Năm tháng hào hùng

- Kể về những năm tháng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những người lính năm xưa nghẹn ngào xúc động. Năm tháng qua đi, tuổi cao sức yếu nhưng trong lòng họ, những năm tháng ấy mãi mãi là ký ức tươi đẹp nhất của thanh xuân, không thể nào phai nhạt.

Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng

Cựu chiến binh Nguyễn Đức San, thôn 7, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi kể về quãng thời gian ông tham gia chiến đấu trong chiến dịch Tây Nguyên - chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ông San nhớ cụ thể đến từng chi tiết. Ông tình nguyện viết đơn nhập ngũ khi vừa 18 tuổi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trinh sát chiến đấu ở Lào, tháng 1 - 1975, đơn vị của ông nhận lệnh về nước, hành quân vào chiến trường Nam Tây Nguyên. Từ ngày 10/3/1975, ông bắt đầu tham gia Chiến dịch Tây Nguyên và được phân công làm Đại đội trưởng Đại đội 9. Nhận nhiệm vụ giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, đơn vị của ông phải tiêu diệt căn cứ 53 của địch, đóng gần sân bay Hòa Bình. Tại đây, đơn vị của ông bị máy bay của địch quần thảo, địch nhả đạn như mưa khiến cho nhiều đồng đội hy sinh. Chứng kiến đồng đội của mình hy sinh, ông San và những đồng chí còn sống không hề run sợ và nao núng, đơn vị của ông tập trung pháo chiến dịch xông lên tiêu diệt cứ điểm sau nhiều ngày giằng co quyết liệt. Trong trận đánh này, ông San bị đạn bắn vào tay, máu chảy nhiều nhưng ông vẫn anh dũng chiến đấu đến khi tiêu diệt địch hoàn toàn và chiếm được cứ điểm 53.


Thiếu tá Bùi Minh Tuyên (người đứng thứ 2 từ phải qua trái), tổ 12, phường Tân Quang nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ.

Ngày 20/4, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ tăng cường cho Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 thực hiện nhiệm vụ cắt đường 22 từ Tây Ninh về Sài Gòn, ngăn không cho địch rút về cố thủ tại Sài Gòn. Đơn vị của ông chiến đấu gan dạ, bất chấp sự kháng cự quyết liệt của quân địch. Ngày 28/4, ông cùng một bộ phận trong đơn vị xuống chi viện cho Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148 đánh và giải phóng đồn Trà Võ. Đến trưa ngày 30/4, đơn vị của ông nhận được tin miền Nam giải phóng trên Radio, cả đơn vị ôm nhau hò reo trong nỗi vui mừng khôn xiết. Ông San kể: “Trong quá trình chiến đấu, đơn vị của tôi liên tục phải di chuyển trong rừng và phải mang theo pháo 85 ly nặng gần 2 tấn, trong điều kiện di chuyển bí mật, có lúc chạm trán với quân địch, cái chết gần kề nhưng chúng tôi vẫn bảo nhau tiến lên hoặc luồn sâu vào rừng, tìm đường khác tiếp cận và tiêu diệt địch.

Cựu chiến binh Khuất Văn Bình, tổ 9, phường Hưng Thành ôn lại kỷ niệm tham gia chiến đấu tại Tây Nguyên tháng 3/1975.

Cựu chiến binh Khuất Văn Bình, 72 tuổi, tổ 9, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) kể lại năm tháng làm trinh sát tham gia chiến đấu ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk trong Chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong niềm xúc động, bồi hồi. Ông bảo: “Ngày đầu nhập ngũ, thấy tôi dáng người nhỏ bé, nhanh nhẹn nên chỉ huy phân công tôi làm lính trinh sát. Lính trinh sát là nỗi kinh hoàng với quân địch. Lính trinh sát được anh em gọi vui là những người đi “khua sương, đá mìn”. Trước khi mở các đợt tấn công, lính trinh sát như ông Bình phải đi trước để dò đường đi, phát hiện mìn do địch gài cắm và nắm được những điểm nào có địch mai phục, vẽ lại sơ đồ đường đi…Bởi vậy, lính trinh sát cũng rất dễ hy sinh. Nhiều đồng đội của ông không may đá phải mìn hoặc bị địch bắn hy sinh không ít. Thế nhưng ông Bình vẫn coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Những đợt tấn công vào các cứ điểm 492, điểm cao 601, đồn 30 của địch tại tỉnh Gia Lai, Kon Tum của đơn vị ông đều thắng lợi nhờ có sự trinh sát chính xác. Ông Bình nhớ lại: “Đêm ngày 29, đơn vị của tôi tiếp cận cầu Bông, chốt chặn tại cầu Sáng, ngăn không cho địch rút về Sài Gòn, đơn vị của tôi tiếp tục tiến lên giải phóng căn cứ Đồng Dù. Đây là căn cứ quân sự rộng 8 km2 với 13 lớp hàng rào cùng 3.000 lính ngụy; được ví như “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn, có vị trí quan trọng nằm trên trục Quốc lộ 1 cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30 km về phía Tây Bắc. Căn cứ Đồng Dù bị quân ta đập tan, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tiến công thọc sâu tiến thẳng về nội đô, kết hợp cùng các cánh quân khác đánh chiếm các mục tiêu chiến lược”.

