Ông Tiến đã có 13 năm gánh vác cương vị Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Múc Ròm và đến năm 2019 sáp nhập thôn Múc Ròm với thôn Vực Lửng thành thôn Tân Quang, ông đảm trách công an viên của thôn. Ông Tiến là người dày công thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của thôn. Khi ông làm Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Múc Ròm ông đã phát động các phong trào thi đua tới toàn thể người dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng năng suất mía, vận động nhân dân chung sức đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn. Năm 2019, thôn đã bê tông hóa được hơn 2 km đường giao thông thôn, đạt 100% đường thôn được cứng hóa; 500 m đường nội đồng tại vùng nguyên liệu mía. Múc Ròm là thôn có năng suất mía cao nhất xã với trung bình 90 tấn/ha, khi trồng 19 ha giống mía IT 006 trên đất soi ven sông Phó Đáy. Chính vì có kỹ thuật chăm sóc mía tốt nên thôn được nhân giống mía này cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cung cấp giống cho vùng nguyên liệu.
Ông Nguyễn Tòng Tiến giới thiệu về mít Thái Lan trồng tại gia đình.
Năm 2019, khi thực hiện sáp nhập thôn, ông Tiến cùng với cán bộ, đảng viên trong thôn đến từng nhà vận động, giải thích để nhân dân đồng thuận sáp nhập, chung sức xây dựng thôn. Thôn Tân Quang sau sáp nhập có 138 hộ dân với 531 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%. Đồng chí Đàm Đức Hạnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết: Ông Tiến rất uy tín với người dân trong thôn, ông đã vận động là người dân đồng thuận ngay. Cũng chính bởi thế ông sẵn sàng làm công an viên giúp thôn mặc dù đã hơn 50 tuổi.
Bên cạnh làm tốt việc thôn, ông Tiến còn là điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Hiện ông có 1 ha trồng mía tím, 160 cây bưởi Diễn, bưởi Da xanh và 90 gốc mít Thái, cộng với chăn nuôi trâu sinh sản, lợn thương phẩm, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng. Ông Tiến cho biết, trước đây diện tích đất vườn đồi này ông trồng vải thiều nhưng do đất không hợp nên quả nhỏ bán không được giá và thu hoạch lại vất vả; chuyển sang trồng dứa thì thời gian thu hoạch rộ nên khó cho đầu ra. Sau khi nghiên cứu, đến 2014 ông đã chuyển sang trồng bưởi Da xanh xen canh bưởi Diễn, thu hoạch hết bưởi Da xanh đến bưởi Diễn nên thuận lợi và được giá. Nhưng ông Tiến đánh giá bưởi không kinh tế bằng trồng mít Thái. Mỗi cây mít Thái cho thu quả 10 tháng trong năm. Với giá bán 20 nghìn đồng/kg, một quả thường rơi vào 7-9 kg bán được từ 150 nghìn trở lên tại vườn. Năm 2020 ông có hơn 20 cây mít có quả đã thu được gần 40 triệu đồng. Giá trị kinh tế cao lại dễ trồng chăm sóc nên ông đã phát triển lên 90 cây.
Nhiệt tình trong công tác xã hội, năng động trong phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Tòng Tiến đã được nhận nhiều khen thưởng từ cơ sở đến huyện. Ông là tấm gương điển hình học tập và làm theo Bác của xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương.
Gửi phản hồi
In bài viết