Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Tôi làm báo cũng hơn 40 năm nay, nhưng vì ở phía Nam nên tôi ít có dịp được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng bù lại, tôi có nhiều bạn bè có người thân hoặc đã từng được gặp và có thời gian được làm báo cùng với Tổng Bí thư, qua đó, tôi càng được có nhiều thông tin hơn và càng quý trọng ông hơn. Và tôi cũng như nhiều người khác đều cảm nhận được một điều: “Trên ngực ông không đeo huân chương, nhưng luôn có một trái tim“. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin chỉ nói đến tình cảm của giới cầm bút dành cho ông.
Sau khi ông mất, điều mà tôi chia sẻ được từ bạn bè đồng nghiệp của tôi là ai cũng dành cho ông một tình cảm quý mến thân thương, một sự cảm phục tràn đầy với phẩm chất và tư cách đạo đức của ông. Hầu như họ đều chung một nhận định: Tổng Bí thư là một vị lãnh đạo hội đủ những phẩm chất của một người cộng sản chân chính, một học trò mẫu mực của Bác Hồ.
Riêng tôi, tôi rất chú ý đến cuộc sống gia đình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và tôi càng quý trọng ông khi biết gia đình ông sống giản dị, không dựa hơi nhờ vả quyền thế của ông, một người đứng đầu Đảng và Nhà nước.
Khi ông mất, bà Ngô Thị Mận, phu nhân Tổng Bí thư đã muốn được đưa chồng về chôn cất ở quê nhà, tại khu vực nghĩa trang dành cho dòng họ ở thôn Lại Đà, xã Ðông Hội, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.
Một người đã viết rất sâu sắc rằng: Phía sau một người chồng liêm chính là một người vợ giản dị. Phía sau một người chồng chí công vô tư là một người vợ không toan tính tư lợi. Phía sau một người đàn ông giữ quyền lực chính trị cao nhất quốc gia là một người phụ nữ đảm đang tề gia nội trợ và âm thầm, kín tiếng. Những phẩm chất ấy của vợ ông, gia đình ông, có thể nói cũng từ ông mà có được.
Và như nhiều người đã biết, Tổng Bí thư sống khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm. Tổng Bí thư vẫn sử dụng chiếc xe Toyota cũ rích (được để lại từ vị Chủ tịch Quốc hội tiền nhiệm), Còn vợ ông hàng ngày vẫn đi chợ bằng một chiếc xe Cub…
Là người có quyền cao, chức trọng, lối sống của ông vẫn không xa hoa lãng phí, mà mọi việc đều chừng mực. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững, Học viện Báo chí và Tuyên truyền kể lại: “Trong những dịp gặp gỡ họp mặt, ông không bao giờ uống rượu mạnh, tôi thấy anh chỉ nhấp nhiều lắm là 2 ly rượu vang…”
Còn các đồng nghiệp cũng công tác tại Tạp chí Cộng sản với ông trước đây thì bảo: “Qua tiếp xúc, anh là người hiền lành, ít nói, kín tiếng và hay cười, sống chân thành". Các cán bộ trong khối lý luận tuyên truyền thì thường gọi anh là anh cả và tâm sự: “Mấy anh em đều quý và coi anh như anh cả, vì tình cảm và sự tin cậy". Ông sống giản dị trong sinh hoạt đời thường, dành hết trí tuệ và ý chí cho các vấn đề lớn của đất nước.
Trung tá, Nhà báo Phạm Vân Anh, Cục Chính trị Bộ tư lệnh Biên phòng khi biết tin ông mất đã viết những câu thơ tha thiết cảm phục dành cho ông :
ĐIỂM TỰA
Lời Người dặn một ngày xuân chưa xa
"Hãy luôn là điểm tựa chốn địa đầu"
Theo chúng tôi lên rừng, xuống bản
Và hôm nay, vần vũ cơn áp thấp
Biên cương tiễn biệt Người
Rừng núi vấn tang mây
Những người lính biên phòng mãi nhớ
Một "điểm tựa" thanh cao của nước non này”…
Một người sống trọn đời vì công việc, vì đất nước, vì nhân dân, thì khái niệm tham quyền cố vị với ông là điều xa lạ.
Nhà báo Hoàng Trường Giang, Báo QĐND viết: Trong buổi họp báo sau Đại hội XIII, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã bộc bạch: "Tôi giờ không được khỏe lắm, tuổi cao rồi, tôi cũng đã xin nghỉ nhưng Đại hội bầu, là đảng viên tôi phải chấp hành”. Đó là những lời "gan ruột" nhất của một con người bình thường đến ngưỡng tuổi 80, muốn nghỉ ngơi sau gần 30 năm ở những vị trí trọng trách lớn nhất đất nước. Nhưng đó cũng là lời khẳng định ý chí sắt đá của người cộng sản tận hiến đến khi nào Đảng còn cần, nhân dân còn tin tưởng”
Ông là con người của hành động, là người sâu sắc về lý luận, sống có lý tưởng và có mục đích cao đẹp. Nhưng về cuộc sống riêng tư lại là người rất hiền lành, khiêm tốn.
