Ngăn chặn tội phạm

- Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã có Thư ngỏ gửi đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân để hưởng ứng Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Điều đó thể hiện tinh thần quyết tâm, quyết liệt của Tuyên Quang từng bước đẩy lùi tội phạm trên không gian mạng, góp phần xây dựng không gian mạng an ninh, an toàn, lành mạnh.

Nạn nhân không ngừng tăng

Theo đánh giá của Công an tỉnh Tuyên Quang, cùng với cả nước, trên địa bàn tỉnh, tội phạm lợi dụng không gian mạng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có những diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn cho người dân.

Các đối tượng có xu hướng chuyển dịch hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hoạt động có tổ chức, bài bản, câu kết chặt chẽ có quy mô liên tỉnh, xuyên quốc gia. Trong đó, nổi lên là việc các đối tượng thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; giới thiệu việc làm, tuyển cộng tác viên bán hàng; giả danh lực lượng chức năng để gọi điện lừa đảo; lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mời gọi đầu tư chứng khoán…

Điển hình như Công an Tuyên Quang đã phối hợp đấu tranh, triệt xóa đường dây hoạt động phạm tội lừa đảo trên không gian mạng sử dụng công nghệ cao có quy mô rất lớn, số tiền chiếm đoạt của Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (gọi tắt là Công ty Fe Credit) hơn 16,4 tỷ đồng. 

Công an xã Hùng Lợi (Yên Sơn) bám sát cơ sở tuyên truyền giúp Nhân dân đề cao cảnh giác với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Các đối tượng sử dụng mạng xã hội, mua bán dữ liệu cá nhân, thuê tài khoản ngân hàng; thực hiện các chiêu thức tinh vi để kiểm tra, xác định thông tin những người đủ điều kiện vay tiền; dùng sim rác, ứng dụng, chỉnh sửa ảnh, tài liệu, làm giả hồ sơ vay tiền… chiếm đoạt tiền. Đến cuối năm 2023, cơ quan Công an đã xác định được 282 cá nhân bị các đối tượng lợi dụng, lấy thông tin (trong đó có 27 cá nhân tại tỉnh Tuyên Quang) để lập 282 hợp đồng vay tiền giả với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 16,4 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố 35 bị can (trong đó 29 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) tại nhiều tỉnh, thành phố. Chuyên án này vẫn đang được Công an Tuyên Quang tiếp tục điều tra.

Cuối năm 2023, anh B. trú tại phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) đến cơ quan Công an tố giác về việc bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 1,9 tỷ đồng dưới hình thức đầu tư chứng khoán. Hay như đầu tháng 12-2023, Agribank chi nhánh Tuyên Quang tiếp nhận thông tin, một khách hàng trên địa bàn huyện Hàm Yên bị lừa đảo mất hơn 1 tỷ đồng.

Trước đó, khách hàng đó nhận được cuộc gọi từ số máy lạ yêu cầu mở tài khoản, đăng ký ngân hàng điện tử tại 1 ngân hàng khác mang đúng tên mình, chuyển tiền vào đó để chứng minh tài sản sạch. Khách hàng thực hiện theo hướng dẫn, cung cấp mã OTP cho đối tượng thì toàn bộ tài khoản là hơn 1 tỷ đồng lập tức bị chuyển đi và không thể truy vết được dòng tiền.

Cảnh báo lừa đảo “mùa vụ”

Đáng chú ý, tội phạm lừa đảo thường lợi dụng, nắm bắt xu hướng từng thời điểm như dịp nghỉ lễ, cuối năm, đầu năm, các quy định mới để tung ra những chiêu trò lừa đảo tinh vi khiến người dân dễ sập bẫy. Dịp cuối năm, đầu năm, các đối tượng xấu sẽ gia tăng “ăn theo”, giả mạo các thương hiệu lớn, sử dụng chiêu trò khuyến mãi, trúng thưởng, tri ân khách hàng để dụ dỗ, lừa đảo người dân; hay nở rộ các quảng cáo chào mời về bói toán, giải hạn, bán đồ phong thủy, bán xe máy, điện thoại giá rẻ… chiếm đoạt tiền của người dân. Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao, kẻ xấu sẽ gia tăng hoạt động lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”, đặt vé máy bay, đặt phòng nhà nghỉ, khách sạn…

Tháng 6-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bị can Vi Quốc Tùng, trú tại thôn Đo, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng Tùng đã dùng nick Facebook “Tùng Theo” đăng bài viết bán xe máy cũ trên nhiều nhóm “Mua bán xe”. Khách hàng hỏi mua đối tượng tư vấn, khách đồng ý mua xe, đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, chặn liên lạc và chiếm đoạt tiền đặt cọc mua xe. Với thủ đoạn đó, đối tượng Tùng đã chiếm đoạt tiền của hàng chục nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành phố.

Lực lượng Công an Tuyên Quang chủ động nắm chắc tình hình trên không gian mạng nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Chị T. ở thành phố Tuyên Quang vô tình đọc được thông tin trên fanpage “Quà tặng Khách Hàng 1” với nội dung tặng quà miễn phí tri ân khách hàng dịp cuối  năm của thời trang Ivy Moda. Thấy vậy, chị T. có nhắn tin nhận quà miễn phí, rồi được mời tham gia vào link trên ứng dụng Telegram. Chị T. tải, đăng ký tài khoản và truy cập vào link, được hướng dẫn làm nhiệm vụ (chủ yếu là like, chia sẻ video). Chị T. lần lượt thực hiện xong nhiệm vụ và nhận được 20 nghìn đồng, rồi 200 nghìn vào tài khoản ngân hàng. Sau đó, chị được thêm vào các nhóm Telegram cấp độ cao hơn, rồi được yêu cầu nạp số tiền từ vài trăm đến hàng chục triệu đồng để nhận thưởng, tiền gốc. Khi chuyển cho đối tượng với tổng hơn 101 triệu đồng chị T. mới biết mình bị lừa.

Tăng “đề kháng”, tránh mắc bẫy

Để đẩy lùi tội phạm lừa đảo trên không gian mạng thì yếu tố quan trọng nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng nhận diện, cảnh báo cho người dân về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm. 

Thời gian qua, Công an Tuyên Quang đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội theo phương châm “Chú trọng phòng ngừa, lấy hiệu quả phòng ngừa là mục tiêu; chủ động phát hiện, giải quyết tình hình phát sinh ngay từ cơ sở”. 

Các đơn vị Công an tỉnh đã biên tập, đăng tải hàng nghìn bài viết trên Thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Năm 2023, Công an toàn tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức về Luật An ninh mạng, kỹ năng sử dụng mạng xã hội; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng cho hơn 30.000 lượt người; phối hợp với các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông xây dựng, gửi hơn 90.000 tin nhắn (SMS) về cảnh báo lừa đảo tới chủ thuê bao di động trên địa bàn tỉnh.

Ông Dương Tuấn Phương, Phó trưởng Phòng Khách hàng cá nhân, Agribank chi nhánh Tuyên Quang cho biết, ngân hàng đã tích cực phối hợp tuyên truyền, cảnh báo lừa đảo trên không gian mạng đến đông đảo khách hàng. Ngân hàng cũng khuyến cáo người dân, khách hàng các biện pháp đảm bảo an toàn tài chính từ bảo mật thông tin căn cước công dân, số tài khoản, mật khẩu OTP, không cài các ứng dụng lạ; thận trọng khi thực hiện các giao dịch trên không gian mạng đặc biệt là với người lạ. Từ đầu năm 2023 đến nay, các phòng giao dịch của Agribank Tuyên Quang đã hỗ trợ ngăn chặn 18 giao dịch, bảo vệ hơn 3 tỷ đồng cho khách hàng khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo.

Chung tay phòng ngừa tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh… xây dựng, đăng tải hàng trăm tin, bài, ảnh, video có nội dung tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn, phương thức mới của lừa đảo trên không gian mạng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. 

Đại úy Trần Huy Hiếu, Phó trưởng Công an xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cho biết, thông qua công tác tuyên truyền, cảnh báo về phương thức thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao của các cấp, các ngành đã tạo những chuyển biến tích cực ở cơ sở. Vừa qua, trên địa bàn xã có một số công dân đã đề cao cảnh giác, chủ động liên hệ Công an xã hỗ trợ xác minh khi họ nhận được cuộc gọi, tin nhắn thông báo trúng thưởng, kẻ lạ tự xưng là Công an thông báo họ có liên quan đến vụ án và yêu cầu phối hợp điều tra. Nhờ đó, giúp giảm thiểu nguy mắc bẫy lừa đảo, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Song song với công tác phòng ngừa, Công an tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an cấp huyện tập trung quyết liệt công tác đấu tranh, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, góp phần kiềm chế, tạo sức răn đe, ngăn chặn, kéo giảm tội phạm. Năm 2023, cơ quan điều tra Công an các cấp đã tiến hành xác minh, điều tra, khởi tố 19 vụ với 41 bị can liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Mới đây, Công an tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai “Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng” và có Thư ngỏ kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân tỉnh Tuyên Quang hưởng ứng tham gia tạo hiệu ứng, khí thế lan tỏa sâu rộng. Chiến dịch trên đã được các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở hưởng ứng tích cực, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, được quần chúng nhân dân ủng hộ, tạo những chuyển biến tích cực.

