Người đầu tiên làm homestay
Ngồi tiếp khách trong ngôi nhà sàn cột gỗ lợp lá cọ truyền thống của đồng bào Tày địa phương, ông Ma Công Hùng cho biết, tên thôn Bản Ba trước kia xuất phát từ thôn chỉ có 3 nóc nhà, rồi sau này hình thành phát triển lên 3 dòng họ là: Ma Công, Ma Đức, Ma Đình. Ông thuộc dòng họ Ma Công sống nhiều đời ở đây. Sau này xã Trung Hà tách thôn Bản Ba thành hai thôn, thôn Bản Ba 1, Bản Ba 2. Giờ hai thôn vẫn có mối liên hệ chặt chẽ thông qua việc thờ cúng ở Đình làng Ba.
Thôn Bản Ba 1 có lợi thế nằm ngay dưới chân danh thắng quốc gia thác Bản Ba. Con thác này dài khoảng 6 km chảy từ trên đỉnh dãy núi Chạm Chu với 3 tầng, mỗi tầng có một vẻ đẹp riêng. Thác chảy luồn qua các phiến đá trong rừng nguyên sinh tạo nên vẻ đẹp kỳ thú về cảnh quan thiên nhiên. Do có con thác lớn nên vùng đất phía hạ lưu tươi tốt, phì nhiêu. Bao đời nay đồng bào Tày sinh sống đều mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu. Hiện nay thôn Bản Ba 1 có 107 hộ với trên 400 nhân khẩu dân tộc Tày, Dao, Mông, trong đó dân tộc Tày là chủ yếu. Vào thôn Bản Ba 1 ngày nay du khách vẫn nhìn thấy thấp thoáng những bóng nhà sàn lợp lá cọ truyền thống ven theo chân đồi hướng ra cánh đồng thoáng rộng.
Homestay Thôm Chang do ông Ma Công Hùng xây dựng đầu tiên ở thôn Bản Ba 1.
Vào thời điểm năm 2011, ngôi nhà sàn cũ của ông Ma Công Hùng đã xuống cấp. Gia đình họp bàn phải quyết làm nhà mới, có nhiều ý kiến nên xây nhà ống mái Thái cho hợp thời. Suy nghĩ một đêm, ông Hùng đưa ra quyết định vẫn phải làm nhà sàn để bảo tồn nét truyền thống của dân tộc. Rồi căn nhà sàn gỗ 112 m2 trên lợp lá cọ được hoàn chỉnh trên nền đất cao ráo. Mỗi lần cán bộ huyện Chiêm Hóa vào Bản Ba công tác nhìn thấy ngôi nhà sàn của ông Ma Công Hùng đều dừng lại ngắm nghía, chụp ảnh. Lãnh đạo huyện bàn với xã Trung Hà vận động ông Hùng phát triển dịch vụ homestay. Vì ở đây chưa ai làm cả, mà ông Hùng là người uy tín trong cộng đồng được công nhận, nói sẽ có người nghe. Thế rồi huyện, xã đã tạo điều kiện để ông Hùng đi tham quan học hỏi kinh nghiệp làm du lịch homestay ở huyện Quản Bạ (Hà Giang) và Lâm Bình. Sau chuyến đi ông Hùng tự nhủ, không cần đầu tư lớn, biết cách vận dụng, thì làm homestay không phải khó lắm. Cốt lõi của vấn đề là phải bảo tồn được bản sắc, nhân dân phải cùng đồng lòng làm du lịch, hiếu khách. Chứ làm du lịch cộng đồng một nhà thì khó thành công.
Xuất phát từ vai trò người uy tín trong cộng đồng, ông Hùng nghĩ trước tiên mình phải làm gương. Ông tập trung xây dựng homestay Thôm Chang của gia đình một cách bài bản, quy củ. Thấy ông Hùng làm được người cháu cũng làm thêm homestay Khiêng Khàng. Rồi người dân trong thôn thấy vậy phát triển tiếp homestay Bó Cáy, Tát Củm của người Tày, homestay Kiềm Miền của dân tộc Dao tiền. Ông Ma Đức Hưu, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bản Ba 1 cho biết, tiềm năng du lịch ở địa phương thì nhiều, song chưa khai thác được. Việc huyện vận động ông Hùng mạnh dạn làm du lịch homestay, để rồi ông Hùng vận động lại dân làng ở đây là một điều tuyệt vời. Từ con số 0, đến nay thôn có 5 homestay đạt tiêu chuẩn, nhận thức về làm du lịch của người dân có những chuyển biến rõ nét.
Ồng Ma Công Hùng và vợ bên ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày.
Mở cửa hang Nà Đông
Việc ông Ma Công Hùng và các hộ dân ở thôn Bản Ba 1 làm du lịch homestay vào đúng thời điểm “vấp” ngay vào đại dịch Covid-19. Hơn 2 năm nằm chờ ngày kiểm soát được đại dịch đã đến. Nhân kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, UBND xã Trung Hà tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc xã Trung Hà lần thứ nhất để “kích cầu” du lịch. Sân vận động thôn Bản Ba 1, gần homestay Thôm Chang của ông Hùng đông kín khách du lịch. Hôm đó một đoàn khách ở Hà Giang đặt homestay Thôm Chang 16 mâm cơm. Ông chỉ đạo con cháu thịt một con lợn bí đen để làm cơm. Trong ngày hội vui đó, chúng tôi đích thân được ông Ma Công Hùng đưa đi tham quan, giới thiệu về hang Nà Đông ở thôn Nà Dầu.
Chỉ vào cửa hang ông Hùng bộc bạch: “Năm 2021 đại dịch Covid-19 bùng nổ, có thời gian rỗi ở nhà tôi đi lần mò khảo sát, khám phá các điểm du lịch trong vùng. Vì sau này mình còn đưa dẫn khách. Bất ngờ gặp ông Bàn Công Hùng ở thôn Nà Dầu cho biết, sau đồi nhà có cái hang đẹp, không biết bên trong có cái gì. Trước kia chỉ nghe người ta đồn có một ông thợ săn lần theo vết thương con nhím mà chui vào hang. Ông về kể với dân làng là nó rất rộng, xong chả ai thử xuống cả. Miệng hang Nà Đông lúc đó cố lắm cũng chỉ chui vừa người, trong tối om như mực. Rồi ông bàn với ông Bàn Công Hùng, Ma Công Sứ, Bàn Văn Tướng người địa phương cho phá đá mở rộng cửa hang. Thật bất ngờ, đúng như lời tương truyền, hang rộng hàng trăm m2, sâu hơn 100 m với nhiều hình thù, nhũ đá đẹp.
Quang cảnh thôn Bản Ba 1 với danh thắng quốc gia thác Bản Ba.
Sau khi khám phá ra hang Nà Đông, ông Ma Công Hùng báo cáo xã. Xã cho cán bộ đi kiểm tra, khảo sát, giao cho thôn, cùng nhân dân quản lý, khai thác phát triển du lịch. Hang được dẫn điện, làm đường đi lại thuận lợi, hàng trăm du khách đã tìm đến đây khám phá, trải nghiệm. Và người có công đánh thức tiềm năng hang Nà Đông chính là ông Ma Công Hùng. Ông Hùng rất vui khi “nét quê hương” đến được với du khách. Ông Chư Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hà cho rằng, thời gian tới sau khi con đường từ thôn Bản Ba 1 đi thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) dài khoảng 35 km được tu sửa xong, giao thương sẽ thuận lợi. Cùng với doanh nghiệp làm du lịch, xã sẽ tập trung phát triển làng du lịch cộng đồng thôn Bản Ba 1. Đầu tiên phải giữ gìn kiến trúc, không gian nhà sàn, phong tục, tập quán của bà con. Sau đó là khai thác về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, cụ thể như về ẩm thực, các bài thuốc nam gia truyền, xây dựng câu lạc bộ hát Then, Páo dung. Hơn nữa, xã tiếp tục phát huy cao độ vai trò của người uy tín trong cộng đồng để phát triển du lịch.
Rời Bản Ba 1 trong tiếng thác rì rào trên đá, tôi mường tượng không xa, nơi đây sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách gần xa đến trải nghiệm, thưởng ngoạn. Thác Bản Ba - được ví như "nàng tiên ngủ trong rừng” sẽ được chính người dân đánh thức…
Gửi phản hồi
In bài viết