Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh, từ khi ra đời đến đến nay, nền báo chí cách mạng đã và đang thực hiện sứ mệnh cao cả, là công cụ, vũ khí chính trị, tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn dân chủ, công khai của quần chúng nhân dân. Trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí, nhà báo cách mạng tiên phong thực hiện vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội, tạo nên thương hiệu báo chí trong lòng công chúng.
Nhà báo Mai Đức Thông, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh tham gia thảo luận tại hội thảo.
Nhiều nhà báo với trách nhiệm công dân cao cả đã dũng cảm dấn thân, hi sinh lợi ích cá nhân để điều tra tận cùng phanh phui các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, cùng với các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng nhiều tội phạm nguy hiểm gây thất thoát, tổn hại cho đất nước. Bên cạnh những thành tích của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam và của đội ngũ nhà báo cách mạng, nhất là trong thực hiện vai trò, chức năng giám sát và phản biện xã hội, vẫn còn nhiều nhiệm vụ phía trước để báo chí các mạng làm tròn sứ mệnh và trách nhiệm cao cả của mình.
Đồng chí lưu ý, các cơ quan báo chí cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng về sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động báo chí và hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, về hoạt động hiệu lực hiệu quả của bộ máy. Báo chí muốn thể hiện và phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, trước hết phải đổi mới nội dung, phương thức làm báo theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Các nhà báo cách mạng cũng cần đổi mới tư duy làm báo, kết hợp tính chính thống và truyền thống với phong cách tác nghiệp hiện đại, áp dụng chiến lược nội dung đa phương tiện và đa nền tảng. Các tác phẩm báo chí phải thực sự xuất phát từ nhu cầu của công chúng. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh, các nhà báo không được đánh đồng vai trò, chức năng giám sát và phản biện xã hội với chỉ trích cực đoan, nhìn xã hội với những góc nhìn tiêu cực. Cùng với đó, mỗi cơ quan báo chí và mỗi nhà báo phải có trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước và nhân dân.
Đồng chí Lê Quốc Minh cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.
Tham gia thảo luận tại hội thảo, Nhà báo Mai Đức Thông, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đã nêu thực tiễn thực hiện chức năng giám sát, phản biện trong công tác tuyên truyền của Báo Tuyên Quang và các giải pháp để nâng cao hơn nữa chức năng này trong thời gian tới. Trong đó, Báo Tuyên Quang đã chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng; kịp thời động viên cổ vũ những nhân tố mới, tham gia hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo Tuyên Quang cũng duy trì đều đặn các chuyên mục: Phòng chống tham nhũng, lãng phí; Dân với Đảng, Vấn đề kỳ này; Cùng suy ngẫm… Cùng với đó, nhiều bài viết của Báo Tuyên Quang cũng nêu các vấn đề còn bất cập trong đời sống xã hội như: vấn đề ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn giao thông, quản lý đô thị, vấn đề đất đai… đã được độc giả và người dân quan tâm, đồng tình đánh giá cao, góp phần đẩy mạnh công tác phản biện xã hội.
Đặc biệt trong 2 năm qua, Báo đã không ngừng đổi mới để bắt kịp với xu thế chuyển đổi số nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc. Báo cũng mạnh dạn thực hiện các chương trình truyền hình trực tiếp, cập nhập trực tiếp các sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, thu hút được sự quan tâm của của nhân dân. Thông qua các chương trình tường thuật, hoặc cập nhập trực tiếp nhân dân được tham gia, nắm bắt ngay từ quá trình xây dựng, ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó để các chính sách và quyết định ban hành phù hợp và sâu sát với đời sống nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết