6 cắt, 4 thêm, 8 điều chỉnh
Nghị định số 144/2020/NĐ-CP gồm 5 chương, 31 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2021. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, nghị định này đạt được mục đích định hướng phát triển nghệ thuật, tạo điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của văn nghệ sĩ để có những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống đất nước; thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư kinh doanh, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường nghệ thuật biểu diễn trong và ngoài nước.
Nghị định được xây dựng trên tinh thần tăng quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, tăng hậu kiểm, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thanh Sơn cho biết, so với các văn bản trước đây, nghị định đã “6 cắt, 4 thêm, 8 điều chỉnh”. Cụ thể, các nội dung không còn cần đến giấy cấp phép: Người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật ở Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu; phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình.
Việc cắt bỏ 6 giấy phép, giảm tiền kiểm - tăng hậu kiểm sẽ tạo điều kiện cho sự sáng tạo của nghệ sĩ, thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn phát triển. Trong ảnh: Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Trong khi đó, có 4 nội dung được bổ sung thêm là quy định quản lý nghệ thuật biểu diễn trên môi trường mạng; quyền của các tổ chức, cá nhân tham gia biểu diễn nghệ thuật; tiếp nhận hồ sơ trực tuyến; dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
8 nội dung được điều chỉnh gồm: Quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia biểu diễn nghệ thuật; phân loại hoạt động biểu diễn nghệ thuật; trước đây, hoạt động biểu diễn nghệ thuật cần cấp giấy phép, nay điều chỉnh thành văn bản chấp thuận, văn bản xác nhận; điều chỉnh cơ quan tiếp nhận thông báo biểu diễn; quy định chặt chẽ hơn việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi, liên hoan; điều kiện cá nhân ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu; nộp lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình biểu diễn; gắn trách nhiệm với chính quyền địa phương, nơi diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật (Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ không trực tiếp quản lý hoạt động biểu diễn ở địa phương, mà phân cấp về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Một số quy định cấm cũng đã được cắt giảm như: Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái); hiệu lực thời gian giấy phép biểu diễn; số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước; phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu…
Theo quy định mới, chương trình nghệ thuật biểu diễn tổ chức tại địa phương nào thì địa phương đó thực hiện thủ tục chấp thuận tổ chức. Trong ảnh: Chương trình trình diễn áo dài tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (tháng 6-2020). Ảnh: Minh Khánh
Thúc đẩy sự phát triển
Ở góc độ một đơn vị hoạt động nghệ thuật, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly cho rằng, các quy định trong nghị định mới, đặc biệt là việc bỏ thủ tục cấp phép và tăng hậu kiểm, sẽ tạo điều kiện cho nghệ sĩ mở rộng biên độ sáng tạo. Bởi, có nhiều hình thức biểu diễn nghệ thuật mới lạ, độc đáo, giá trị, thậm chí đến thời điểm này chưa xuất hiện, nhưng là xu hướng của tương lai và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại mới, cần được giới thiệu để công chúng thẩm định. Đồng thời, việc tạo điều kiện cho nghệ sĩ mở rộng sáng tạo chính là nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn phát triển.
Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Giới thiệu văn hóa, nghệ thuật Đông Đô (Đông Đô Show) Nguyễn Thị Hoài Oanh, nghị định sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động tổ chức nghệ thuật biểu diễn, bằng cách bỏ thủ tục cấp giấy phép cho người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài biểu diễn ở Việt Nam (chỉ cần có giấy chấp thuận biểu diễn của địa phương trong từng chương trình cụ thể), đồng thời tạo sự bình đẳng cho nghệ sĩ trong và ngoài nước… “Việc đưa các chương trình nghệ thuật về các địa phương biểu diễn sẽ thúc đẩy sự phát triển rộng khắp của nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, các địa phương cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, thẩm định có trình độ, tầm nhìn”, bà Nguyễn Thị Hoài Oanh đề xuất.
Cùng quan điểm, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Văn Trực cho rằng, việc phân cấp quản lý theo địa bàn sẽ giúp các địa phương quản lý sát nội dung chương trình, hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở địa phương, từ đó xử lý các tình huống phát sinh thuận tiện. Song điều này cũng đặt ra thách thức, buộc các cán bộ quản lý văn hóa tại địa phương phải nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng thẩm định và tích cực hơn trong công tác hậu kiểm để xử lý kịp thời các vi phạm, tránh ảnh hưởng đến đời sống...
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết, Cục sẽ theo sát, hướng dẫn, tư vấn cho các địa phương, tổ chức, cá nhân hoạt động nghệ thuật biểu diễn để thực thi tốt Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, nhằm đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết