Gánh nặng mưu sinh
Sự khắc khổ, sương gió như hằn trên gương mặt, trên làn da rám nắng của bà Phạm Thị Hợp, thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) cùng những lo âu khi gánh hàng của mình chưa được bán hết. Gần 12 giờ trưa, thời tiết khắc nghiệt có thời điểm lên đến 39 - 40 độ C, hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường bê tông khiến người đi đường cảm thấy vô cùng nóng rát, khó chịu. Vậy nhưng bà Hợp vẫn ngồi lặng lẽ ở một góc vỉa hè trên phố Hồng Thái, thuộc tổ 1, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) với gánh hàng rong còn vài quả bí, ít nghệ tươi và mấy kg lạc. Gánh nặng mưu sinh trĩu nặng lên đôi vai khi bà không chỉ vất vả vì miếng cơm, manh áo cho bản thân mà phải kiếm sống lo cho đứa con bị tàn tật teo 1 bên chân, tay bẩm sinh và cháu trai 6 tuổi mồ côi bố. Bà Hợp kể, hơn chục năm gắn bó với gánh hàng rong, dù trời nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè cứ 3 -4 giờ sáng bà lại lóc cóc đôi quang gánh ra chợ đêm lấy hàng về bán. Hàng của bà cũng là những thứ rau quả theo mùa, mua xong bà lại gánh đi khắp nơi rao bán. Hôm nào mệt không đi chợ đêm mua được bà đành mua đầu chợ, bán cuối chợ chỉ mong lãi chút đồng để ăn trưa. Ngày nào bán hết hàng bà lãi chừng 100 đến 200 nghìn đồng, còn những ngày ế khách, những hôm trời mưa bà chẳng dư được đồng nào.
Bà Trần Thị Nghĩa, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) gắn bó với công việc bán xôi rong suốt 28 năm qua để lo cho các con ăn học.
Ít ai biết rằng, chị Đặng Thị Hà, thôn 3, xã Thái Bình (Yên Sơn) mang trong mình căn bệnh suy thận nhưng suốt 15 năm qua, chị luôn cố gắng lo chu toàn cho gia đình, lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Vì cuộc sống và căn bệnh đeo bám nên dù sức khỏe ngày một yếu dần nhưng chị vẫn mưu sinh với đôi quang gánh để có thêm thu nhập chi trả cho quá trình chữa bệnh. Dẫu vất vả nắng mưa và đôi vai nặng gánh kiếm sống nhưng lúc nào mọi người cũng thấy nụ cười trên gương mặt khắc khổ của chị. Chị Hà tâm sự, buôn gánh bán bưng cũng không dư giả bao nhiêu nên chị phải cố gắng bươn chải, tích cóp lo cho các con. Chị có 2 con gái, 1 cháu đã lập gia đình còn cháu nhỏ đang học lớp 8, nếu không bán hàng rong chị cũng không biết làm gì để kiếm tiền nuôi con ăn học và chữa bệnh. Có những hôm nắng nóng cực điểm, lại có bệnh trong người, chị lả đi, may mắn được mọi người đưa vào viện kịp thời nên sau khi khỏe chị lại “chai lỳ” tiếp tục đi bán hàng. Chồng chị hay uống rượu, từ ngày chị bị bệnh cũng không đoái hoài đến sức khỏe của chị, càng chẳng lo cho các con, nỗi trăn trở làm sao để có tiền nuôi bản thân và các con vì thế luôn là gánh nặng khiến chị chẳng còn cách nào khác ngoài gắng gượng bám đường mưu sinh.
Thời tiết oi bức, nắng như đổ lửa có khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C khiến ai cũng ngại ra đường. Thế nhưng, những người bán hàng rong vẫn cần mẫn dưới nền nhiệt như muốn nung chảy mọi thứ để kiếm thu nhập.
Gánh hàng rong của bà Nguyễn Thị Xuân, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) giúp các con học tập đến nơi, đến chốn.
Đã ở tuổi 66 nhưng mỗi ngày khi trời chưa hửng sáng, bà Nguyễn Thị Xuân ở thị trấn Yên Sơn đã quảy đôi quang gánh chất đầy các loại: rau, quả của nhà trồng được và lấy thêm hàng ở chợ đầu mối đi bán. Len lỏi khắp các con đường để bán hàng, dù nón, khẩu trang che kín, đeo tất tay tất chân nhưng gương mặt bà Xuân luôn ửng đỏ, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Những hôm trời nắng gắt, đôi quang gánh trên vai bà như nặng hơn. Có tuổi rồi nên sức khỏe chẳng được như xưa, đi được một đoạn bà lại phải dừng ở nơi có bóng mát ngồi nghỉ, bớt mệt mới lại đi bán tiếp. Nhiều khi bà cũng đành bất chấp cái nắng như “đổ lửa” gánh đồ đi bán rong khắp nơi để mong sớm bán hết hàng, bởi nếu không bán hết thì với thời tiết này rau quả rất dễ hỏng, héo. Có lần đang đi bán giữa thời tiết nắng nóng, bà bị sốc nhiệt, cảm nắng, nhưng vì ông bà không có lương hưu, các con cũng chẳng dư giả nên ở tuổi này bà vẫn phải cố gắng kiếm được đồng nào hay đồng nấy. Bà bảo, nắng nóng không đáng sợ bằng cái đói, cái nghèo
Những ước mơ bình dị
Vì miếng cơm manh áo và cả tương lai của các con, nhiều phụ nữ phải gồng mình với đôi quang gánh rong ruổi khắp các nẻo đường. Đồ nghề của họ cũng đơn giản, hàng hóa chất lên đôi quang gánh, xe đẩy khi là rau củ, bánh trái, khi là quả mít, đu đủ chín của nhà... cùng chiếc cân và những chiếc túi nilong đựng hàng cho khách.
Nhà xa nên bà Phạm Thị Hợp, thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) phải thuê trọ ở thành phố để tiện buôn bán. Thế nhưng, với số tiền ít ỏi kiếm được lại phải lo cho gia đình nên bà chỉ dám thuê căn phòng trọ tạm bợ để ở. Vào mùa hè, nhất là thời điểm buổi trưa bà không thể nghỉ trong phòng. Từ giường chiếu cho đến tường nhà, sờ đâu cũng thấy nóng nên bà thường nghỉ trưa tại sảnh chờ của Bệnh viện rồi chiều lại đi bán. Tất cả đều trông chờ vào đôi quang gánh của bà, từ tiền đóng học phí cho cháu đến mọi sinh hoạt chi tiêu hàng ngày. Ở tuổi 64 nhưng khuôn mặt gầy guộc, mái tóc cùng làn da cháy nắng cũng nói lên sự vất vả bà trải qua. Với số tiền ít ỏi kiếm được, nhiều khi bà chỉ dám ăn một bữa cơm trưa với bát canh và vài miếng đậu phụ. Cứ vài hôm có tiền bà lại về nhà một lần để lo cho con và cháu trai rồi lại đi bán tiếp. Bà bảo, bán hàng rong ngoài đường ngày nào cũng nơm nớp lo lực lượng chức năng “đuổi” vì lấn chiếm vỉa hè nhưng không có công ăn việc làm, lại chẳng có vốn mở cửa hàng nên bà đành bươn trải với nghề này. Cứ nghĩ đến con có tiền mua thuốc, cháu có tiền đi học, có thêm chiếc áo mới, vất vả đến đâu bà cũng chịu được. Nhiều khi bà chỉ mong cuộc sống đỡ cực 1 chút để được gần con, gần cháu lo cho chúng chứ không phải tất tả mưu sinh xa nhà như này.
Bà Lương Thị Phương, ở phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) chọn gánh hàng rong để có thêm thu nhập.
Ai chẳng muốn có cuộc sống đủ đầy, nhưng vì hoàn cảnh nên khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ thì bà Nguyễn Thị Minh, phường An Tường (TP Tuyên Quang) đã cặm cụi đẩy chiếc xe hàng ra khỏi nhà tới chợ đêm lấy hàng. Những ngày nắng như đổ lửa, đôi chân bà càng trĩu nặng với chiếc xe chở hàng trăm món đồ từ bàn chải, khăn mặt, đồ chơi trẻ em đến đồ ăn như một quầy tạp hóa di động đi bán khắp nơi trên thành phố. Bà tâm sự, trước đây kinh tế gia đình cũng tạm ổn nhưng từ khi chồng bà mắc bệnh thì mọi gánh nặng đều dồn lên vai bà. Đã có lần bà định nghỉ bán nhưng rồi nghĩ lại, bà mà nghỉ ai sẽ nuôi con, lo cho chồng. Nên dù mệt mỏi, thậm chí có hôm ốm bệnh bà vẫn phải gắng đi bán.
Hoàn cảnh khó khăn nên bà Minh luôn trân quý từng đồng tiền kiếm được. Buổi sáng bà ăn cơm ở nhà với phần thức ăn còn từ hôm trước, buổi trưa khi thì bà ăn tạm cái bánh, khi thì gói xôi cho qua bữa. Tối đến khoảng 7 giờ bà lại tranh thủ đẩy xe với vài món đồ chơi, đồ ăn vặt bán tại Quảng trường hay dọc tuyến phố đi bộ để kiếm thêm. Ước muốn của bà chỉ đơn giản là bán hết được gánh hàng hay được quây quần bên mâm cơm gia đình không phải lo nghĩ về cơm áo gạo tiền. Thế nhưng, chỉ khi mọi người đi chơi về hết hoặc hôm nào may mắn bán hết hàng sớm bà mới có thời gian dành cho gia đình. Đôi khi bà chỉ biết tự an ủi bản thân rằng, “Những người bán hàng rong như bà kể ra cũng vui, được đi đây đi đó khắp các ngõ ngách vậy là vui rồi”.
Những người bán hàng rong chủ yếu là phụ nữ từ 40 - 65 tuổi, mỗi người mỗi quê, mỗi người mỗi cảnh. Vì nghèo, nên họ chọn cái nghề không cần nhiều vốn mà chỉ cần sự tảo tần, chịu thương chịu khó. Hàng ngày bên gánh hàng nhọc nhằn, mỗi bước chân của họ chứa đựng cả tình yêu thương dành cho chồng, cho con. Có bao nhiêu gánh hàng rong là bấy nhiêu mơ ước hay đơn giản họ chỉ mong có chút tiền lãi sống tiếp cho ngày mai.
Gửi phản hồi
In bài viết