Mưa lớn ảnh hưởng đến sản xuất
Thông tin từ Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh, từ giữa tháng 6 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 3 đợt mưa lớn, có những đợt mưa từ 3 - 4 ngày. Lượng mưa phổ biến từ 10 - 30 mm, khu vực phía Bắc của tỉnh bao gồm các huyện: Chiêm Hóa, Lâm Bình, Na Hang lượng mưa đo được 50 - 100 mm, có nơi trên 100 mm. Các đợt mưa lớn liên tiếp xảy ra cung cấp nguồn nước dồi dào đã góp phần đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa tại nhiều địa phương song cũng lại gây những bất lợi.
Thửa ruộng của gia đình ông Chu Văn Luận, thôn Khuôn Mạ, xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) luôn phải mở hết các trổ để tiêu thoát nước khi mực nước trong ruộng lên cao. Ông Luận cho biết: Làm nông nghiệp, nước là số 1 nhưng năm nay mưa quá nhiều, liên tiếp những trận mưa lớn xảy ra ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân. Theo ông Luận, trận mưa ngày 1-7 đã làm ngập úng toàn bộ diện tích lúa mới cấy của gia đình, nhiều chỏm lúa đã bị nổi gốc, ông đã phải dặm lại. Rút kinh nghiệm tại các ruộng ông mở trỗ sẵn, kênh mương cũng được khơi thông để nước tiêu thoát nhanh hơn khi mưa lớn xảy ra.
Ông Hoàng Văn Vinh, thôn Đô Thượng 2, xã Xuân Vân (Yên Sơn) chăm sóc lúa mới cấy.
Không chỉ riêng gia đình ông Chu Văn Luận, rất nhiều hộ dân có ruộng canh tác trên địa bàn xã Kiên Đài luôn trong tình trạng mở trổ sẵn để nước tự tiêu thoát khi mưa lớn xảy ra. Theo phản ánh của người dân, mưa lớn thường xảy ra về đêm, nước trên nguồn dồn về rất nhanh nếu không mở trỗ sẵn, nước không tiêu thoát kịp sẽ úng ngập ảnh hưởng đến lúa non mới cấy.
Gia đình ông Hoàng Văn Vinh, thôn Đô Thượng 2, xã Xuân Vân (Yên Sơn) vừa nhòng lại đất để cấy lại do mưa lớn làm trôi thóc giống. Ông Vinh chia sẻ: Gia đình vừa gieo sạ xong 2,5 sào lúa, trận mưa lớn đầu tháng 7 đã làm trôi hết thóc giống. Đảm bảo khung thời vụ, gia đình đã phải khẩn trương làm lại đất tiến hành gieo, cấy lại.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến 8-7, toàn tỉnh đã gieo cấy được gần 15.000 ha, đạt 63% diện tích. Hiện chỉ còn diện tích trà muộn, người dân đang tập trung làm đất để gieo cấy hết diện tích.
Theo các kỹ sư nông nghiệp, nếu những vụ mùa trước thời tiết ít mưa, mực nước ở các hồ chứa sau khi cung cấp nước tưới cho vụ xuân đã cạn kiệt, không đủ để đáp ứng cho sản xuất vụ mùa ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy thì năm nay hoàn toàn khác, nguồn nước rất dồi dào. Tại các địa phương của huyện Yên Sơn, Sơn Dương thường xuyên gặp hạn vào đầu vụ sản xuất thì năm nay lại rất thuận lợi. Tuy nhiên mưa lớn cũng gây ra những bất lợi, tình trạng ngập úng cục bộ đã xảy ra, ảnh hưởng đến sự bén rễ, hồi xanh của cây lúa non mới cấy.
Chủ động ứng phó với ngập, úng
Bảo vệ diện tích lúa mùa trước những tác động của thời tiết, đặc biệt là hiện tượng mưa lớn, gây úng ngập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, Ban Quản lý, Khai thác các công trình thủy lợi phối hợp với các địa phương thực hiện gia cố các trạm bơm, công trình thủy lợi, khơi thông nạo vét hệ thống kênh mương tưới tiêu, các trục thoát nước phòng chống úng ngập cho diện tích lúa mới cấy.
Ông Nguyễn Sơn Hán, cán bộ Ban quản lý công trình thủy lợi xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) cho biết: Lúa mùa của người dân đang bén rễ hồi xanh, phòng, chống úng ngập cho lúa non, Ban đã yêu cầu các đội sản xuất vệ sinh toàn bộ hệ thống kênh mương tiêu và cửa cống để khi mưa lớn xảy ra nước dễ dàng tiêu thoát. Trong những ngày mưa lớn xảy ra, Ban cũng bố trí lực lượng theo dõi sát diễn biến mực nước có biện pháp ứng phó kịp thời. Theo ông Hán, chủ động các biện pháp ứng phó nên 2 đợt mưa lớn cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua toàn bộ diện tích lúa mới cấy của địa phương vẫn được bảo toàn.
Ông Chu Văn Luận, thôn Khuôn Mạ, xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) luôn phải mở hết các trổ
để tiêu thoát nước trong ruộng khi mưa lớn xảy ra.
Tại Đội Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi Ngòi Là (Yên Sơn) liên tục trong những ngày qua các công nhân của trạm bơm đã túc trực 24/24 giờ, vừa theo dõi mực nước, vận hành tiêu tự chảy. Ông Ngô Quyền, Đội trưởng Đội Quản lý công trình cho biết: Ban thực hiện chế độ trực liên tục 24/24 giờ, tận dụng tối đa mở cống tiêu và vận hành các trạm bơm tiêu theo từng vùng, từng ngày; khi mưa lớn xảy ra cán bộ đội túc trực để hướng dẫn các địa phương khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước ứ tại các cánh đồng.
Theo đồng chí Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống úng, ngay từ đầu năm, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa bão và tiến hành tu bổ, sửa chữa các máy bơm và các công trình đầu mối, cống dưới đê, đập điều tiết… đảm bảo 100% công trình vận hành hết công suất phục vụ phòng, chống úng. Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi cơ sở cũng thường xuyên kiểm tra, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; củng cố tôn cao, khép kín các bờ vùng, bờ khoảnh; chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc thiết bị đảm bảo và sẵn sàng chống úng, bảo vệ sản xuất vụ mùa.
Gửi phản hồi
In bài viết