Người lính công binh Điện Biên Phủ

- Cách đây 70 năm, cả dân tộc Việt Nam đã làm nên một chiến thắng vĩ đại - chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 7 thập kỷ đã trôi qua, nhưng kỷ niệm được tham gia chống Pháp, đặc biệt tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong trái tim người cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Khắc, tổ 10, phường An Tường (TP Tuyên Quang) - lính công binh với nhiệm vụ trông coi máy vô tuyến điện, đảm bảo thông tin thông suốt, an toàn...

CCB Nguyễn Khắc, tổ 10, phường An Tường (TP Tuyên Quang).

CCB Nguyễn Khắc năm nay 90 tuổi, nhưng còn khá khỏe mạnh, minh mẫn. Giọng nói hào sảng, ông Khắc cho biết, quê ông tại Yên Thế (Bắc Giang). Năm 1954, thấy bộ đội, dân công hỏa tuyến nườm nượp đi qua nhà, vui quá, thế là ông xung phong đi bộ đội. Ông được cơ cấu vào Trung đoàn 249 trực thuộc Quân khu Việt Bắc phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị có nhiệm vụ giữ đảm bảo đường giao thông thông suốt để đưa bộ đội, vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm từ hậu phương lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông Khắc được giao nhiệm vụ quay máy phát vô tuyến điện tại đài chỉ huy của Trung đoàn, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, an toàn của đơn vị. Những tuyến đường bị máy bay địch đánh bom, bắn phá sẽ được phát báo cáo lên Trung đoàn để kịp thời sửa chữa, đảm bảo an toàn giao thông huyết mạch.

Kỷ niệm sâu sắc nhất cuộc đời người lính của ông Khắc là những đêm ngủ rừng lấy ánh sao trời làm màn, lá cây rừng thay chiếu, là những nắm cơm vắt ăn cùng cá mắm nướng, là bộ quần áo ròng rã cả tháng trời, là những trận mưa bom tàn khốc của địch bắn phá tuyến đường nơi đơn vị ông đi qua hay niềm vui sướng khi nghe tin chiến thắng.

Ông bảo, ông là bộ đội địa phương, khi vào phục vụ chiến đấu, chưa được cấp quân phục, vậy nên ông mặc nguyên bộ quần áo từ ở nhà đi đến hết Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuộc sống kham khổ, thiếu thốn không làm chùn bước chân người lính. Ông đã cùng những người đồng đội của trung đoàn công binh chiến đấu dũng cảm, đảm bảo “mạch máu” thông tin, giao thông vững chắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được cử đi học, chuyển ngành về công tác tại Nông trường Sông Lô. Năm 1969, ông chuyển về Trạm máy kéo thuộc Ty Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày nay). Đến năm 1983, ông nghỉ hưu. Trở về đời thường, người lính Điện Biên năm ấy vẫn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ; người đảng viên kiên trung, gương mẫu vận động con cháu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Năm nay, dù đã bước sang tuổi 90 với gần 65 năm tuổi Đảng, nhưng ông vẫn hăng say lao động, trồng rau, nuôi gà, chăm sóc vườn tược. Ông bảo, mình còn sức thì còn lao động, vừa là để tập thể dục, vừa có những bữa rau ngon cho gia đình, con cháu. Những kỷ niệm dấu ấn về một thời phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ đã tiếp sức cho ông vững chãi, tự tin trong cuộc đời người chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam, người CCB tỏa sáng giữa đời thường.

Bài, ảnh: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục