Lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương làm việc với đối tượng cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn VAT trái phép liên tỉnh, với tổng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. (Ảnh HOÀI ANH)
Ngày 2/11/2022, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố năm bị can trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn điện tử, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức... với doanh số ước tính hơn 25 nghìn tỷ đồng do Nguyễn Minh Tú, 30 tuổi và Võ Tấn Lộc, 27 tuổi, cùng trú tại TP Hồ Chí Minh cầm đầu. Theo tài liệu điều tra, Tú và Lộc mua hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) của 228 công ty có địa chỉ chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, cùng chung đặc điểm sử dụng giấy tờ giả để đăng ký người đại diện theo pháp luật.
Đường dây tội phạm này đã lập mạng lưới trung gian với hơn 400 người để khai thác trang thông tin điện tử các doanh nghiệp, tìm kiếm đơn vị có nhu cầu mua hóa đơn VAT điện tử. Để hợp thức thủ tục thanh toán qua ngân hàng cho các hóa đơn đã bán, Tú và Lộc lập nhiều công ty tài chính, sử dụng sim "rác" để đăng ký ứng dụng internet banking nhằm chuyển tiền lòng vòng.
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ thu 228 con dấu của các doanh nghiệp bán hóa đơn và 32 con dấu giả, phong tỏa hai tài khoản hơn 27 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, đây là đường dây mua bán hóa đơn VAT điện tử lớn nhất cả nước bị phát hiện, bước đầu xác định thiệt hại về thuế hơn 2.500 tỷ đồng. Các nghi phạm thu lời bất chính hơn 1.200 tỷ đồng.
Theo các cơ quan chức năng, mặc dù đã có nhiều biện pháp đấu tranh, phát hiện và xử lý các đối tượng mua bán hóa đơn VAT, nhưng loại tội phạm này vẫn đang có dấu hiệu gia tăng. Các đối tượng phạm tội thường là những người có hiểu biết về kinh tế và các hoạt động liên quan đến thuế, trong đó có một số đối tượng phạm tội từng là cán bộ ngành thuế.
Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra xét xử Vương Đức Hải, cựu cán bộ Đội thuế liên xã số 3, Chi cục Thuế Thạch Hà-Lộc Hà (Hà Tĩnh) về hành vi lập công ty "ma" để bán hóa đơn VAT giả, chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng. Cùng tội danh với Hải là hai đồng phạm gồm Phạm Thị Thùy Chi, 32 tuổi, trú tại huyện Thạch Hà và Nguyễn Thị Diễn, 41 tuổi, trú tại huyện Lộc Hà. Theo cáo trạng, năm 2018, Hải lấy tên của người khác để lập Công ty cổ phần xây dựng thương mại Tiến Phúc, trụ sở đóng tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà.
Doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh, mục đích lập ra để bán hóa đơn VAT. Hải bị cáo buộc đã in ấn và kê khai, phát hành 250 số hóa đơn VAT cho Công ty Tiến Phúc tại Chi cục Thuế huyện Lộc Hà (sau này sáp nhập đổi tên thành Chi cục Thuế Thạch Hà-Lộc Hà). Từ tháng 7 đến tháng 12/2018, các đối tượng đã bán trái phép 40 hóa đơn VAT cho 19 công ty, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với tổng giá trị tiền hàng gần 7 tỷ đồng mà không có hàng hóa kèm theo, thu lợi bất chính hơn 700 triệu đồng.
Nhằm chủ động ngăn ngừa hành vi mua bán hóa đơn VAT trái phép, vi phạm hóa đơn, ngành thuế đã thành lập đơn vị chuyên trách chống hành vi vi phạm về hóa đơn nhằm nghiên cứu, phát hiện các hành vi vi phạm và đưa ra các giải pháp phòng ngừa. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, cơ quan công an... trong công tác chống thất thu; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế, đặc biệt là hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Đẩy mạnh tuyên truyền hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp hiểu, thực hiện các biện pháp tăng cường quản trị doanh nghiệp bảo đảm hạn chế những sai sót dẫn đến vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan thuế của nhiều địa phương đang triển khai chương trình Thư trao đổi thông tin với người nộp thuế tới các doanh nghiệp định kỳ hằng tháng qua email, nhằm trao đổi thông tin về chính sách thuế, nợ thuế, tình hình sử dụng hóa đơn, góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp, nhất là chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về pháp luật, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa hành vi vi phạm về hóa đơn VAT, cần bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về tài chính; đồng thời tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm, tăng cường kiểm tra giám sát và nâng cao nghiệp vụ của cán bộ cơ quan thuế, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới.
Người có hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, bên cạnh việc bị xử phạt tiền, có thể bị phạt tù từ sáu tháng đến 5 năm. (Trích Điều 203, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Gửi phản hồi
In bài viết