Phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững

- Tuyên Quang có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, tiêu biểu là cây cam sành, bưởi, thanh long, chuối, hồng, na… Để phát huy tiềm năng, phát triển cây ăn quả bền vững, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phát triển, mở rộng diện tích theo quy hoạch, hướng tới nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cây ăn quả, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Quy hoạch vùng cây ăn quả tập trung

Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho cây ăn quả có múi như cam, chanh, bưởi, tỉnh đã quy hoạch vùng cây ăn quả có múi tập trung ở 3 huyện: Hàm Yên, Chiêm Hóa và Yên Sơn.

Do phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây nên cây cam sành trên địa bàn huyện Hàm Yên phát triển rất tốt với hương vị đặc trưng riêng, thơm ngon, thanh mát. Cam sành Hàm Yên được người tiêu dùng ưa chuộng và bình chọn là sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam trong nhiều năm. Năm 2020, cam Sành Hàm Yên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý và được tỉnh đánh giá công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Trang trại thanh long ruột đỏ xã Yên Phú (Hàm Yên).

Hiện nay, huyện Hàm Yên có hơn 7.200 ha cam, trong đó cây cam sành chiếm tới gần 80%, còn lại là các giống cam khác như cam chanh, cam Vinh, cam V2. Vùng cam của huyện tập trung chủ yếu ở 15 xã, thị trấn với hơn 5.600 gia đình trồng cam. Nhờ trồng cam, nhiều gia đình ở Hàm Yên đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá, giàu.

Trong khi đó, cây bưởi đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Yên Sơn với hơn 4.150 ha. Huyện Yên Sơn cũng đã xây dựng được năm sản phẩm bưởi đạt OCOP 3 sao gồm: Bưởi đường Xuân Vân, bưởi đường đặc sản Phúc Ninh, bưởi ngọt Trung Trực, bưởi da xanh Tiên Phong, bưởi ngọt Xuân Vân. Bưởi Soi Hà được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là những điều kiện thuận lợi để quả bưởi Yên Sơn khẳng định vị thế trên thị trường.

Phát triển bền vững

Hiện toàn tỉnh có 19.700 ha cây ăn quả các loại, sản lượng hơn 200.000 tấn quả/năm. Trong đó có 7.500 ha cam, 5.500 ha bưởi, 2.200 ha chuối, 900 ha nhãn… 

Nhằm xây dựng, phát triển các loại cây ăn quả theo hướng bền vững, tỉnh thực hiện Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 và 2030; Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển một số loại cây ăn quả chủ lực mà tỉnh có thế mạnh như: Cam, bưởi, nhãn, chuối, na… và một số loại cây đặc sản mang tính chất vùng miền như: Hồng ngâm Xuân Vân và lê Hồng Thái.

Sản xuất an toàn đang là hướng đi được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ). Hiện toàn tỉnh có 1.676 ha cây ăn quả được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Trong đó, có 1.140 ha cam, 445 ha bưởi, 20 ha nhãn, 29 ha thanh long, 7 ha na, 35 ha hồng…

Người dân xã Đội Bình (Yên Sơn) phát triển kinh tế từ mô hình trồng bưởi.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm cây ăn quả; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh chú trọng xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm cây ăn quả chủ lực và cây ăn quả đặc sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao của tỉnh. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang…

Hiện tỉnh có 2 sản phẩm là Cam sành Hàm Yên và Bưởi Soi Hà Yên Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chỉ dẫn địa lý. Toàn tỉnh có 296 trang trại, tổ hợp tác, HTX đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực trồng trọt; 9 liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả chủ lực, đặc sản, có giá trị kinh tế cao với diện tích trên 240 ha, sản lượng trên 2.000 tấn. Trong đó có 3 liên kết cam, 4 liên kết bưởi, 1 liên kết thanh long, 1 liên kết lê.

Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, việc tập trung phát triển cây ăn quả chủ lực, đặc sản có giá trị cao theo lợi thế từng vùng đã giúp người nông dân từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển bền vững, mỗi người dân, doanh nghiệp, HTX cần chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. 

Sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành và địa phương sẽ là một trong "lực đẩy" để phát triển cây ăn quả bền vững, bảo đảm mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 19.000 ha, sản lượng đạt trên 200.000 tấn/năm. Đặc biệt, tỉnh chú trọng nâng cao giá trị các cây ăn quả đặc sản, gắn với phát triển du lịch như cây hồng, cây lê…

Bài, ảnh: Dương Châu

Tin cùng chuyên mục