Đồi chè tại Thái Nguyên.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có khoảng gần 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động. Tuy nhiên, du lịch canh nông vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển, tiêu chí đánh giá chất lượng và năng lực quản lý.
Đa dạng các loại hình du lịch
Những năm gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đã quan tâm xây dựng và triển khai các chương trình bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao gắn với du lịch cộng đồng đang thành công không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đi đầu trong phát triển du lịch canh nông là thành phố Hà Nội với việc xây dựng và quy hoạch phát triển 17 làng nghề gắn với du lịch; tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với làng nghề; tỉnh Bình Định xây dựng đề án thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề giai đoạn 2020-2025; tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt đề án phát triển các tuyến điểm du lịch đặc trưng gắn với các làng nghề dệt thổ cẩm, gốm... Đây là những tiềm năng để các địa phương nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung phát triển du lịch.
Đến thăm điểm du lịch cộng đồng của bà Đào Thị Mỹ Lệ, ở Ấp 3, xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre, gia đình có bốn đời làm nghề dệt chiếu, được cảm nhận không khí phấn khởi, hăng say lao động của các thành viên, chúng tôi thật sự cảm phục sáng kiến, biến thế mạnh, sự đặc sắc của địa phương trở thành hàng hóa, giúp cho người dân làng chiếu truyền thống không chỉ sống được với nghề mà còn trở nên giàu có.
Khách du lịch nước ngoài theo dõi công đoạn dệt chiếu tại xã Nhơn Thạnh (thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre).
Làng nghề dệt chiếu Nhơn Thạnh có hơn trăm năm tuổi, nhưng đã có thời kỳ hơn 90% số hộ đóng cửa do không vượt qua được khó khăn của cơ chế thị trường. Những tưởng nghề chiếu sẽ bị đứt đoạn, nhưng nhờ sáng kiến phát triển du lịch cộng đồng mà nhiều gia đình như gia đình bà Lệ đã sống được với nghề truyền thống.
Bà Lệ cho biết: Nhờ có khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua quà lưu niệm cho nên không chỉ nghề truyền thống vẫn được giữ vững mà gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác trong xã đã có thu nhập ổn định.
Cũng trong chuyến trải nghiệm tại Nhơn Thạnh, chúng tôi đã gặp chị Jennifer Homer (du khách đến từ nước Anh) cho biết: “Hai vợ chồng tôi lần đầu tiên đến Việt Nam và có chuyến trải nghiệm tại thành phố Bến Tre thật thú vị. Nơi đây khác nhiều so với các thành phố lớn đông đúc. Chúng tôi được đi thuyền ngắm cảnh sông nước, thăm làng nghề truyền thống, được tham quan những vườn cây rợp bóng mát với không khí trong lành của làng quê. Con người nơi đây cũng rất thân thiện, mang lại cảm giác rất thoải mái”.
Khai thác lợi thế sẵn có để phát triển du lịch ở địa phương thông qua các giá trị văn hóa, tập quán của người dân cũng được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai hiệu quả. Có thể kể đến như các mô hình trồng hoa và nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch, đồng thời cung ứng sản phẩm sạch cho thị trường và hình thành nên những điểm vui chơi giải trí cho người dân, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân; mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm tại phường Hương An đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mua sản phẩm tại vườn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với triển vọng này, TP Huế đã tiếp tục hỗ trợ người dân làm đầu mối liên kết giữa phường Hương An và các doanh nghiệp để hình thành vùng quy hoạch có tổng diện tích khoảng 5.000ha, tạo thành chuỗi giá trị nông sản cung cấp ra thị trường. Nhờ sự vào cuộc của chính quyền, sự đồng thuận của người dân, mô hình làm kinh tế mới từ du lịch canh nông của người dân Hương An đã trở nên chuyên nghiệp và bài bản hơn rất nhiều.
Từng bước hoàn thiện
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, du lịch canh nông đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế của các xã nông thôn mới như tạo ra cơ hội việc làm mới, đẩy mạnh sản xuất và bán các sản phẩm địa phương, cung cấp các dịch vụ du lịch…
Trên thực tế, du lịch canh nông giúp nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương. Bên cạnh đó, diện mạo làng quê cũng thay đổi theo hướng hiện đại. Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, bên cạnh 11 nội dung thành phần, có thêm 6 chương trình chuyên đề chuyên sâu. Đặc biệt, lần đầu tiên đưa du lịch nông thôn trở thành một Chương trình để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, mang tính hệ thống trên địa bàn cả nước gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây được xem là những định hướng cụ thể để các địa phương xây dựng kế hoạch đánh thức tiềm năng du lịch canh nông tại địa phương.
Hiện, để phát huy thế mạnh của từng địa phương, tăng cường công tác quản lý du lịch nông nghiệp nông thôn cũng như nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và các chủ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát công tác quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao vai trò công tác quản lý ở địa phương, nâng cao năng lực các chủ thể làm du lịch canh nông và đề xuất các giải pháp phù hợp cần triển khai trong thời gian tới.
Với những hoạt động cụ thể này, ngành nông nghiệp đang hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác triệt để thế mạnh, sự đặc sắc riêng vùng miền tại các làng du lịch (văn hóa bản địa, đặc sắc làng nghề, sản phẩm OCOP), thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Thanh Hoài, muốn tạo lập thành công mô hình làng du lịch phải có sự xem xét, rà soát các chính sách, hệ thống văn bản quản lý và có sự điều chỉnh đồng bộ thì mới thành công. Đây là mấu chốt và muốn giải quyết vấn đề cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan.
Trên thực tế, trong khi chờ sự điều chỉnh của chính sách và sự hợp tác nói trên đi vào thực tiễn, thì mô hình du lịch canh nông hiện đã được các địa phương dành nhiều quan tâm, tạo cơ chế linh hoạt để phát triển.
Việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực nhằm hướng tới mục tiêu tạo sự ổn định về an sinh xã hội, xây dựng cam kết cơ chế hợp tác chung có trách nhiệm về: Kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường… giữa từng người dân trong khu du lịch với du khách đã được xây dựng và thực hiện nghiêm túc, đã và đang từng bước khẳng định, du lịch canh nông chính là một trong những mũi đột phá quan trọng của kinh tế nông thôn.
Gửi phản hồi
In bài viết