Thế rồi, những chiếc nón Tày, rổ rá mây tre đan, những chiếc đĩa, khay đựng hoa quả, ấm chén bằng tre, nứa… theo chân du khách đến mọi miền Tổ quốc là sự khẳng định chắc nịch về thương hiệu của sản phẩm mây giang đan nơi đây. Người góp phần lan toả sản phẩm ấy là bà Hoàng Thị Hoán, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hùng Mỹ, Chiêm Hoá.
Bà Hoán làm duyên với chiếc nón Tày.
Ở tuổi ngoài 60, bà Hoán trông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và rất có duyên. Cái duyên đến từ sự dịu dàng, đằm thắm trong trang phục phụ nữ Tày, đến từ chiếc nón lá bà đội đầu để giới thiệu với du khách, và trên hết cái duyên đến tự sự mộc mạc, tự nhiên trong cách nói chuyện của người vùng cao. Bà Hoán bảo, bà không biết chiếc nón lá có từ bao giờ nhưng nó đã gắn bó với đời sống và sinh hoạt của người Tày từ bao đời nay. Chiếc nón theo các bà đi chợ, lên nương, ra đồng, khi cần trở thành chiếc quạt vô cùng tiện ích. Chiếc nón còn trở thành phụ kiện làm đẹp cho các bà, các mẹ, các chị; rồi xuất hiện trong các tiết mục văn nghệ làm say đắm bao người xem. Nhận thấy lợi ích từ chiếc nón, với vai trò là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hùng Mỹ, bà Hoán đã vận động hội viên khôi phục nghề làm nón. Việc khôi phục những chiếc nón khá thuận lợi bởi phụ nữ Tày từ bé đã biết làm nón, giờ thấy giá trị của chiếc nón nên ai cũng tự hào và muốn chiếc nón được nhiều người biết đến.
Chiếc nón Tày có giá từ 50-200 nghìn đồng tuỳ loại.
Bà Hoán đã mang những chiếc nón Tày giới thiệu tại một số hội chợ quê, lễ hội xuân. Bà bảo, dịp lễ hội xuân vừa qua bà cũng bán được vài chục chiếc nón Tày. Giá bán của mỗi chiếc dao động từ 50-200 nghìn đồng tuỳ loại. Bà vui hơn khi khách mua xong đều chụp ảnh làm duyên với chiếc nón.
Không chỉ làm nón Tày, bà Hoán cùng hội viên người cao tuổi khôi phục nghề mây tre đan. Tranh thủ lúc rảnh rỗi là các bà lại cùng nhau đan lát. Bà Hoán chia sẻ, cái lợi là ai cũng biết đan, vì thế chỉ cần tìm mẫu mã đẹp, phù hợp với nhu cầu khách hàng. Hiện nay một số sản phẩm như khay đựng hoa quả, khay để chén, túi xách… bằng mây tre đan rất được ưa chuộng. Giá mỗi sản phẩm cũng dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, quan trọng hơn là tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại quê nhà, thay thế được các đồ dùng nhựa hiện nay. Vì thế, nếu có kế hoạch phát triển bài bản thì các sản phẩm đồ thủ công hoàn toàn có thể vươn xa hơn nữa.
Một số sản phẩm mây giang đan có giá bán từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Hiện nay, tranh thủ thời gian rảnh bà Hoán thường đến từng gia đình để vận động, dạy nghề đan lát cho chị em phụ nữ; dạy cách làm nón lá. Bà bảo, Tuyên Quang du lịch đang phát triển, nhất là du lịch cộng đồng. Nếu từng gia đình làm tốt việc duy trì nghề truyền thống thì hứa hẹn sẽ tạo một không gian du lịch văn hoá hấp dẫn để du khách tham quan, trải nghiệm; đồng thời cũng góp phần giải bài toán về đồ lưu niệm tại các khu du lịch hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết