![]() |
Tuy nhiên, trong dòng chảy của xã hội hiện đại, văn hóa bản địa đang đối mặt với không ít tổn thương và thách thức. Nghệ nhân giàu tri thức dân gian đang dần vắng bóng. Không ít di sản văn hóa quý, nghệ thuật diễn xướng, nhạc cụ truyền thống, tri thức bản địa mất đi giá trị trong đời sống đương đại.
Các phong tục, tập quán tốt đẹp, lễ hội, tín ngưỡng, nếp sống, trang phục dân tộc đang bị tác động, biến dạng, thu hẹp không gian tồn tại. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết, bảo tồn bản sắc văn hóa không chỉ dừng lại ở gìn giữ mà cần được nuôi dưỡng, tiếp sức để phát huy và lan tỏa giá trị trong đời sống hôm nay. Đáng ghi nhận, nhiều cộng đồng đã chủ động bảo tồn và quảng bá văn hóa dân tộc bằng cách ứng dụng, chọn lọc các yếu tố đặc trưng trong ẩm thực, ngành nghề truyền thống… như những lợi thế để khai thác, từ đó hình thành các sản phẩm văn hóa mang dấu ấn riêng.
Bản sắc văn hóa dân tộc còn được chuyển hóa, cách tân sáng tạo trong âm nhạc, điện ảnh, thời trang, du lịch... góp phần giới thiệu và lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Nhiều dự án nghệ thuật mang sắc màu dân tộc thiểu số, các hoạt động du lịch gắn với đời sống người dân bản địa cùng những sáng kiến cộng đồng đã và đang góp phần vào việc bảo tồn, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa các tộc người.
Đáng mừng hơn, nhận thức của nhiều cộng đồng dân cư đã thay đổi tích cực, từ tuyên truyền, vận động sang tự bảo tồn như một nhu cầu tự thân. Nền văn hóa lâu đời được chính cộng đồng, chủ thể sở hữu nuôi dưỡng bằng sự vun đắp, sáng tạo khiến văn hóa bản địa không chỉ giữ được tinh thần cốt lõi mà còn phù hợp xu thế và tiếp tục hiện diện trong cuộc sống hôm nay.
Trước làn sóng toàn cầu và đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, nguy cơ “đồng phục” các giá trị văn hóa ngày càng rõ nét. Vì thế, khi được gìn giữ và phát triển ngay trong đời sống cộng đồng cư dân, bản sắc văn hóa không còn là điểm nhấn mang màu sắc phụ họa mà thật sự là tài nguyên và động lực tăng trưởng. Dĩ nhiên, quá trình bảo tồn và phát triển luôn nảy sinh mâu thuẫn, xung đột giữa yếu tố cũ và mới. Do đó, nhiệm vụ bảo tồn bản sắc văn hóa không bó hẹp ở sao chép nguyên hiện trạng hay níu kéo, lấy quá khứ làm thước đo mà rất cần những tư duy cởi mở, nhìn nhận bảo tồn là quá trình sống động, gắn liền với sự vận động và tiếp biến.
Văn hóa là dòng chảy không ngừng, vì vậy cần tạo những không gian phát triển mới cho văn hóa chuyển mình, thích ứng để có một sức sống dồi dào, mạnh mẽ. Sự kết nối hài hòa giữa dòng văn hóa chủ lưu-văn hóa Việt Nam với những sắc thái riêng của các dân tộc thiểu số tạo nên sức mạnh tổng hợp, nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các cộng đồng. Đó cũng là lợi thế để chúng ta đạt được những thành tựu văn hóa mới, khẳng định bản sắc và trở thành chỉ dấu nhận diện văn hóa quốc gia.
Tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là trách nhiệm bảo vệ, lưu giữ mà còn là phương thức chuyển hóa tài nguyên thành nguồn lực phát triển, đóng góp thiết thực trong xây dựng môi trường và đời sống văn hóa tiến bộ. Khi văn hóa trở thành chất liệu tự nhiên, động lực nội sinh trong mỗi cộng đồng và cá nhân, nền tảng văn hóa bám rễ sâu chặt từ cội nguồn sẽ là nhân tố dẫn dắt tiến trình đổi mới một cách bền vững; quá trình hiện đại hóa không những không làm phai nhạt bản sắc mà trở thành bối cảnh làm nổi bật các giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết