Văn minh lúa nước chính là gốc tích của văn hóa Việt. Nông nghiệp là gốc, thì “con trâu là đầu cơ nghiệp”, vì thế ngày xưa nhà nào cũng có ít nhất 1 -2 con trâu để cày bừa. Có trâu coi như không lo thiếu đói. Cửa ải đầu tiên coi như đã qua. Lấy vợ là việc trọng đại của người đàn ông. Song dù nghèo khó đến mấy rồi đâu cũng vào đấy theo kiểu: “nồi nào vung nấy”.
Nhưng làm nhà có lẽ là gian nan hơn cả. Có người có khi cả đời phải sống trong căn nhà tạm, thậm chí lúc nhắm mắt xuôi tay, ước mơ có nhà mới vẫn mãi chỉ là giấc mơ đẹp. Bởi thế, câu chuyện an cư lạc nghiệp chưa bao giờ hết nhức nhối. Những ngôi nhà bị đổ sập sau bão, kéo theo đó có cả những người thương vong là nỗi đau dai dẳng, đặt ra vấn đề lớn đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Chính vì thế, chủ trương xoá nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ được toàn dân Việt Nam hưởng ứng. Và con số hàng trăm, hàng nghìn ngôi nhà mới trên khắp mọi miền đất nước được xây dựng từ tấm lòng hảo tâm, từ sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo là minh chứng cụ thể.
Năm 2025, Tuyên Quang đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch xoá nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2021-2025 với gần 7000 ngôi nhà. Điều đáng lo ngại lớn nhất là những ngôi nhà cần phải hoàn thành này hầu hết rơi vào những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là những hộ chưa thể thoát nghèo, thậm chí không thể thoát nghèo bởi hoàn cảnh éo le. Với họ, việc duy trì bữa ăn hàng ngày đôi khi còn khó chứ nói gì đến của để dành. Và muốn có ngôi nhà mới thì phải trông chờ tới 100% sự giúp sức của cả cộng đồng.
Khó khăn là thế nhưng không phải không có cách. Bài học lớn vẫn còn nguyên giá trị được rút ra từ chính chương trình làm nhà, xoá nhà đó là sức mạnh đoàn kết. Những món quà từ thiện, sự giúp công, giúp sức của bà con, lối xóm để làm sân, làm nhà… là những hình ảnh đầy nhân văn trong hành trình an cư.
Ngược dòng lịch sử chúng ta thấy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái chính là cội nguồn sức mạnh Việt Nam. Nhờ đoàn kết chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lăng. Nhờ tương thân tương ái, chúng ta đã thành công trong chiến dịch “diệt được giặc đói, giặc dốt”. Khi nạn đói năm 1945 xảy ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi, mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo.
Bản thân Người cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa, mỗi bữa một bơ để cứu dân nghèo. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu đói đã vận động quyên góp, tổ chức “ngày đồng tâm” nhịn ăn lập “hũ gạo cứu đói”… trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, cộng với những biện pháp tích cực của Chính phủ mà đứng đầu là tấm gương Hồ Chí Minh, nạn đói năm 1945 bị đẩy lùi.
Rõ ràng, trong mọi hoàn cảnh, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái là nền tảng, là sức mạnh để chúng ta vượt mọi khó khăn. Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cũng thế. Từ năm 2021 đến nay chúng ta đã xoá được hàng nghìn ngôi nhà tạm, nhà dột nát bằng kế hoạch bài bản, bằng giải pháp căn cơ và trên hết là bằng tình yêu thương giữa con người với con người.
Trên tinh thần đó, tin rằng năm mới 2025 chúng ta sẽ sớm hoàn thành mục tiêu an cư cho những hộ nghèo bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị được xây dựng trên nền tảng của những trái tim nhân ái.
Gửi phản hồi
In bài viết