Kiên quyết xử lý vi phạm
Trong quý I năm 2024, lực lượng Kiểm lâm của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 28 vụ vi phạm, trong đó khai thác trái pháp luật 4 vụ; vi phạm quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng 1 vụ; phá rừng trái pháp luật 13 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 3 vụ; vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến 3 vụ; vi phạm khác 4 vụ. Theo đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 21 vụ, chuyển xử lý hình sự 7 vụ. So với quý I năm 2023 số vụ vi phạm xử lý giảm 11 vụ, tỷ lệ giảm 28,21%. Đơn vị đã thu nộp ngân sách Nhà nước trên 303,6 triệu đồng (trong đó 252,5 triệu đồng tiền phạt vi phạm; trên 51,1 triệu đồng tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu).
Cán bộ Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu (Hàm Yên) tuần rừng đặc dụng.
Theo kết quả trên thì số vụ vi phạm về lâm luật đã giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp và tinh vi, điển hình như vụ việc vào tối ngày 4-2-2024, Tổ Kiểm lâm Cơ động và PCCCR đã phát hiện xe ô tô tải mang biển số 38C-087.59 do ông N.V.N, địa chỉ ở xã Trung Trực (Yên Sơn) điều khiển đang di chuyển tốc độ cao tại tuyến đường ĐT185 thôn Tân Minh, xã Kiến Thiết. Tổ tuần tra đã ra tín hiệu yêu cầu dừng phương tiện. Tiến hành kiểm tra, xác định ông N.V.N điều khiển đang vận chuyển lâm sản là gỗ tròn (gỗ thông thường), có khối lượng 1,585 m³, không có hồ sơ lâm sản hợp pháp. Qua đấu tranh, xác định sai phạm và ra quyết định xử phạt theo quy định pháp luật.
Tại hội nghị giao ban công tác quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm tỉnh mới đây, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động trực thuộc phải xử lý kịp thời và nghiêm minh các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, kiên quyết xử lý hình sự đối với những vụ việc vi phạm có quy mô lớn, gây thiệt hại lớn, xử lý trách nhiệm đối với chủ rừng thiếu trách nhiệm để rừng bị phá. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, truy quét các khu vực có nguy cơ xảy ra phá rừng, khai thác rừng và vận chuyển lâm sản trái phép như các tuyến đường huyện, tỉnh có địa hình phức tạp tại các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Yên Sơn; một số khu vực có nguy cơ cao tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh; quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm…
Thời gian qua, những vụ việc vi phạm chủ yếu xảy ra trong lâm phận của các đơn vị chủ rừng được Nhà nước giao, đặt hàng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, các đơn vị chủ rừng cần chấn chỉnh lại công tác quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích được giao, không để tình trạng phá rừng gây hậu quả nghiêm trọng mới phát hiện đơn vị chủ rừng phải nắm chắc diễn biến rừng trên lâm phần của mình, nhất là những diện tích có nguy cơ bị xâm hại cao về khai thác lâm sản trái phép, phá rừng lấy đất sản xuất… Từ đó, bố trí lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách để thường xuyên tuần tra, truy quét sâu vào rừng nhằm kịp thời đuổi các đối tượng ra khỏi rừng, bảo vệ rừng từ gốc; thông báo ngay cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phối hợp tuần tra, xử lý khi tình hình có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Ứng dụng công nghệ 4.0 bảo vệ rừng
Để nâng cao hiệu quả quản lý, kịp thời theo dõi, phát hiện diễn biến của tài nguyên rừng, thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã tích cực cập nhật các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ rừng.
Cán bộ kiểm lâm tỉnh kiểm tra rừng đặc dụng Tân Trào trên định vị GPS.
Đồng chí Dương Văn Xy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, hiện nay, các Hạt kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đang tích cực sử dụng phần mềm để quản lý, bảo vệ rừng như Locus Map, thiết bị viễn thám... Các phần mềm này được tích hợp lên máy tính bảng, điện thoại thông minh, hỗ trợ nhiều tính năng như: đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa, quản lý số lô rừng, trạng thái rừng, tên chủ rừng, loại cây trồng, năm trồng, trữ lượng… hỗ trợ đắc lực cho công chức kiểm lâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, giúp lực lượng kiểm lâm phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về tài nguyên rừng.
Rừng đặc dụng Cham Chu có tổng diện tích gần 15 nghìn ha, nằm trên địa bàn 83 thôn, bản thuộc 5 xã là Trung Hà, Hà Lang, Hòa Phú (huyện Chiêm Hóa); Yên Thuận, Phù Lưu (huyện Hàm Yên). Đồng chí Nông Giang Nam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu cho biết: Hiện tại tổng số cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng của hạt là 26 người. Với diện tích quản lý lớn, địa bàn rộng, trước kia việc nắm bắt thông tin về diễn biến rừng rất khó khăn, mất nhiều thời gian.
Từ năm 2013 đến nay, chỉ cần truy cập phần mềm Locus Map, đơn vị dễ dàng có được những hình ảnh và nắm bắt tình hình các khoảnh rừng. Ứng dụng cung cấp bản đồ hiện trạng, xác định vị trí người dùng, ranh giới các tiểu khu, chụp hình có tọa độ, quay phim, sử dụng điện thoại như một thiết bị GPS. Đặc biệt, luôn cập nhật thông tin cụ thể vị trí, loại rừng, tên từng trưởng thôn, số điện thoại... Qua đó, giúp cán bộ kiểm lâm theo dõi, nắm bắt những gì đang diễn ra trên diện tích rừng được phân công quản lý, kịp thời hướng dẫn chủ rừng thực hiện phương án trong trường hợp cần thiết.
Qua thực tiễn công tác bảo vệ rừng cho thấy, cần sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa ngành chức năng và chính quyền cơ sở, chủ rừng và người dân, cùng với các thiết bị công nghệ hiện việc giữ rừng mới đảm bảo.
Gửi phản hồi
In bài viết