“Không ngại cưới, chỉ cần một lý do” có nội dung gần gũi, nhẹ nhàng.
Phim giờ vàng ít “drama”
“Chúng ta của 8 năm sau” và “Không ngại cưới, chỉ cần một lý do” là hai phim truyền hình đang giữ sóng “giờ vàng” của VTV. Như vậy, sau những bộ phim về đề tài hình sự như “Biệt dược đen”, hay ca ngợi hình ảnh người lính biên phòng trong “Cuộc chiến không giới tuyến”, hai phim "giờ vàng" hiện thu hút khán giả bởi nội dung gần gũi, thông điệp nhẹ nhàng.
Lên sóng từ ngày 21-9, “Không ngại cưới, chỉ cần một lý do” mang đến những quan điểm mới mẻ về tình yêu. Phim quy tụ dàn diễn viên gồm nhiều gương mặt nổi tiếng như NSƯT Phú Đôn, Hoàng Thùy Linh, Nhan Phúc Vinh, Trọng Lân, Bảo Hân... Với nội dung đời thường gần gũi, phim ghi điểm nhờ những phân cảnh hài hước, giúp người xem thư giãn. Mặc dù ở những tập đầu, diễn xuất của Hoàng Thùy Linh bị nhiều khán giả chê “cứng” song phần đông vẫn dành lời khen cho bộ phim của đạo diễn Bùi Quốc Việt.
Nối sóng “Biệt dược đen”, “Chúng ta của 8 năm sau” - bộ phim của đạo diễn Bùi Tiến Huy - kể về hành trình trưởng thành của bốn người bạn, gồm Lâm, Dương, Nguyệt, Tùng.
Trong nửa đầu phim, “Chúng ta của 8 năm sau” được đón nhận bởi khai thác chuyện tình trong sáng của Lâm (Quốc Anh) và Dương (Hoàng Hà). Phần phim về 8 năm sau, hai nhân vật này sẽ do Mạnh Trường và Phan Minh Huyền thể hiện. Các cảnh quay trong phần đầu phim mang màu sắc “thanh xuân vườn trường” thường thấy ở một số phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc. Màn kết hợp của Quốc Anh và Hoàng Hà thổi làn gió mới cho khán giả yêu phim Việt.
Trên các diễn đàn, nhiều người cho rằng tương tác giữa hai nhân vật khiến họ như được trở về những năm tháng tuổi trẻ, khi lần đầu biết rung động. Sức hút của “Chúng ta của 8 năm sau" đến từ tình yêu lãng mạn, nồng nhiệt của Dương và Lâm, từ diễn xuất tươi mới, trẻ trung của dàn diễn viên trẻ và không thể không kể đến nội dung “chữa lành” không cần quá nhiều kịch tính (drama).
Trước “Không ngại cưới, chỉ cần một lý do” và “Chúng ta của 8 năm sau”, phim “giờ vàng” từng thu hút khán giả bởi một số tác phẩm mang thông điệp “chữa lành”.
“Đừng làm mẹ cáu” - bộ phim của đạo diễn Vũ Minh Trí xoay quanh chuyện làm mẹ nhiều cảm xúc của Hạnh (Quỳnh Kool) và Vy (Quỳnh Lương), trong đó nhân vật Hạnh nhận được phản ứng tích cực của khán giả. Phim khai thác tình mẫu tử nhẹ nhàng, truyền động lực cho người xem. Với vai Hạnh, Quỳnh Kool nhận giải Cánh diều Vàng 2023 cho hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc”.
Phim “Gia đình mình vui bất thình lình” (đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh và Nguyễn Đức Hiếu) và “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng) cũng được đón nhận bởi những diễn biến vui vẻ, tích cực.
Xu hướng chung
Dù cũng có tình huống tạo biến cố, song nhìn chung hai bộ phim chiếu “giờ vàng” hiện nay đều đem đến sự thư giãn cho khán giả, luôn dẫn đầu trong bảng xếp hạng chương trình được xem nhiều nhất cả nước, với tỷ suất người xem trên 3%.
Có lẽ sau một ngày học tập, làm việc căng thẳng, người xem vẫn ưa chuộng những tác phẩm nhẹ nhàng, đủ sâu sắc mà không cần sử dụng quá nhiều kịch tính để thu hút. Biên kịch Đặng Thiếu Ngân cho biết, tại thị trường phim truyền hình Hàn Quốc, không khó để nhận ra những bộ phim thành công năm 2022 hầu hết đều có chủ đề nhẹ nhàng, ít "drama" và đặc biệt là giúp khán giả "chữa lành" tâm hồn. Khán giả cũng đã biết đến những phim chữa lành (healing movies) nổi tiếng như “Reply 1997”, “Reply 1994”, “Reply 1988”, “Hometown Chachacha”...
Không có nhân vật phản diện, không có tình huống gây xung đột nhưng những tác phẩm này vẫn được công chúng đón nhận nhờ khả năng xoa dịu tâm hồn hiệu quả. “Có thể thấy trong bối cảnh hậu Covid-19, khán giả có xu hướng tìm phim "chữa lành" để tâm hồn được nhẹ nhàng, an ủi.
Ở Việt Nam, phim truyền hình cũng đang ở trong xu thế chuyển mình khi dần cho lên sóng những bộ phim tích cực, với mong muốn truyền tải năng lượng “chữa lành” đến khán giả. Dựa theo thị hiếu chung của người Việt, những bộ phim này vẫn lồng ghép một số yếu tố kịch tính để đẩy cao trào nhưng chú trọng khai thác những chi tiết nhẹ nhàng, dễ chịu” - nữ biên kịch nói.
Nhiều khán giả chia sẻ, bản thân họ thích những phim nhẹ nhàng về hôn nhân, gia đình. Phim Việt gần đây như “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Đừng làm mẹ cáu”, “Chúng ta của 8 năm sau”... khá hấp dẫn, không thua kém các bộ phim của Trung Quốc, Hàn Quốc.
Có thể thấy, không phải chỉ "drama" mới có thể giữ chân khán giả xem phim. Khán giả Việt mong muốn nhiều hơn những kịch bản phim nhẹ nhàng nhưng vẫn sâu sắc và cuốn hút để họ không phải căng thẳng mỗi khi theo dõi.
Đạo diễn Bùi Tiến Huy bày tỏ: “Tôi nghĩ trong lĩnh vực sáng tạo, ai cũng muốn tìm cái mới, muốn làm mới mình nhưng đôi khi việc làm mới đó không quan trọng bằng cảm xúc mà tác phẩm tạo ra cho khán giả, cũng như cảm xúc mà chính tôi dành cho tác phẩm của mình, nó luôn mới”.
Gửi phản hồi
In bài viết