Mặt trời không phải ngôi sao nóng nhất trong vũ trụ. Ảnh: AFP
Theo Wionews, nhóm các nhà khoa học, dẫn đầu bởi các nhà thiên văn học từ Trung tâm Vật lý Thiên văn Vô tuyến Quốc gia Ấn Độ (NCRA) có trụ sở tại Pune, đã phát hiện ra loại sao vô tuyến hiếm gặp nóng hơn cả Mặt trời (hay còn được gọi tắt là MRP) với từ trường và gió sao mạnh bất thường. Các nhà thiên văn học có trụ sở tại Pune đã phát hiện ra các ngôi sao bằng cách sử dụng Kính viễn vọng Vô tuyến Metrewave Khổng lồ (GMRT) đặt gần Pune, Ấn Độ.
Trong một thông cáo báo chí, NCRA cho biết nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện thêm ba ngôi sao như vậy trong quá khứ bằng cách sử dụng GMRT. Như vậy, trong tổng số 15 MRP được biết đến cho đến nay, có 11 ngôi sao đã được phát hiện bằng kính viễn vọng GMRT, trong đó có 8 MRP được phát hiện chỉ trong năm 2021, thông cáo cho biết.
"Những khám phá này là thành quả của một cuộc khảo sát bằng kính viễn vọng GMRT. Đây là cuộc khảo sát đặc biệt với mục đích giải đáp bí ẩn về những ngôi sao MRP" - theo thông cáo báo chí của NCRA.
Sự thành công của chương trình GMRT đã tạo ra một cuộc cách mạng trong quan niệm về loại sao này và đã mở ra một cơ hội mới để nghiên cứu các ngôi sao và từ trường kỳ lạ của chúng, NCRA cho biết.
MRP là những ngôi sao nóng hơn Mặt trời với từ trường mạnh và gió sao mạnh bất thường. Do đó, chúng phát ra các xung vô tuyến sáng giống như một ngọn hải đăng. Mặc dù MRP đầu tiên được phát hiện vào năm 2000, số lượng các ngôi sao như vậy được biết đến đã tăng lên nhiều lần trong những năm gần đây với sự nâng cấp của GMRT, với 11 trong số 15 ngôi sao được phát hiện bằng cách sử dụng kính thiên văn công nghệ cao này, theo NCRA.
Sự thành công của cuộc khảo sát với kính thiên văn GMRT cho thấy quan điểm hiện tại rằng những ngôi sao MRP là sao hiếm có thể không đúng. Thay vào đó, chúng có lẽ phổ biến hơn, nhưng rất khó phát hiện.
Gửi phản hồi
In bài viết