Thời gian tới, lực lượng Công an toàn tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, giám sát chặt chẽ không gian mạng, chủ động nhận diện, kiểm soát tình hình chuyển dịch của tội phạm và vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Đồng thời, chủ động hợp tác, trao đổi trong nước, quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực, tiếp thu kinh nghiệm đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao áp dụng vào thực tiễn tại địa phương.

                                                                                                                                        Lý Thịnh


Ông Trịnh Ngọc Tuấn
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang

Người dân có nghi ngờ thông báo ngay cho ngân hàng

Ngành Ngân hàng tỉnh chủ động tuyên truyền tới người dân cần chủ động bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân và luôn cảnh giác trước tin nhắn, điện thoại lạ; đặc biệt, không được cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP cho người khác hoặc truy cập vào đường link theo chỉ dẫn của người lạ, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ người tự xưng là nhân viên ngân hàng hoặc cán bộ, nhân viên các cơ quan chức năng. Ngân hàng Nhà nước tỉnh khuyến cáo người dân khi có thắc mắc, nghi ngờ liên quan đến hoạt động thanh toán, đến thông tin tài khoản cá nhân của mình và tài khoản của người nhận, người dân cần trực tiếp đến các ngân hàng để được kiểm tra, hỗ trợ, giải đáp. Trong năm 2023, trong quá trình phục vụ nhân dân, ngành Ngân hàng đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn 21 giao dịch lừa đảo người dân chuyển tiền với số tiền 3,466 tỷ đồng.


 

Đồng chí Nguyễn Văn Hiến"
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Cần vai trò rà soát, ngăn chặn của doanh nghiệp viễn thông

Để tăng cường thông tin, tuyên truyền cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền sâu rộng, nhất là những thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm lừa đảo trên không mạng. Qua đó giúp các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh biết, cảnh giác, nâng cao ý thức tự phòng, tự giữ gìn, bảo vệ tài sản; không nhẹ dạ, cả tin làm theo những chiêu trò, các tin nhắn mang lại lợi ích, tin nhắn đe dọa… của các đối tượng hoạt động lừa đảo trên không gian mạng. Đặc biệt là chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao, bảo đảm thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin của người sử dụng Sim đối với các thuê bao đang sở hữu.


Luật sư Nguyễn Anh Đoàn
 Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội

Hoàn thiện chính sách pháp luật

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong số những tội phạm phổ biến trong nhóm tội xâm phạm đến quyền sở hữu đã được quy định cụ thể tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay không dễ để tìm kiếm quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trên thực tiễn chưa đảm bảo được tính răn đe; chưa có sự tương thích giữa quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 với Luật An ninh mạng năm 2018.
Trước tình hình đó, vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là cần nghiên cứu thực trạng của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại Việt Nam, tìm ra bất cập và đề xuất hoàn thiện các quy định có liên quan đến hành vi này. 


Đại úy Nguyễn Tiến Hoàng
Trưởng Công an xã Phú Thịnh (Yên Sơn)

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tội phạm trên không gian mạng, thời gian qua, lực lượng công an xã đã tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về tội phạm trên không gian mạng. Người dân đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về hình thức, thủ đoạn lừa đảo, cách thức phòng tránh. Đồng thời, bà con cũng được hướng dẫn, trang bị những kiến thức về bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, học cách phòng ngừa, cách sử dụng công cụ bảo mật, khi có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo trực tuyến cần kịp thời báo cho lực lượng chức năng gần nhất để xử lý… Để người dân tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác trước tội phạm trên không gian mạng, cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền, phát huy vai trò nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên cùng sự đồng hành, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.


Chị Chu Thị Thanh Nga
Thôn Ngòi Trườn, xã Minh Thanh (Sơn Dương)

Nâng cao cảnh giác, chủ động phòng tránh

Vừa qua, tôi cũng bị các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để làm giả cuộc gọi video, giọng nói của người thân để vay mượn tiền. Rất may, tôi đã phát hiện đó là đối tượng lừa đảo nên kịp thời ngăn chặn. Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, tôi đã chủ động trang bị kiến thức sử dụng công nghệ, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng. Đồng thời, tôi cũng nhờ người thân bảo mật tài khoản, tránh bị đối tượng xấu chiếm đoạt; cảnh giác trước mọi yêu cầu chuyển tiền, cung cấp OTP và các loại thông tin cá nhân khác; không làm theo yêu cầu của những người chưa xác thực danh tính; kịp thời trình báo cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi phạm tội hoặc có biểu hiện nghi ngờ; lên tiếng, chia sẻ với cộng đồng, để cùng nhận diện và tránh xa mọi cạm bẫy lừa đảo.

Tin cùng chuyên mục