Nỗ lực giữ diện tích cam ở Hàm Yên

- Cuối năm 2022, qua rà soát, diện tích cam sinh trưởng, phát triển bình thường trên địa bàn huyện Hàm Yên chỉ còn trên 4,5 nghìn ha. Từ hơn 8 nghìn ha năm 2021, diện tích cam liên tục sụt giảm trong những năm gần đây đòi hỏi huyện gấp rút có những giải pháp để duy trì chất lượng và thương hiệu Cam sành Hàm Yên.

Diện tích giảm mạnh

Gia đình bà Hoàng Thị Sáu, thôn Đồng Moóng, xã Nhân Mục trồng gần 100 gốc cam sau nhiều năm loay hoay không biết nên lựa chọn cây trồng gì phù hợp cho mảnh vườn tạp. Năm 2017, gia đình bà quyết định lựa chọn cây cam để trồng, với mong muốn có thêm một nguồn thu nhập nhất định. Tuy nhiên, sau 3 năm chăm sóc, vườn cam cũng chỉ cho thu khoảng 3 vụ sau đó thì mắc bệnh vàng lá rồi chết dần.

Vườn cam của gia đình bà Hoàng Thị Sáu không phải vườn cam duy nhất của Hàm Yên mắc bệnh vàng lá rồi chết. Qua rà soát của huyện Hàm Yên cuối năm 2022, diện tích cam trên địa bàn huyện hiện còn trên 6,3 nghìn ha. Trong số này, có khoảng 4,5 nghìn ha sinh trưởng, phát triển bình thường, 817 ha bị nhiễm bệnh vàng lá trên 70% diện tích tán lá, không có khả năng phục hồi; hơn 606 ha nhiễm bệnh từ 30-70% và trên 363 ha nhiễm bệnh dưới 30%.

Vườn cây giống của Trung tâm cây ăn quả Hàm Yên cung cấp cây giống chất lượng sạch bệnh cho người dân.

Nhiều địa phương, diện tích cam chết, cam nhiễm bệnh cao như Phù Lưu, Tân Thành, Yên Thuận, thị trấn Tân Yên… Vốn được mệnh danh là thủ phủ cam của huyện với diện tích hơn 2.000 ha, giờ diện tích cam của xã Phù Lưu đã giảm hơn một nửa.

Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Ma Văn Huy cho biết, sâu bệnh, thời tiết bất lợi và giá bán thất thường là những nguyên nhân chính khiến cho diện tích cây trồng này trên địa bàn xã sụt giảm mạnh trong những năm gần đây. Thêm vào đó, cây cam ở Phù Lưu chủ yếu được trồng từ cách đây 20, 25 năm, già cỗi và đã đến chu kỳ thay thế cũng là lý do khiến diện tích cam ở địa phương này không còn giữ được thời hoàng kim như những năm trước đây.

Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cam vàng lá, chết. Sau thời gian dịch bệnh Covid-19, giá bán cam giảm khiến nguồn thu của người trồng cam không đủ bù chi, việc đầu tư chăm sóc có phần giảm sút so với trước khiến cây cam không đủ dinh dưỡng để nuôi cây. Thêm vào đó, thời tiết 2-3 năm trở lại đây diễn biến phức tạp, theo ông Hùng, chỉ sau trận mưa lớn và kéo dài thời điểm tháng 4-2022, diện tích cam chết qua rà soát khoảng hơn 2 nghìn ha. Đặc biệt, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cam chết ở Hàm Yên là nấm bệnh, virút. Trong đó, vi khuẩn Greening, virút Tristeza gây suy tàn rất nhanh ở cây cam, khiến cây sau khi nhiễm virút không có khả năng hồi phục.

Những cây cam sành bố mẹ được bảo tồn nguồn gen tại Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên.

Nỗ lực giữ thương hiệu

Cây cam vẫn được đánh giá là cây trồng chủ lực của huyện Hàm Yên. Để nỗ lực giữ vững thương hiệu, địa phương này đang tập trung các giải pháp để duy trì diện tích hiện có và phục hồi những diện tích nhiễm bệnh nhẹ.

Trồng, chăm sóc cam theo tiêu chuẩn hữu cơ đang được người trồng cam ở Hàm Yên nhân rộng sau nhiều năm đối diện với bài toán được mùa mất giá, mất mùa được giá và nguy cơ cam nhiễm bệnh ngày càng nhiều như hiện nay.

Gia đình ông Hoàng Biên, ở thị trấn Tân Yên đã chuyển đổi vườn cam 2,4 ha sang chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam từ năm 2018. Vụ cam 2022-2023, ông thu trên 15 tấn quả (tăng 5 tấn so với năm 2021), trừ mọi chi phí lãi 150 triệu đồng. Vườn đủ dinh dưỡng, cây phát triển khỏe mạnh và năng suất, chất lượng đều tăng dần qua từng năm là điều mà ông Biên nhận được sau khi chuyển đổi phương thức canh tác sang tiêu chuẩn này.

Hàm Yên có 4 nhóm hộ sản xuất cam hữu cơ, với diện tích cam chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam là 22,6ha/15 hộ tham gia tại các xã Bằng Cốc, Tân Thành, Nhân Mục và thị trấn Tân Yên.

 Cuối tháng 3-2023, nhiều vườn cam ở Yên Lâm vẫn chưa có thương lái đến thu mua.

Theo Trung tâm Cây ăn quả huyện, từ năm 2021 đến nay, khi diện tích cam trên địa bàn huyện bắt đầu chết và giảm dần, đơn vị đã làm việc với nhiều cơ quan chuyên môn như Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Tân Trào, Viện Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT)… khảo sát, đánh giá mức độ nhiễm bệnh của cây cam. Đồng thời, phối hợp thực hiện nhiều đề tài, dự án như trồng cỏ Vetiver khử độc trong đất, quy trình chăm sóc trồng cam hữu cơ, quy trình chăm sóc sản xuất cam chất lượng… Đánh giá của ông Phạm Quốc Hùng, các dự án, đề tài này hiện đang cho kết quả khả quan. Đơn vị đang đề xuất với các đơn vị phối hợp để chuyển giao quy trình chăm sóc, thực hiện, mở rộng quy mô thực hiện trong năm nay và những năm tiếp theo.

Đối với những diện tích đã chết hoặc nhiễm bệnh trên 70%, Trung tâm Cây ăn quả khuyến khích nhân dân chặt bỏ càng sớm càng tốt để xử lý đất, nấm bệnh và có thể tái canh sau vài ba năm. Những diện tích cam chết do già cỗi, có thể chuyển sang trồng các loại cây trồng khác để thay đổi chu kỳ canh tác trên đất, loại bỏ hoàn toàn nấm bệnh, vi khuẩn.

Cùng với đó, Trung tâm cây ăn quả huyện thực hiện lựa chọn, bảo tồn cây giống bố mẹ chất lượng, bảo tồn nguồn gen và cung cấp nguồn cây giống sạch bệnh cho người trồng cam trên địa bàn huyện.

Nỗ lực giữ chất lượng, thương hiệu, từng bước thay thế diện tích cam già cỗi bằng những nguồn cây giống chất lượng là những gì mà Hàm Yên đang tập trung thực hiện. Về lâu dài, huyện sẽ tập trung quy hoạch lại vùng trồng cam, đảm bảo diện tích phù hợp và ưu tiên về chất lượng.

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục