Nỗi lo thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học

- Từ năm học 2022-2023 chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên khó khăn hiện nay đó là hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tại một số trường học trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được theo quy định. Điều này đã gây khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của các nhà trường.

 

Trong những năm học vừa qua, thầy và trò trường THPT Sông Lô (TP Tuyên Quang) đã có nhiều nỗ lực để dạy tốt, học tốt, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Tuy nhiên khó khăn hiện nay trường đang gặp phải đó là hệ thống cơ sở vật chất, thiếu nhiều phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ xây dựng từ năm 1978 đến nay xuống cấp nghiêm trọng không đảm bảo an toàn sử dụng, thư viện không đảm bảo tiêu chuẩn, trang thiết bị dạy học lớp 10 chưa về...

Nhà Hiệu bộ của trường THPT Sông Lô (TP Tuyên Quang) xuống cấp đang đề nghị đầu tư xây dựng mới.

Cô giáo Hoàng Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã có lúc phải chia 2 ca sáng và chiều để dạy học. Khắc phục thiếu thiết bị thí nghiệm thực hành, giáo viên đã sử dụng minh họa qua các video và ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong dạy học. Tuy nhiên đó là giải pháp tình thế, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, con em mình chính là những người bị ảnh hưởng. Nhà trường mong muốn sớm được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.

Tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Chiêm Hóa, hệ thống phòng máy vi tính được trang cấp từ những năm 2007, 2008 nhiều máy đã không sử dụng được, chỉ còn 7 máy đang sử dụng nhưng phải thường xuyên cập nhật lại phần mềm. Bên cạnh đó, trường mới thành lập từ năm 2021 song cơ sở vật chất chủ yếu từ Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS cũ nên còn thiếu nhiều trang thiết bị, nhất là bậc THPT. Cô giáo Tô Thị Tấm, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường cố gắng sử dụng linh hoạt những thiết bị đã được trang cấp. Trong đó, có cả phương án huy động máy tính của các thầy cô để dạy học, tuy nhiên đối với bậc phổ thông nhiều thiết bị mới, nhất là thực hành thí nghiệm thì không thể bố trí được. 

Tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở giáo dục hiện nay đang là vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học trên địa bàn. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa trên địa bàn tỉnh hiện nay còn thấp. Toàn tỉnh cần đầu tư thay thế hơn 300 phòng học tạm, mượn ở cấp mầm non, tiểu học, THCS. Bên cạnh đó, số phòng học bộ môn, phòng chức năng còn thiếu nhiều so với mức tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong đó, bậc mầm non thiếu 61 phòng, bậc tiểu học thiếu 480 phòng, bậc THCS thiếu 764 phòng, bậc THPT thiếu 160 phòng; số thiết bị phòng Tin học cần bố trí ngay để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông là 177 phòng...

Giáo viên trường Mầm non Bình An (Lâm Bình) trang trí lớp học, làm đồ dùng tự tạo để nâng cao chất lượng dạy trẻ.

Trước thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố cân đối, bố trí vốn ngân sách tỉnh, huyện thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt để đầu tư mua sắm thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mua sắm trang thiết bị phòng học Tin học cho các trường. Đồng thời ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc mở rộng trường, điểm trường, phát triển trường ngoài công lập để đảm bảo cho việc phát triển giáo dục ổn định, lâu dài; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018...

Với mỗi bậc học, để nâng cao chất lượng giáo dục thì đội ngũ cán bộ, giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, cùng với đó thì hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị... là yếu tố quan trọng để tạo động lực thúc đẩy giáo dục phát triển. Việc dạy học phải gắn với các thiết bị, đồ dùng, học sinh được “tai nghe, mắt thấy”, như vậy chất lượng giáo dục mới được nâng lên. Do vậy, việc sớm quan tâm, đầu tư, huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị... đáp ứng theo yêu cầu sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục