1. Tôi gặp NSƯT Thanh Hiền khi chị vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày cùng 18 nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn tại Liên bang Nga trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu quốc tế Chekhov lần thứ 16. Khuôn mặt vẫn còn sự mệt mỏi nhưng khi nhắc đến sự kiện đặc biệt này, chị trở nên hào hứng ngay. Chị bảo, chuyến biểu diễn thành công ngoài mong đợi.
Ở chuyến đi này, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã chọn lựa những màn biểu diễn độc đáo nhất mô tả đời sống sinh hoạt của người nông dân bình dị, hiền hậu chất phác và điểm nhấn chính là tiết mục “Đức vua Lê Lợi trả gươm”. Ngày nào Đoàn cũng diễn 5 suất, mỗi suất diễn chật kín khán giả. Kiều bào ta cũng như bạn bè quốc tế đón nhận các chương trình múa rối nồng nhiệt bằng những tràng pháo tay không ngớt, lần nào cũng phải ra chào tạm biệt khán giả tới 3 lần.
Những câu chuyện về việc “xuất ngoại rối nước" làm tôi “tạm quên” người đối diện mình từng là nghệ sĩ chèo với nhiều vở diễn xuất sắc.
NSƯT Thanh Hiền sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Bắc Ninh, bố mẹ đều là người yêu nghệ thuật hát chèo. Hơn nữa, chính lòng ngưỡng mộ người mợ trong họ là Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thúy Cải (nguyên Giám đốc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh) đã thôi thúc cô bé Hiền ngày ấy một lòng đam mê và mong muốn tỏa sáng cùng nghệ thuật.
Năm 14 tuổi, chị được Đoàn Chèo Hà Bắc (cũ) tuyển về. Sau đó, chị là 1 trong 18 học viên của Đoàn được cử đi học lớp Nghệ thuật chèo, khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. “Thời đó, chúng tôi may mắn là lớp cuối cùng được NSND Trần Bảng chủ nhiệm và được rất nhiều thầy cô là những nghệ sĩ tài năng như Minh Tuyết, Thanh Bình, Hoàng Yến, Trần Ngọc, Minh Ngọc, Trần Quỳnh, Diễm Lộc... giảng dạy” - chị kể.
Khi còn biểu diễn, NSƯT Thanh Hiền đã gặt hái được nhiều giải thưởng như Huy chương Vàng với vai Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh trong vở “Oan khuất một thời” tại Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc năm 2009, Giải Vàng với vai Thị Hến trong vở “Nhà Hến” tại Liên hoan các trích đoạn hài toàn quốc năm 2011, Giải Vàng - vai Supakha trong vở “Nàng Sita” tại Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ năm 2013...
Bên cạnh đó, chị còn tham gia đóng các bộ phim như “Hoa đất Mường”, “Dòng đời”, “Hội làng quan họ” và đặc biệt là vai cô Hồng trong “Sống ở đáy sông”. Tuy nhiên, vai diễn mà chị tâm đắc nhất lại là vai Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh trong vở “Oan khuất một thời” của đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang.
Chị nhớ lại: “Tôi đã phải tìm hiểu rất kỹ nhân vật, nghiên cứu thời kỳ lịch sử qua sách vở, tài liệu và những vở diễn trước đó để có thể lột tả rõ nét sự hiểm độc, gian ác của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh. Vở diễn này đã được trình diễn tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh suốt nửa tháng và được coi là sự kiện văn hóa trọng điểm của thành phố khi ấy”.
2. Năm 2021, khi đang trên cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, NSƯT Thanh Hiền nhậm chức Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long khiến nhiều người ngỡ ngàng. Thời điểm đó cũng là lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở Việt Nam, công việc nghệ thuật dường như bị đóng băng. Khó khăn chồng chất khó khăn, khiến chị phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để trụ vững. Chị bảo, Nhà hát Múa rối Thăng Long là nhà hát tự chủ nên ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, Nhà hát phải tìm cách làm sáng tạo để tự nuôi mình.
Chị chia sẻ: “Bên cạnh lợi thế là tọa lạc ở vị trí đắc địa cạnh hồ Gươm, được khán giả trong nước cũng như quốc tế quan tâm, Nhà hát đã vững vàng đi lên nhờ nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, khai thác những tích trò đặc sắc rồi liên tục quảng bá trên nền tảng mạng xã hội, tạo ra sự liên kết với các tour du lịch. Bởi thế, hiện tại, mỗi ngày Nhà hát biểu diễn từ 3 - 5 suất, đỉnh điểm là 9 suất diễn, gắn với thương hiệu “Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lục diễn rối nước 365 ngày/năm".
Vừa qua, khi được giao thực hiện chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc SEA Games 31 (tổ chức năm 2022, tại Việt Nam), Nhà hát Múa rối Thăng Long đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chuyển tải được tinh thần thể thao cao thượng, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thân thiện, mến khách, giàu bản sắc văn hóa, chủ động kết nối với khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh thế giới vừa trải qua đại dịch. Có được thành công ấy, không thể không kể đến đóng góp của NSƯT Thanh Hiền trong vai trò Giám đốc sản xuất.
“Đây là chương trình nghệ thuật lớn, mang tầm quốc gia và là thử thách không hề nhỏ đối với các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long. Chúng tôi phải triển khai, lựa chọn, giới thiệu các ê kíp thực hiện gồm tổng đạo diễn, đạo diễn sân khấu, tác giả kịch bản, biên đạo múa... và theo sát chương trình, khớp nối các bộ phận từ đầu đến cuối. Với vô số công việc như vậy nhưng ê kíp thực hiện chỉ có 45 ngày chuẩn bị cho lễ khai mạc, trong khi với tầm vóc của chương trình này đòi hỏi từ 6 tháng đến một năm chuẩn bị. Bởi thế, chúng tôi đã làm việc bằng 200% năng lực để chạy đua với thời gian, cố gắng không để xảy ra sai sót” - NSƯT Thanh Hiền nhớ lại.
3. NSƯT Thanh Hiền cho biết, rối nước và chèo có sự gắn kết vì thoại chèo, hát chèo, trống chèo, nhạc cụ dân tộc của chèo từ lâu đã được chọn để phụ họa cho nghệ thuật múa rối. Hơn nữa, những tích trò của rối và các trích đoạn của chèo đều xuất phát từ đời sống thường nhật của người nông dân Việt Nam.
“Ca từ trong nghệ thuật chèo và rối đều mộc mạc, giản dị, chân thành, mang nét văn hóa lâu đời của người Việt nên người xem rất dễ cảm nhận. Thực tế cho thấy, trong lúc nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều khó khăn thì rối và chèo vẫn có sự phát triển. Đó chính là thuận lợi mà những người hoạt động rối nước và chèo cần nắm bắt, không ngừng sáng tạo để phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống” - chị nhấn mạnh.
Theo NSƯT Thanh Hiền, Nhà hát may mắn luôn được biểu diễn phục vụ nguyên thủ quốc gia, tiếp khách quốc tế, biểu diễn ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Ngoài biểu diễn nghệ thuật truyền thống, Nhà hát còn có đoàn xung kích thích ứng với thị hiếu và phục vụ khán giả các lứa tuổi với các kịch mục hấp dẫn. Bên cạnh việc giữ nguyên các tích trò cổ, những vai mẫu, vở diễn kinh điển, tạo hình con rối đến phong cách biểu diễn từ thế hệ trước truyền lại, Nhà hát luôn chú trọng đào tạo tài năng trẻ.
Ở tuổi 43, độ tuổi đủ chín, NSƯT Thanh Hiền đang có nhiều dự định để Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn giữ được thương hiệu, qua đó góp phần gìn giữ, quảng bá, giúp nghệ thuật múa rối độc đáo của dân tộc ngày một vươn xa.
Gửi phản hồi
In bài viết