Những nội dung lớn trong Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 29/2022/UBTVQH15 ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy chế này quy định nguyên tắc, chế độ, hình thức làm việc, quan hệ công tác, quy trình, trách nhiệm giải quyết công việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13/12/2022 tại Nhà Quốc hội. (Ảnh: Duy Linh)

Hình thức làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định bằng văn bản; hội nghị, cuộc họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức; đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Quy chế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành. Hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân theo Hiến pháp và pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng chương trình công tác để chủ động giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Quy chế này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động xử lý công việc theo phạm vi, lĩnh vực được phân công và theo quy chế này; bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong xử lý công việc và chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chịu trách nhiệm cá nhân trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công.

Hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được bảo đảm công khai, minh bạch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội, quy chế nêu rõ: Chủ tịch Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 64 của Luật Tổ chức Quốc hội và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; triệu tập, chủ tọa phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ tọa Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức; chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội triệu tập, chủ tọa hội nghị, cuộc họp với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về chương trình, nội dung công việc của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham dự phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cuộc họp của Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo việc chuẩn bị nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ký pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ mối quan hệ công tác với Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Bầu cử quốc gia, đại biểu Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân; yêu cầu đại diện các cơ quan, tổ chức và công dân tham gia hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cần thiết...

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2023. Nghị quyết số 1075/2015/UBTVQH13 ngày 11/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết số 29/2022/UBTVQH15 có hiệu lực thi hành.

Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch Quốc hội gồm: Giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội; thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những nhiệm vụ được phân công; thay mặt Chủ tịch Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khi được Chủ tịch Quốc hội ủy nhiệm; ngoài ra, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, xử lý công việc trong phạm vi trách nhiệm được phân công, trường hợp phát sinh những vấn đề lớn, quan trọng thì kịp thời báo cáo Chủ tịch Quốc hội...

Quy chế nêu rõ: Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm phiên họp thường kỳ; phiên họp chuyên đề; phiên họp bất thường; phiên họp khác. Phiên họp thường kỳ được bắt đầu vào ngày 10 hằng tháng; trường hợp ngày 10 của tháng trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày bắt đầu phiên họp là ngày làm việc kế tiếp. Trường hợp bắt đầu phiên họp vào thời gian khác do Chủ tịch Quốc hội quyết định.

Nghị quyết số 29/2022/UBTVQH15 nêu: Phiên họp chuyên đề, phiên họp khác được tổ chức theo quyết định của Chủ tịch Quốc hội hoặc khi có đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian bắt đầu phiên họp do Chủ tịch Quốc hội quyết định.

Phiên họp bất thường là phiên họp ngoài các phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề, phiên họp khác, do Chủ tịch Quốc hội quyết định triệu tập để giải quyết các công việc cấp bách, cần thiết thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp công khai. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức họp kín theo quyết định của Chủ tịch Quốc hội.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục