 là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh trong năm.
Qua Lễ hội đã giới thiệu về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đặc biệt là những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng: “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô Kháng chiến”; tiếp tục xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Hơn 200 nghìn lượt khách du lịch đến với tỉnh dịp Lễ hội Thành Tuyên là minh chứng cho việc Lễ hội đang dần trở thành điểm đến không thể bỏ qua với du khách mỗi dịp trung thu. Đây cũng là cơ hội để Tuyên Quang xây dựng và nâng tầm Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và quốc tế.
Trong năm tỉnh đã tham gia chương trình giới thiệu xúc tiến điểm đến du lịch 8 tỉnh Đông Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023; xúc tiến điểm đến tại Hội nghị 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tại Cần Thơ; Hội nghị truyền thông về Khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ II - năm 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch Tuyên Quang trên Tạp chí Du lịch Việt Nam. Tổ chức đón Đoàn khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch và tổ chức Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ thị trường Trung Quốc, kết nối tua tuyến du lịch khu vực lòng hồ sông Gâm, Bắc Mê với lòng hồ thủy điện Na Hang, Tuyên Quang...
Bơi mảng, nghe hát Then là trải nghiệm du lịch mới được đưa vào khai thác để thu hút du khách.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Một trong những điểm nhấn nổi bật của du lịch trong năm nay là tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là những sản phẩm du lịch mới ấn tượng, đặc sắc, riêng có của địa phương. Cụ thể, mở tua khám phá các hang động, tổ chức giải xe đạp địa hình, đua thuyền kayak, giải bóng đá nữ toàn tỉnh, khôi phục nghi lễ nhảy lửa của người Dao đỏ, Dao tiền.
Đồng thời phát triển mô hình đón khách du lịch trải nghiệm theo mùa tại Lễ hội Hương sắc Na Hang; Lễ hội Ẩm thực truyền thống huyện Lâm Bình; Liên hoan Ca múa nhạc các dân tộc huyện Chiêm Hóa tại Làng Văn hóa du lịch Bản Ba, xã Trung Hà; Hội đua mảng xã Yên Lập (Chiêm Hóa); Liên hoan bước nhảy Dân vũ huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương năm 2023; Khai trương thử nghiệm tuyến trải nghiệm đường rừng Bó Kim - Nà Niếng; Cắm trại, thưởng trà, giao lưu văn nghệ, thể thao trò chơi dân gian, chợ quê tại Khu lâm viên Phiêng Bung, xã Năng Khả; Lễ hội giã cốm, chợ quê xã Côn Lôn (Na Hang)...
Tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực lưu trú, lữ hành. Hiện toàn tỉnh có 434 cơ sở lưu trú, 4.341 phòng, 6.208 giường, 35 khách sạn từ 1 đến 4 sao; trên 250 nhà hàng ẩm thực, trong đó nhiều nhà hàng đã chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu riêng, cải tạo nâng cấp bổ sung các dịch vụ bổ trợ, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ chuyên nghiệp hơn.
Lễ hội giã cốm, hội chợ quê xã Côn Lôn tạo nên nét đặc sắc riêng, độc đáo, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Ảnh: K.T
Toàn tỉnh có 13 công ty, văn phòng và đại lý lữ hành đang hoạt động đưa, đón phục vụ khách du lịch đến Tuyên Quang. Ngành tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ sản xuất hoàn thiện tiêu chuẩn hóa sản phẩm đạt tiêu chuẩn của chương trình OCOP, đến nay đã có 191 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP phục vụ khách du lịch.
Năm 2023, Tuyên Quang cũng thực hiện nhiệm vụ “Tiên phong trong việc tổ chức triển khai, chỉ đạo triển khai các nền tảng số phục vụ du lịch, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch”. Trên cơ sở đó, tỉnh triển khai sử dụng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch để cung cấp dịch vụ quản trị, thống kê, báo cáo theo thời gian thực về các sản phẩm, dịch vụ du lịch, du khách, cơ sở lưu trú trên Cổng thông tin du lịch tại địa chỉ “Mytuyenquang.vn” và ứng dụng du lịch trên thiết bị di động APP có tên “Tuyen Quang tourism”.
Hiện nay, trên Cổng du lịch thông minh và ứng dụng Tuyen Quang tourism đã có cơ sở dữ liệu về du lịch của tỉnh, như “Camera 360 với 18 điểm, cơ sở lưu trú 267 cơ sở, ẩm thực 135 cơ sở, địa điểm du lịch 85 điểm, mua sắm 47 điểm, giải trí 133 điểm, lịch trình Mẫu 13 lịch trình, dịch vụ tiện ích 8 dịch vụ…
Theo đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2023 du lịch Tuyên Quang có nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, mang lại kết quả đáng phấn khởi. Ước năm 2023, tỉnh thu hút được trên 2,6 triệu lượt khách du lịch, đạt 106% kế hoạch năm, tăng 12% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 3.200 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch năm, tăng 29% so với cùng kỳ. Đây là tiền đề quan trọng cho phát triển du lịch của tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Gửi phản hồi
In bài viết