Làm nhiều việc lợi cho dân
Từ năm 2017, sau khi được bầu làm Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Ba Chãng, ông Đại luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm”. Vốn là cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm cây nguyên liệu giấy Hàm Yên về hưu, ông Đại đã mang những kiến thức, kinh nghiệm về cây trồng để vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, mang lại thu nhập cho nhân dân.
Những ngày đầu được bầu làm Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng, ông Đại dành thời gian đi nắm bắt tình hình kinh tế, sản xuất trong nhân dân. Ông nhận thấy, nhiều hộ trong tổ dân phố trồng cây cam sành nhưng không hiệu quả. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp với cây cam sành nên bỏ vốn đầu tư khá nhiều mà cây cam sành thường xuyên bị sâu bệnh. Có hộ bị mất trắng. Vậy là ông vận động nhân dân chuyển đổi từ trồng cam sành sang trồng rừng, trồng chè. Từ chỗ, tổ dân phố Ba Chãng có 40 ha cây cam sành, đến nay chỉ còn khoảng 20 ha, một nửa số diện tích cam sành trước đây đã được chuyển sang để trồng chè. Không ít hộ trước đây lao đao vì trồng cây cam sành, từ khi chuyển sang trồng chè đã cho thu nhập đều đặn hàng tháng, có của ăn của để.
Chị Nguyễn Thị Thanh là một trong những hộ trước đây trồng khá nhiều cam sành với 300 gốc. Ba năm gần đây chị chuyển 7 sào trồng cam sành sang trồng chè. Trung bình mỗi năm, chị Thanh thu trên 1,6 tấn chè khô, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Chị bảo: “Trước kia, nhà tôi trồng chủ yếu cam sành nhưng cam sành bị sâu bệnh, năng suất kém. Có năm gia đình tôi đầu tư 70 triệu phân bón, công chăm sóc vào cây cam sành nhưng năm đó gần như mất trắng. Được Bí thư Chi bộ Đại thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn, gia đình tôi nhận thấy cần phải chuyển đổi cây cam sành sang hướng khác. Tôi quyết định phá cam, trồng chè. Thời gian đầu mới trồng chè, gia đình tôi thường xuyên được Bí thư Đại hướng dẫn cách chăm sóc, đốn, tỉa, thu hái và kịp thời phát hiện sâu bệnh trên cây chè để phòng trừ nên chè ra rất đều lứa. Hàng tháng, gia đình tôi đều có thu nhập ổn định từ cây chè”.
Ông Vũ Quang Đại vận động người Dao trong thôn xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.
Ông Đại còn là người đứng ra kết nối với Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm cây nguyên liệu giấy Hàm Yên để nhân dân được trồng rừng liên doanh với trung tâm, lợi nhuận sau khai thác chia theo tỷ lệ thỏa thuận giữa nhân dân với trung tâm. Hiện nay, tổ dân phố Ba Chãng có 60 hộ đang liên doanh trên 100 ha rừng với trung tâm. Ông vận động nhân dân tận dụng diện tích đất đai sẵn có để trồng rừng sản xuất, trồng ngô đông làm thức ăn cho gia súc, trồng các giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao. Hiện nay, toàn tổ dân phố có 50 ha rừng trồng sản xuất trong nhân dân, 10 ha ngô đông làm thức ăn cho gia súc. Nếu như năm 2017, toàn tổ dân phố vẫn còn 12% hộ nghèo, đến hết năm 2021, toàn tổ không còn hộ nghèo. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Nhiều hộ có nhà xây khang trang. Ông Đặng Văn Lanh, người dân tổ dân phố Ba Chãng trước đây là hộ nghèo nhưng gia đình ông đã thoát nghèo từ hai năm nay nhờ trồng rừng liên doanh với Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm cây nguyên liệu giấy Hàm Yên. Hiện nay, ông Lanh đang nhận chăm sóc, bảo vệ 5 ha rừng của Trung tâm. Mỗi chu kỳ khai thác, ông Lanh nhận về 100 đến 150 triệu đồng. Từ khi liên doanh trồng, chăm sóc rừng, gia đình ông Lanh có nguồn thu đáng kể, có tiền xây nhà sàn cột bê tông vững chãi. Thấy Bí thư Chi bộ Đại đến sân, vợ chồng ông Lanh liền chạy xuống sân xởi lởi, tay bắt mặt mừng như đón người thân đến nhà. Ông Lanh chia sẻ: “Nhà tôi có được như ngày hôm nay cũng nhờ nghe theo Bí thư Chi bộ Đại đấy”.
Nhân đôi niềm vui
Ông Đại nói rằng, khi được nhân dân đồng thuận làm công việc gì ông vui lắm. Niềm vui được nhân đôi khi công việc đó hoàn thành và phục vụ thiết thực đời sống của nhân dân. Bởi vậy mà ông luôn cố gắng làm tốt công tác dân vận, gần dân, đi đến nơi để triển khai công việc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc. Ông tâm niệm, làm bí thư Chi bộ, Tổ trưởng nếu “chỉ tay năm ngón” mà không đến tận nơi thì không thể thành công được. Thế nên ngoài việc tổ chức các cuộc họp ở thôn, ông Đại và các đảng viên trong chi bộ còn xuống từng hộ gia đình để hỏi ý kiến nhân dân trước khi triển khai việc của tổ. Ông bảo: “Trong cuộc họp chung, có những tâm tư, nguyện vọng không phải ai cũng có thể nói ra được. Bởi vậy, chúng tôi cử đảng viên xuống tận gia đình nắm bắt”.
Tổ dân phố Ba Chãng có đến 60% người dân tộc Dao sinh sống. Nhiều năm về trước, khi tổ chưa có nghĩa trang, không ít hộ người Dao khi có người qua đời chôn cất ngoài đồng, ruộng, sau nhà… Trước thực trạng đó, ông Đại đã xin ý kiến của xã, xã xin ý kiến của huyện quy hoạch khu đất xây nghĩa trang trong tổ. Với các mối quan hệ quen biết của gia đình, ông Đại đi từ trong Nam ra Bắc vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp gần 200 triệu đồng để xây dựng nghĩa trang, cây hương của nghĩa trang, trồng hoa trong khuôn viên nghĩa trang. Chi bộ giao cho Chi hội Người cao tuổi đứng ra trông coi Nghĩa trang của tổ. Từ đó, nhà nào khi có người qua đời đều được chôn cất trong khu vực nghĩa trang của tổ. Việc ma chay, chôn cất người qua đời từng bước được thực hiện theo nếp sống văn hóa mới.
Từng là Chủ tịch Công đoàn cơ sở của Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm cây nguyên liệu giấy Hàm Yên nên ông khá am hiểu về chính sách, pháp luật. Ông dành thời gian rà soát các trường hợp tàn tật, chăm sóc người tàn tật trong tổ rồi đề xuất với cấp trên để người dân được hưởng trợ cấp hàng tháng theo đúng quy định.
Ông Vũ Quang Đại kiểm tra một tuyến đường bê tông nông thôn vừa hoàn thành.
Từ khi làm bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Ba Chãng, ông Đại đã vận động nhân dân hoàn thành 2 km đường bê tông nông thôn, xã hội hóa xây dựng 12 lò đốt rác mi ni tại các cụm gia đình. Đặc biệt, ông vận động nhân dân xây dựng 8,2 km đèn đường chiếu sáng. Hiện nay, 100% các tuyến đường trong thôn đều đã có điện thắp sáng.
Bí quyết để ông Đại luôn dân vận hiệu quả, được nhân dân đồng thuận cao đó là các khoản thu, chi đều được chi bộ, tổ công khai, bàn bạc, hỏi ý kiến của nhân dân và có sản phẩm thật, được nhân dân nhìn thấy.
Đồng chí Phùng Văn Tài, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Yên cho biết: “Đồng chí Vũ Quang Đại, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố là người nói được, làm được. Khi lấy phiếu bầu Bí thư Chi bộ trong chi bộ và đưa ra dân bầu tổ trưởng tổ dân phố, đồng chí luôn được nhân dân tín nhiệm, ủng hộ với số phiếu rất cao. Đồng chí là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Bác Hồ luôn đặt lợi ích chính đáng của nhân dân làm phương châm hành động”.
Khi được hỏi, vừa làm bí thư Chi bộ vừa làm Tổ trưởng một tổ dân phố có số dân đông như Ba Chãng, có lúc nào ông thấy vất vả không khi tuổi đã cao? Ông Đại cười tươi: “Tôi không sợ vất vả, chỉ sợ không đủ sức khỏe để phục vụ nhân dân nữa”. Nhiều năm qua, ông Đại được nhận Bằng khen của tỉnh, huyện trong công tác dân vận. Tháng 5 vừa qua, ông Đại là cá nhân tiêu biểu được huyện khen thưởng có thành tích trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Gửi phản hồi
In bài viết