OPEC+ duy trì mức tăng sản lượng trước triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tăng trở lại.
Quyết định duy trì mức tăng sản lượng dầu mỏ thêm 841.000 thùng/ngày vào tháng 7 tới được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến kéo dài chưa đầy 30 phút, đánh dấu một trong những cuộc họp ngắn nhất trong lịch sử của OPEC+. Đây là bước đi tiếp theo sau khi các nước sản xuất dầu mỏ cân nhắc những dự báo về khả năng phục hồi lượng cầu trên toàn thế giới. Ngay từ tháng 4-2021, OPEC+ đã nhất trí tăng trở lại mức sản lượng 2,1 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 do dự báo nhu cầu tiêu thụ tăng, bất chấp dịch Covid-19 đang hoành hành tại nhiều nơi.
Niềm tin đang được củng cố khi chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đã ghi nhận tín hiệu tốt với khoảng 1,8 tỷ liều được tiêm trên khắp thế giới. Đồng thời, sự phục hồi ở Mỹ, châu Âu và châu Á với việc dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch bệnh dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng cao hơn trong nửa cuối năm nay. Các chuyên gia của OPEC+ dự báo, nhu cầu về dầu mỏ sẽ tăng khoảng 6 triệu thùng/ngày trong năm 2021, trong bối cảnh thế giới dần phục hồi sau những ảnh hưởng toàn diện của đại dịch Covid-19.
OPEC+ đã dành hơn 1 năm để cứu giá dầu khỏi mức thấp nhất lịch sử hồi tháng 4-2020 và rất thận trọng trong việc bổ sung nguồn cung do sự sụt giảm kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu thấp trên phạm vi toàn cầu, dẫn đến tình trạng dư thừa trên thị trường. Giờ đây, xu hướng đã đảo chiều do nhu cầu dầu mỏ tăng cao trong bối cảnh các nền kinh tế phục hồi. Giá dầu thế giới đã trên đà tăng trở lại và đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm vào ngày 1-6 vừa qua. Giá dầu Brent được giao dịch ở mức 71,17 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) đứng ở mức 68,65 USD/thùng.
Sau tháng 7, OPEC+ dự kiến duy trì ổn định sản lượng cho đến tháng 4 năm sau, theo thỏa thuận đã ký 1 năm trước. Tuy nhiên, thỏa thuận này nhiều khả năng sẽ cần được thương lượng lại khi nhu cầu tiếp tục phục hồi. Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết, nếu OPEC cùng các đối tác không thay đổi các chính sách và thúc đẩy sản lượng vào cuối năm nay, giá dầu sẽ phải đối mặt với áp lực tăng thêm do khoảng cách giữa cung và cầu ngày càng được nới rộng.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của OPEC+ cũng phải cân nhắc những biến số tác động tới thị trường, trong đó sự bùng phát và các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 luôn tiềm ẩn rủi ro cho kinh tế các nước. Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo khẳng định, Covid-19 là một kẻ thù dai dẳng và vẫn là một mối đe dọa. Song song, Iran đang thảo luận với các cường quốc thế giới để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Các nhà phân tích cho rằng, nếu Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt, Iran có thể tăng sản lượng dầu thô lên 4 triệu thùng/ngày trong năm tới, dẫn đến nguồn cung dầu cao hơn.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nhận định, bức tranh về nhu cầu dầu mỏ đã có dấu hiệu cải thiện rõ ràng trong thời gian qua. Những diễn biến gần đây của thị trường đã chứng minh thỏa thuận tăng dần sản lượng dầu mỏ được thực hiện từ tháng 4 và tái khẳng định hôm 1-6 vừa qua là quyết định đúng đắn. Trước những biến động liên tục của thị trường, OPEC+ dự kiến sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 1-7 tới.
Gửi phản hồi
In bài viết