Phân tích, làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công

Sáng 20/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025 (Ảnh: TRẦN HẢI).

Đồng chủ trì có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc, Lê Thành Long, Nguyễn Chí Dũng, Bùi Thanh Sơn và Mai Văn Chính. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Hội nghị được truyền trực tuyến tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong những ngày tháng 4, tháng 5 lịch sử với tinh thần thần tốc, táo bạo hơn nữa. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư công không thần tốc, mà lại ì ạch. Do đó, Thường trực Chính phủ triệu tập hội nghị toàn quốc để phân tích những gì đã làm tốt trong đầu tư công.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; thúc đẩy động lực tăng trưởng mới gồm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, động lực liên quan kinh tế tư nhân. Trong lúc thúc đẩy động lực tăng trưởng mới thì mới đang bắt đầu, chưa có kết quả, phải có thời gian, có độ trễ thì phải nỗ lực, thúc đẩy, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống.

Phân tích, làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công ảnh 1

Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: THANH GIANG).

Tuy nhiên, hiện nay khó khăn về tiêu dùng sau đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng; vấn đề liên quan bão lũ, thiên tai, biến đổi khí hậu, bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, thách thức khách quan và chủ quan. Trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi cho nên rất dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bên ngoài, gặp nhiều khó khăn khi tình hình thế giới biến động, chúng ta chưa kích hoạt được tiêu dùng như ý muốn.

Trong khi đó động lực xuất khẩu gặp nhiều khó khăn vì nhiều lý do như hậu quả dịch bệnh, chiến tranh, xung đột, căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại… Vì vậy, chúng ta phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng nhưng chưa cũng chưa thể chiếm lĩnh nhanh thị trường được. Hiện nay, nhiều khu vực, nhiều nước trên thế giới đã hạ mức tăng trưởng kinh tế do tác động bởi thị trường xuất khẩu.

Phân tích, làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).

Do đó, trong các động lực tăng trưởng truyền thống, chúng ta chỉ trông chờ vào động lực tăng trưởng đầu tư, gồm đầu tư công, đầu tư FDI, đầu tư tư nhân... Đầu tư công được xác định dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển; nhưng đầu tàu mà chậm chạp thì không thể dẫn dắt, không thể kích hoạt các nguồn vốn khác. Thủ tướng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền cần suy nghĩ xem phải làm gì? Phải rà soát thể chế còn vướng mắc gì thì tiếp tục đề xuất sửa đổi, ví dụ nghiên cứu sửa đổi các luật liên quan đến ngân sách, đấu thầu. Tìm hiểu vì sao các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lại giải ngân và triển khai nhanh các công trình?

Phân tích, làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công ảnh 3

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thống kê những bộ, ngành, địa phương nào giải ngân chậm thì phải đánh giá lại cán bộ. Nhưng chúng ta đã đánh giá chưa? Nếu chưa thì phải quyết liệt làm. Trong bối cảnh hiện nay, theo Thủ tướng, đầu tư công là “vấn đề chúng ta chủ động được mà ì ạch thì cái gì có thể chủ động được”?

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hằng tháng đều tổ chức các hội nghị, cuộc họp liên quan vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tích cực ban hành các Chỉ thị, Công điện để chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công…, vậy mà vấn đề này vẫn vướng, vẫn chậm; do vậy phải mổ xẻ, phân tích, những bộ, ngành nào làm tốt thì khen thưởng, bộ, ngành nào làm không tốt thì phải xử lý kỷ luật.

Phân tích, làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công ảnh 4

Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng cho biết, kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm là hơn 128,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 18 nghìn tỷ so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, có gần 8 nghìn tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết; kết quả giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2025 đạt 15,56%, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%), trong đó có 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước.

Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ vấn đề này khi đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta liên tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mà vẫn giải ngân chậm; phải tìm nguyên nhân, bắt đúng bệnh, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn là gì? Trách nhiệm của các bộ, ngành đến đâu? Tại sao cùng một điều kiện, chính sách mà có nơi làm tốt, có nơi không tốt? Nguyên nhân chính là đâu, liệu có phải do người đứng đầu không?

Phân tích, làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công ảnh 5

Đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước tham dự hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).

Từ đó chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm gì trong lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn, trong tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu. Phải có nguyên tắc đo lường thường xuyên để nhắc nhở; các tổ công tác của Chính phủ vừa phải đi nắm tình hình, vừa phải đi lãnh đạo, chỉ đạo. Phải bắt mạch đúng để có giải pháp phù hợp; nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương phải cao hơn nữa, tích cực hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước, công việc, không để tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Thủ tướng yêu cầu phải phân tích kỹ, liệu có phải vướng mắc do thể chế không? Thể chế là do chúng ta, vì vậy phải tích cực tháo gỡ.

Phân tích, làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công ảnh 6

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; các bộ, ngành Trung ương không nên sa vào những việc cụ thể.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phát biểu thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề, rút kinh nghiệm, phải “bốc thuốc, chữa bệnh”, các cấp từ Trung ương tới địa phương phải quyết liệt vào cuộc, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo; phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”. Thủ tướng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải chủ động trong thúc đẩy đầu tư.

*Theo Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm, nhờ có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát,... Tuy nhiên, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.

Về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025: tổng số vốn năm 2025 được Quốc hội quyết nghị là 829.365,421 tỷ đồng, trong đó: đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương 825.922,269 tỷ đồng; chưa phân bổ 3.443,152 tỷ đồng vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Căn cứ quy định Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao 100% kế hoạch vốn năm 2025 đã được Quốc hội phân bổ.

Đến ngày 30/4/2025, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2025 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 817.968,261 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 342.881,257 tỷ đồng, đạt 97,9%; vốn ngân sách địa phương là 475.087,005 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chưa thực hiện phân bổ 7.954,008 tỷ đồng của 17 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương (7.313,712 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, 949,372 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương của 3 địa phương).

Tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025: ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4/2025 là 128,5 nghìn tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2024 giải ngân 110,5 nghìn tỷ đồng, đạt 16,64%. Như vậy, về giá trị tuyệt đối, năm 2025 giải ngân cao hơn cùng kỳ năm 2024 khoảng 18 nghìn tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao thì thấp hơn.

Giải ngân vốn ngân sách trung ương đạt khoảng 46.694 tỷ đồng, đạt 13,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,79%); giải ngân vốn ngân sách địa phương khoảng 81.818,9 tỷ đồng, đạt 17,20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (16,56%). Giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là 4.707,3 tỷ đồng (đạt 21,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). So với kết quả giải ngân 3 tháng đầu năm, đến hết tháng 4, tiến độ giải ngân đã bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm 2024.

Kết quả, trong 4 tháng năm 2025, có 10 Bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 20%. Tuy nhiên, còn một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục