Tour du lịch nhặt rác bảo vệ môi trường tại đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) thu hút du khách trải nghiệm. Ảnh: Hoàng Quyên
Chiếm 70% hoạt động của cả ngành Du lịch
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), với đường bờ biển dài hơn 3.260km và hơn 3.000 hòn đảo, 125 bãi biển, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch biển, đảo.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, nhiều năm qua, các hoạt động du lịch biển, đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành Du lịch Việt Nam. Trong giai đoạn 2010-2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước, với 13,6%/năm đối với khách quốc tế, 12,3% đối với khách nội địa. Du lịch biển, đảo phát triển đã có phần đóng góp lớn cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân các địa phương ven biển.
Trong thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã tập trung phát triển du lịch biển, đảo thành sản phẩm mũi nhọn. Điển hình như tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long còn xây dựng thêm các sản phẩm du lịch tại các đảo: Cô Tô, Quan Lạn, Vĩnh Thực, Thanh Lân. Thành phố Hải Phòng đầu tư, mở rộng phát triển du lịch ở Đồ Sơn; tỉnh Thanh Hóa đầu tư nhiều công trình để phát triển du lịch biển Sầm Sơn. Còn tỉnh Khánh Hòa tập trung phát triển du lịch biển Nha Trang; thành phố Đà Nẵng coi du lịch biển là trọng tâm của hoạt động du lịch và tỉnh Kiên Giang phát triển Phú Quốc trở thành “thiên đường đảo ngọc”…
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, mặc dù xu hướng và thị hiếu của du khách thay đổi, song du lịch biển, đảo vẫn là thế mạnh chủ đạo của du lịch Việt Nam. Sự phát triển của dòng sản phẩm này đã thúc đẩy phát triển nhiều dòng sản phẩm khác, như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện)… Ngoài ra, nhiều dịch vụ giải trí, thể thao biển được hình thành, như: Chèo thuyền kayak, ca nô, lướt ván, lặn biển… Các sản phẩm lưu trú, nhà hàng… cũng được đầu tư phát triển.
Cần giải bài toán quy hoạch
Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định: Du lịch biển, đảo là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Còn tại hội nghị thúc đẩy thu hút khách quốc tế vào Việt Nam diễn ra vào ngày 21-12 vừa qua do Văn phòng Chính phủ tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một trong những giải pháp thúc đẩy việc thu hút khách quốc tế là ngành Du lịch cần cơ cấu lại sản phẩm, phương thức thực hiện, trong đó tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, như: Du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa… Điều này càng thêm khẳng định tầm quan trọng của du lịch biển, đảo trong tổng thể chung phát triển du lịch Việt Nam.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, song du lịch biển, đảo hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại… Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển, đảo mới chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ. Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, du lịch biển, đảo ở Việt Nam còn tồn tại bất cập về bảo vệ môi trường, sinh thái, quy hoạch…
Để hoạt động du lịch biển, đảo hiệu quả, trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn, tăng nguồn thu cho ngành Du lịch, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các địa phương không nên phát triển ồ ạt, mà cần có quy hoạch tổng thể, đồng bộ cho các dự án hạ tầng, bảo đảm không lãng phí tài nguyên. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chú trọng phát triển các sản phẩm bổ trợ, đa dạng cả về loại hình và chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường với những phân khúc khách hàng khác nhau.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, Giám đốc Công ty Du lịch Ánh Dương Tours Nguyễn Anh Tuấn cho hay, các địa phương nên có kế hoạch kết nối với các tuyến du lịch quốc tế bằng đường biển; nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ; đẩy mạnh các hoạt động thám hiểm khoa học...
Có thể thấy, du lịch biển, đảo đang là một trong những sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam. Để tăng thêm sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch này với các nước trong khu vực và thế giới, do đó ngành Du lịch cần có chính sách, chiến lược cụ thể trong công tác hướng dẫn quy hoạch, xây dựng sản phẩm đặc thù của từng vùng, địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết