Khách hàng đeo khẩu trang đứng đợi bên ngoài một cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Brookline (Mỹ) vào ngày 8-4. Ảnh: Getty. Châu Mỹ
Châu Mỹ
Ngày 4-5, từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố mục tiêu mới của nước này là tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành và có 160 triệu người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày Quốc khánh Mỹ 4-7.
Chính quyền của Tổng thống J.Biden cũng sẽ phân bổ vắc xin cho các phòng khám y tế ở nông thôn trên khắp cả nước và cung cấp thêm kinh phí để giúp nhiều người Mỹ được tiêm chủng hơn.
Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 4-5, hơn 105 triệu người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ và 147 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin. Giới chức nước này cho biết, để thực hiện mục tiêu mới mà Tổng thống J.Biden vừa đề ra, Mỹ sẽ cần tiêm chủng gần 100 triệu liều vắc xin trong vòng 60 ngày tới.
Tại nước láng giềng Canada, Bộ trưởng Dịch vụ công và mua sắm Anita Anand cho biết, cứ 3 người đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 thì có 1 người đã nhận được ít nhất 1 mũi tiêm. Hơn 14 triệu liều vắc xin trong tổng số 16,8 triệu liều mà nước này tiếp nhận đã được sử dụng. Theo bà A.Anand, quốc gia này đang trên đà nhận được ít nhất 2 triệu liều vắc xin mỗi tuần trong tháng 5 và con số này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng vào tháng 6.
Châu Âu
Ngày 4-5, Giám đốc điều hành hãng dược BioNTech (Đức) Ugur Sahin cho biết, hãng này sẽ tiếp tục tăng sản lượng để hướng đến mục tiêu sản xuất 3 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 trong năm 2021, mục tiêu đề ra trước đó là 2,5 tỷ liều.
Ngày 4-5, Bộ Y tế Đan Mạch cho biết, nước này sẽ tiếp tục nới lỏng các hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19 với việc cho phép các trường trung học cơ sở mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, Đan Mạch cũng cho phép nhiều hoạt động trong không gian kín như nhà hát, rạp chiếu phim, phòng tập gym… được nối lại từ ngày 6-5, với điều kiện người tham gia phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vắc xin ngừa Covid-19, hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước, hoặc đã mắc và khỏi bệnh. Từ ngày 21-5, các sự kiện ngoài trời cũng sẽ được tổ chức với tối đa 2.000 người tham gia và tăng lên tối đa 5.000 người kể từ ngày 1-8.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran tuyên bố, chính phủ sẽ không bắt buộc người dân đeo khẩu trang ngoài trời vào mùa hè này nếu nước này đạt mục tiêu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho 20 triệu người đến giữa tháng 5 và 30 triệu người đến giữa tháng 6.
Châu Á - châu Đại Dương
Nepal đã ghi nhận con số tử vong trong ngày do Covid-19 cao nhất từ trước đến nay, với 55 trường hợp tử vong trong ngày 4-5. Theo dữ liệu của Chính phủ Nepal, nước này cũng đã có thêm 7.587 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ qua.
Trong bối cảnh quốc gia láng giềng Ấn Độ đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm thứ hai, Nepal cũng đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc Covid-19. Dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy, số ca mắc Covid-19 trong vòng 7 ngày ở nước này có mức tăng trung bình hơn 1.200% kể từ giữa tháng 4. Cả nước ghi nhận khoảng 200 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày trên 1 triệu dân.
Ngày 4-5, theo thông tin đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nước này đã gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ Ấn Độ nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Thông báo này không nêu rõ thời điểm chấm dứt lệnh cấm.
Singapore đã kéo dài thời gian cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh từ các nước có nguy cơ cao lên 21 ngày, đồng thời thắt chặt hơn một số biện pháp giãn cách xã hội trong nước. Du khách đến từ các nước, trừ Australia, New Zealand, Brunei và Trung Quốc, đều là đối tượng áp dụng quy định mới này từ ngày 8-5.
Ngày 4-5, Bộ Y tế Philippines thông báo, nước này ghi nhận thêm 5.683 ca mắc Covid-19, đánh dấu ngày có số ca nhiễm mới thấp nhất kể từ ngày 19-3.
Ngày 4-5, Bộ Y tế Indonesia cho biết, từ ngày 2-4 vừa qua, nước này đã ghi nhận 17 ca nhiễm biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh, Ấn Độ và Nam Phi. Đây là những ca lây nhiễm trong cộng đồng hoặc ở những người nhập cảnh.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, nước này sẽ tiếp tục lệnh cấm đi lại giữa các bang, đồng thời tạm ngừng chương trình “bong bóng du lịch” ở các “vùng xanh” không có ca mắc Covid-19.
Thái Lan đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho khoảng 70% số người sống tại quận Khlong Toei của thủ đô Bangkok trong nỗ lực khống chế làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Ngày 4-5, Australia đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ Ấn Độ, kèm theo quy định phạt hành chính hoặc phạt tù đối với người vi phạm. Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định, đây là hành động cần thiết bởi tỷ lệ người mắc Covid-19 trở về từ Ấn Độ đang tăng nhanh.
Gửi phản hồi
In bài viết