Niềm vui vỡ òa

Bất cứ người lính nào tham gia trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chúng tôi gặp đều nghẹn ngào những giọt nước mắt xúc động khi kể về giây phút chiến dịch toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta. Người chiến sỹ bộ binh năm xưa Bùi Minh Tuyên hiện đang sinh sống tại tổ 12, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) lật giở từng bức ảnh, trang hồi ký trong những năm tháng ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, tham gia bảo vệ cầu Bông, cầu Sáng trên đường số 1 và đường 15 nằm giữa Đồng Dù và Sài Gòn. Ông Tuyên kể, nhiệm vụ của đơn vị ông đó là phải đánh được địch ra khỏi cầu, nhưng vẫn phải giữ được cầu để các cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn. Trong trận đánh bảo vệ cầu Sáng, đơn vị của ông phải chuyển từ lối đánh mật tập sang cường tập tức là chuyển từ lối đánh bí mật sang lối đánh thẳng, địch chống cự ác liệt, 6 đồng đội của ông ngã xuống, trong đó có 5 đồng đội cùng quê Tuyên Quang với ông, còn bản thân ông bị thương ở trán nhưng ông vẫn cầm súng tiếp tục chiến đấu. Nghe tin chiến dịch thắng lợi, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, các đồng đội của ông reo lên “Mẹ ơi, sống rồi”, đồng đội ôm chầm lấy ông khóc trong niềm vui vỡ òa.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức San, thôn 7, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) kể lại những kỷ niệm bên đồng đội.

Trong giây phút thiêng liêng ấy, ông Tuyên nhớ về những đồng đội của mình vừa hy sinh trong trận cảm tử bảo vệ cầu Bông, cầu Sáng, hai chiếc cầu có ví trí chiến lược quan trọng trên đường tiến công giải phóng Sài Gòn. Giây phút ấy đã được ông sáng tác thành bài thơ “Những tấm huân chương đeo hộ”:

Đeo hộ mình tấm Huân chương chiến công
Lúc nằm xuống được cấp trên truy tặng
Đeo hộ mình chiếc Huy chương giải phóng
Phát ở cửa ngõ Sài Gòn mình đã kịp đeo đâu…

Nhớ lại giây phút nhận được tin toàn thắng, Cựu chiến binh Trần Xuân Thêm, thôn 8, xã Trung Môn (Yên Sơn) bồi hồi: “Khi Sài Gòn giải phóng, đơn vị tôi được lệnh rút về bảo vệ Nha Trang, anh em đồng đội chúng tôi cùng nhau ăn mừng bằng những cái ôm, những tiếng hò reo không ngớt. Giây phút nghe bản tin thông báo trên đài phát thanh, cả đơn vị chúng tôi lặng người đi, nhiều người rơi nước mắt nhưng đó là những giọt nước mắt xúc động và hạnh phúc, bởi giây phút ấy chúng tôi đã chờ đợi từ lâu lắm rồi”.

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, gặp lại những người lính từng vào sinh ra tử, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, trong lòng thế hệ trẻ chúng tôi không khỏi tự hào và rưng rưng xúc động. Chúng tôi cảm nhận khí thế ngày 30-4, khí thế của Chiến dịch Hồ Chí Minh bất diệt vẫn là ngọn lửa cháy mãi, sáng mãi trong những người lính năm xưa và cả trong trái tim thế hệ trẻ chúng tôi. 

Bài, ảnh: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục