Trong bối cảnh mới với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã và đang làm thay đổi thói quen đọc sách, hình thành thói quen mới cho người đọc sách hiện đại. Chính vì thế, để thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” và hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tổ chức Tuần lễ học tập suốt đời với hình thức phù hợp, nội dung thiết thực, hiệu quả.
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay có chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”, được tổ chức từ ngày 01/10/2024 đến ngày 07/10/2024.
Học sinh trường TH Phan Thiết tham gia buổi đọc sách lưu động sáng 30/9/2024 do nhà trường phối hợp với Thư viện tỉnh Tuyên Quang tổ chức. Ảnh: Thảo Linh
Theo đó, các hoạt động của Tuần lễ được tổ chức như: các Hội sách để giới thiệu sách mới, tạo không gian giao lưu giữa tác giả và độc giả; thành lập các câu lạc bộ đọc sách báo theo chủ đề, độ tuổi, giúp mọi người cùng nhau đọc và chia sẻ cảm nhận; tăng cường các hoạt động thư viện trường học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; tổ chức các sự kiện, các hoạt động giao lưu, các cuộc thi, các buổi tọa đàm,... nhằm khuyến khích học sinh, học viên, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý, người dân đọc sách; phát động học sinh, học viên, sinh viên và mọi người dân quyên góp sách xây dựng tủ sách lớp học cho các trường vùng sâu, vùng xa...
Sách là kho tàng kiến thức vô giá về mọi lĩnh vực trong cuộc sống của nhân loại. Đọc sách là con đường ngắn nhất giúp chúng ta tích góp được mọi tri thức từ cơ bản đến chuyên sâu ở mọi lĩnh vực của nhân loại để có thể phát triển bản thân mình ngày càng tốt hơn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn mọi tầng lớp trong xã hội đều cần đọc sách: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.
Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời là một trong những vấn đề mang ý nghĩa chiến lược quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công của mỗi một quốc gia.
Gửi phản hồi
In bài viết