Nhà báo Hoàng Trường Giang viết : ... “Khi ông là Ủy viên Trung ương Đảng mà vẫn rụt rè gửi người bạn tập hồ sơ xin việc cho con, dù bằng cấp, trình độ đào tạo của con mình hoàn toàn đầy đủ. Rồi ngay cả khi con không được tiếp nhận, ông vẫn khiêm nhường cảm ơn, thậm chí cáo lỗi với người bạn được nhờ. Khi ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhưng về thăm ngôi trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều, ông vẫn xin được đứng sau chụp ảnh, nhường ghế ngồi hàng đầu cho các thầy cô, bạn học lớn tuổi hơn.
Khi ông là người đứng đầu Thủ đô vẫn lặng lẽ một mình đi xe máy về thăm Trường Đại học Tổng hợp trong sự ngỡ ngàng của cô thầy bè bạn. Không xe đưa rước, không trống rong cờ mở, không võng lọng nghênh ngang, chỉ là một người đàn ông cao tuổi tự đi xe về trường.
Khi ông là Chủ tịch Quốc hội, đám cưới con gái của ông hầu như không ai biết. Sau đó một số bạn bè thân lắm mới nhận được thiếp báo hỷ.
Khi ông là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, khi đi dự gặp mặt lớp cũ, ông đã nói: “Xin bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Tôi đến đây mãi mãi là học trò của các thầy cô, mãi mãi là bạn học của các bạn...”
Trước những công việc bộn bề của một nhà lãnh đạo, là một cuộc sống mẫu mực của công dân Nguyễn Phú Trọng. Một nhà văn đã viết “Từ giờ phút này, dù muốn hay không muốn, ông đã là nhân vật gắn với lịch sử hiện đại nước nhà".
Người Tổng bí thư đầy trách nhiệm lớn lao ấy sống giản dị trong sinh hoạt nhưng rất nghiêm cẩn trọng công việc và rất kỹ tính khi giao tiếp với truyền thông.
Một phóng viên ảnh của Thông Tấn xã Việt Nam có thời gian tác nghiệp bên cạnh Tổng Bí thư cho biết: “Ông rất kỹ tính, rất cẩn thận. Ông dặn phóng viên ảnh chuyên trách tấm hình nào cho công việc nên đưa ông xem lại và có chữ ký của ông mới được công bố.
Có lẽ nhà báo Lê Trí Dũng (TTX VN) phóng viên ảnh chuyên trách chụp hình Tổng Bí thư, là người đã chụp được cả ngàn bức về vị Tổng Bí thư kính mến của chúng ta. Anh là người tạo ra được "thương hiệu bằng ảnh" nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Nhà báo Lê Trí Dũng cho biết: "Trong suốt gần 20 năm làm phóng viên chính trị - ngoại giao chuyên trách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi học được nhiều điều về lẽ sống, nhất là lối sống, nhân cách. Mỗi chuyến đi công tác cùng Tổng Bí thư, tôi thấy ông rất quan tâm, quý mến báo giới. Có lẽ, do chính cuộc đời 30 năm làm báo nên đã giúp ông thấu hiểu, sẻ chia thân tình với các nhà báo...".
Một phóng viên ảnh khác thì tâm sự: “Làm báo, đặc biệt là công việc phóng viên ảnh mang lại nhiều cơ hội được đi khắp Việt Nam và các nước trên thế giới, được tham gia nhiều sự kiện trọng đại, được tiếp xúc và ghi hình nhiều con người của thế kỷ, nguyên thủ quốc gia, chính khách, người nổi tiếng... Được chụp hình Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng những năm đã qua là điều may mắn cho những người làm nghề chúng tôi. Hai ngày qua, nhiều đồng nghiệp đã lục tung ổ cứng để tìm lại những bức ảnh đẹp nhất, hay nhất, ý nghĩa nhất về ông. “
Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích lại bài viết của Đại tá, Nhà báo Trần Thế Tuyển, nguyên Cục trưởng Cục Báo chí, nguyên Tổng BIên tập báo SGGP, về một nhận định rất trân trọng và rất đúng về ông:
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chịu ảnh hưởng lý tưởng sống của những huyền thoại Xô Viết, đặc biệt của tác phẩm Thép đã tôi thế đấy": Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí...”. Trong cuộc đời của mình, ông đã cố gắng sống cho có ý nghĩa, để “không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!". Bác cả Trọng viết như thế và đã làm như thế.
Chỉ có thể là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới nghĩ và làm được điều ấy, nhất là lúc này.
Gửi phản hồi
In bài viết