>>> Bài 1: Tăng trưởng ấn tượng
>>> Bài cuối: Nỗ lực xây dựng vùng vệ tinh
Tăng tốc phát triển hạ tầng công nghiệp
Từ khi được thành lập cho đến nay, Khu công nghiệp Long Bình An đã được ví như thỏi nam châm hút các doanh nghiệp. Đã có 14 doanh nghiệp có dự án sản xuất (bao gồm cả diện tích Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang đăng ký mở rộng), với tỷ lệ lấp đầy đạt 96,45%. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn với tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như Công ty cổ phần Bột giấy và giấy An Hòa, Công ty TNHH Seshin VN2, Công ty cổ phần may MSA - YB, Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang...
trên địa bàn tỉnh đã thành lập 2 khu công nghiệp là Khu Công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) và Khu Công nghiệp Sơn Nam (Sơn Dương) với tổng diện tích 320 ha. Các Khu công nghiệp đã thu hút được 21 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 7.253 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 69,4%, tạo việc làm cho gần 1.500 lao động. Việc quy hoạch, thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã và đang khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, nguồn lao động, tạo cú huých trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh.
Dự án sản xuất bao bì xuất khẩu PPE tại Cụm Công nghiệp Phúc Ứng của Công ty TNHH WooJin Vina Korea đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Theo số liệu từ Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 6 cụm công nghiệp, tổng diện tích 375 ha, thu hút được 29 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 3.300 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 48%, tạo việc làm cho trên 8.000 lao động. Đã hoàn thành bổ sung, tích hợp 6 cụm công nghiệp đã thành lập và 18 cụm công nghiệp mới vào Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 30/3/2023.
Với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thu hút nhiều dự án, đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Việc tích hợp và mở rộng quy hoạch 18 cụm công nghiệp mới đến năm 2050 thể hiện cam kết mạnh mẽ của tỉnh trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, góp phần thúc đẩy sản xuất và thu hút đầu tư vào tỉnh, tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp.
“Xanh hóa” ngành công nghiệp
Với phương châm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng theo hướng sản xuất xanh. Trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh.
Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang được đầu tư xây dựng trên diện tích 3,3 ha tại Khu công nghiệp Long Bình An. Nhà máy có công suất thiết kế sản xuất viên nén sinh khối 150.000 tấn sản phẩm/năm, dăm gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm, với tổng vốn đầu tư hơn 478,8 tỷ đồng (tương đương hơn 20,4 triệu USD). Dự kiến nhà máy sẽ vận hành vào năm 2025. Sản phẩm viên gỗ nén chất lượng cao của nhà máy được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như nguyên liệu đốt cho các nhà máy nhiệt điện, là chất đốt cho lò sưởi, thiết bị thiêu đốt công nghiệp, hệ thống xông hơi, sấy thực phẩm gia súc... Khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ dẫn đầu xu hướng sản xuất xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu xanh hóa của thị trường và khách hàng.
Ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Erex, đơn vị đầu tư Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang cho biết, trên cơ sở khảo sát thực địa tại Việt Nam, Công ty nhận thấy Tuyên Quang là tỉnh giàu tài nguyên sinh khối, nên công ty cũng đang có kế hoạch mở rộng đầu tư sang lĩnh vực điện sinh khối, với mục tiêu là tận dụng các phụ phẩm trong chế biến nông lâm sản để sản xuất điện sinh khối.
Dự án xây dựng Nhà máy chế biến rau củ quả tươi của Công ty TNHH JW Nông sản Hàn Quốc tại cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Tuyên Quang và người nông dân địa phương. Việc liên kết với các hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu trên diện tích 20 ha giúp hình thành chuỗi sản xuất bền vững, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy, tạo việc làm cho người nông dân. Hơn nữa, sản phẩm đông lạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu giúp khẳng định chất lượng nông sản Tuyên Quang trên thị trường quốc tế. Dự án cũng là một bước tiến trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ chế biến nông sản tại địa phương, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Tuyên Quang.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư có tiềm năng vào đầu tư các dự án kinh doanh tại tỉnh như: Tập đoàn VinGroup; Tập đoàn Danko; Tập đoàn Flamigo,... Đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 284 dự án hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 72,2% tổng số dự án, với tổng mức đầu tư trên 26.800 tỷ đồng.
Thời gian tới, ngành Công Thương tăng cường phối hợp với các ngành tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đưa vào hoạt động ổn định dự án dự kiến có giá trị sản xuất công nghiệp cao, thu ngân sách lớn như: Nhà máy sản xuất vải bạt Tarpaulin công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm của Công ty TNHH Tarpaulin JoYoung vina; Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Tuyên Quang. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và thực hiện các cơ chế chính sách nhằm tạo thêm sức hút với nhà đầu tư; trong đó, có lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Trung Kiên cho biết: Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, giá trị công nghiệp của tỉnh đạt trên 27.700 tỷ đồng, cơ cấu tổ chức ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt 23,92%. Thực hiện mục tiêu trên, cùng với phát huy năng lực sản xuất của các dự án công nghiệp đã và đang đầu tư, năm 2024, tỉnh phấn đấu hoàn thành quy hoạch, khởi công xây dựng Khu Công nghiệp Nhữ Khê - Đội Cấn (TP Tuyên Quang), Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế (Sơn Dương) và triển khai các bước thành lập Cụm công nghiệp Yên Sơn, Cụm Công nghiệp Trung Môn. Đồng thời hoàn thành mục tiêu giá trị công nghiệp trong năm 2024 đạt 23.730 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Hải Hương
(Còn nữa)
Gửi phản hồi
In bài viết