Song, để đưa phim hoạt hình Việt Nam vươn tới chân trời mới, trở thành một ngành công nghiệp thực thụ trong công nghiệp văn hóa Việt Nam, cần tập hợp được sức mạnh của các đơn vị.
Triển vọng phát triển thành một ngành công nghiệp
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Bùi Hoài Sơn cho biết, phim hoạt hình là một trong những lĩnh vực quan trọng của công nghiệp văn hóa Việt Nam. 10 năm gần đây, sự tăng trưởng của phim hoạt hình khá tốt. Trong báo cáo của Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam - nhà phát hành, cụm rạp chiếu phim hàng đầu Việt Nam, doanh thu phim hoạt hình chiếm 12-15% tổng doanh thu phim chiếu rạp. Ở Nhật Bản, phim hoạt hình và sản phẩm liên quan đóng góp 5-6% Tổng sản phẩm nội địa (GDP). Ngoài ra, phim hoạt hình có tác dụng tốt trong việc lan tỏa thông điệp cuộc sống, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa dân tộc.
Hãng Phim hoạt hình Việt Nam với lịch sử 63 năm hình thành và phát triển, có hệ thống phòng làm việc, trường quay, phòng thu, rạp chiếu phim hiện đại và nhiều trang thiết bị chuyên dụng thực hiện cho việc sản xuất phim. Nghệ sĩ nhân dân Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Hãng Phim hoạt hình Việt Nam cho biết, hiện hãng có đội ngũ sáng tác được đào tạo trong và ngoài nước, sản xuất đa dạng phim 2D, 3D, cắt giấy, cắt giấy vi tính. Mỗi năm, hãng sản xuất 20-25 phim hoạt hình, trong đó, có nhiều phim được trao giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế.
Có bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây là các đơn vị tư nhân với quy mô lớn, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, phương thức kinh doanh linh hoạt, hợp tác quốc tế thường xuyên. Có thể kể đến là Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam (Sconnect) có quy mô 1.000 nhân sự, đã sản xuất hơn 11.000 video hoạt hình, nổi bật là “Wolfoo”, “Luka”, “Clay Mixer”, “WOA Fairy Tales”… Công ty cổ phần Dịch vụ văn hóa truyền thông Sáng Ý (Dee Dee Animation Studio) là đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm hoạt hình chất lượng cao theo chuẩn quốc tế; đồng thời là đơn vị hoạt hình đầu tiên của Việt Nam hợp tác sản xuất phim với các
studio hoạt hình hàng đầu thế giới, như: Shin-Ei Animation (Nhật Bản), Disney Animation Studio (Mỹ)… Đơn vị này đã tham gia sản xuất những bộ phim nổi tiếng: “Hot Whells Skate”, “CAMP x Disney’s Mickey & Friend” và các phim Việt Nam: “Trưng Vương”, “Tàn thể: Tiền truyện”…
Tương tự, Công ty TNHH Truyền thông Colory (Colory Animation Studio) có nhiều hợp đồng sản xuất phim hoạt hình, quảng cáo hoạt hình với các đối tác lớn. Freaky Motion với 10 năm hoạt động trong lĩnh vực, đã sản xuất hàng trăm sản phẩm hoạt hình, có dự án phim hoạt hình “Con rồng cháu tiên” (Long tiên tích) đang được chú ý. Sun Wolf Animation Studio cũng là một cái tên nổi bật với dự án hoạt hình “Con rồng cháu tiên: Chuyện chưa kể” được chiếu tại hơn 110 trường học trên khắp cả nước và đang phát triển 2 dự án phim hoạt hình lớn, là: “Hành trình nhân quả”, “Tản viên Phong Châu”…
Cần có “tổng chỉ huy“
Có tiềm năng lớn, song phim hoạt hình mang thương hiệu Việt vẫn chưa tiếp cận được đông đảo khán giả.
Chị Trần Minh Thùy (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Mặc dù rất muốn các con xem phim hoạt hình Việt Nam, nhưng hầu như không thấy xuất hiện tại các rạp chiếu. Trên truyền hình cũng không nhiều phim nổi bật so với các loạt phim đình đám của nước ngoài”.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan, khó khăn của phim hoạt hình Việt Nam là thiếu những bộ phim lớn, có thời lượng dài, đủ sức thu hút người xem xếp hàng mua vé tại rạp. Tuy các đơn vị hoạt hình tư nhân phát triển, nhưng chưa có đánh giá kết quả hoạt động này hay tiềm năng đóng góp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Vì vậy, bà Ngô Phương Lan cho rằng, cần tập hợp sức mạnh của các đơn
vị sản xuất phim hoạt hình Việt Nam, có “tổng chỉ huy” để kết nối, hợp tác trong và ngoài nước, đưa phim hoạt hình Việt Nam thành một ngành công nghiệp thực sự trong công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Sconnect, ông Tạ Mạnh Hoàng cho hay, tham vọng của đơn vị là phát triển lên 3.000 nhân sự. Ngoài sản xuất phim hoạt hình, đơn vị còn đào tạo, chia sẻ kiến thức sản xuất phim hoạt hình cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có sự kết nối giữa các đơn vị sản xuất phim hoạt hình với cơ quan nhà nước để cùng xây dựng, hỗ trợ phát triển điện ảnh hoạt hình có tầm nhìn.
Cùng quan điểm, đồng sáng lập kiêm quản lý Dee Dee Animation Studio Lê Quỳnh Như nhận định, hiện nhân lực hoạt hình của Việt Nam không thua kém thế giới, nhưng các doanh nghiệp hoạt hình Việt Nam làm việc với đối tác nước ngoài, tham dự các liên hoan phim, hội chợ quốc tế vẫn đơn lẻ. Nếu Nhà nước bảo trợ để được tham gia các hoạt động quốc tế với tư cách là đại diện của Việt Nam, thì vị thế của hoạt hình Việt Nam còn tiến xa hơn.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lý Phương Dung cho biết, Cục đang xây dựng các văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý hỗ trợ việc sản xuất phim hoạt hình Việt Nam và các đơn vị tham gia vào lĩnh vực này; đồng thời, các cơ quan, hội nghề nghiệp tích cực kết nối, hợp tác để phát triển phim hoạt hình Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết