Ngăn chặn vận chuyển hàng cấm, hàng lậu qua đường bưu chính

Hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa diễn ra rất sôi động do việc mua sắm trực tuyến gia tăng, do đó thị trường bưu chính phát triển mạnh mẽ, nhất là bưu chính gắn với thương mại điện tử. Tuy nhiên, đó cũng là nguy cơ để các đối tượng lợi dụng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu. Nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật này, các cơ quan chức năng trong ngành bưu chính đã đề ra nhiều giải pháp.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn kiểm tra số hàng nghi nhập lậu tại Bưu cục Tân Thanh. (Ảnh BÙI NỤ)

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã trực tiếp phát hiện, kiểm tra và xử lý 15 vụ vi phạm pháp luật trên khâu lưu thông hàng hóa, với tổng số tiền xử phạt hơn 550 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 1,5 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm đa dạng như: Xe đẩy em bé, ghế làm việc, nồi chiên các loại, áo khoác nữ, túi xách, quần áo, đồ chơi trẻ em và mỹ phẩm các loại,…

Trên thực tế, khi các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm thì thông tin về địa chỉ của người gửi và người nhận hàng đều ghi địa chỉ giả, thậm chí không có người nhận hàng. Trong khi đó, các đơn vị dịch vụ bưu chính luôn hướng tới việc đơn giản hóa các thủ tục, chi phí rẻ và thời gian giao hàng nhanh cho nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để kinh doanh hàng lậu, hàng cấm. Bên cạnh đó, với loại hình dịch vụ chuyển phát COD-giao hàng thu tiền hộ được các doanh nghiệp thương mại điện tử, cơ sở bán hàng trực tuyến sử dụng rộng rãi, thì người thực hiện vận chuyển hàng hóa chủ yếu là nhân viên giao hàng. Việc kiểm soát của lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Bà Chu Quỳnh Anh - Phó Trưởng ban Dịch vụ bưu chính, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp bưu chính chưa được trang bị công cụ, dụng cụ hiện đại nhằm hỗ trợ kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng nhái. Nhân viên bưu chính chưa được đào tạo bài bản và cũng chưa đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phát hiện, xác định hàng nhận gửi là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm pháp luật. Do vậy, nhiều đối tượng vi phạm lợi dụng bưu chính để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu có thủ đoạn tinh vi (giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng giả, chia nhỏ các chi tiết hàng hóa (súng),…) khiến nhân viên bưu điện rất khó phát hiện.

Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký kết Quy chế phối hợp về việc kiểm tra và xử lý tình huống đối với hàng hóa kinh doanh gửi qua đường bưu điện trong nước. Theo đó, hai đơn vị phối hợp xây dựng và thực hiện các kế hoạch kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất xử lý những bưu phẩm, bưu kiện là hàng hóa vi phạm pháp luật; cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, cập nhật các vi phạm xảy ra trên thị trường. Song, việc ký kết này mới được thực hiện ở các đơn vị nhà nước, còn các doanh nghiệp bưu chính lớn khác cùng các doanh nghiệp vận chuyển chưa có quy chế để phối hợp và ràng buộc trách nhiệm. 

Chưa kể, hiện  chưa có cơ chế hay quy định pháp lý bắt buộc đối với phương tiện, công cụ soi chiếu và tiêu chuẩn của nhân viên giao hàng tại công ty dịch vụ chuyển phát nhanh. Trong khi đó, việc đầu tư công cụ soi chiếu đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển rất tốn kém, sẽ ảnh hưởng tới giá thành và thời gian giao nhận hàng hóa.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục