Quy hoạch tạo động lực phát triển bền vững

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII của tỉnh nhấn mạnh: “Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị động lực, công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại”. Ngay sau Đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVII) đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/5/2021 về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển đô thị và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nhằm hiện thực hóa quyết tâm này. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị của tỉnh đạt 27%.

Động lực phát triển

​Kể từ khi quy hoạch chung đô thị mới Tân Trào (Sơn Dương) được công bố, diện mạo một vùng quê đã thay đổi nhanh chóng. Không những mạng lưới giao thông được hoàn thiện, lần đầu tiên tại một xã thuần nông của tỉnh đón nhận nhà đầu tư tầm cỡ vào xây dựng dự án đô thị du lịch sinh thái hiện đại bậc nhất.

Ông Đỗ Cao Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng Flamingo Tân Trào cho biết: Ngoài lợi thế là một vùng đất lịch sử, quy hoạch chung xã Tân Trào đã được phê duyệt - đây là điều kiện tiên quyết để Flamingo quan tâm dành nguồn lực đầu tư đưa nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất trong khu vực và toàn quốc. Theo ông Cường, dự Flamingo Tân Trào được xây dựng trên diện tích gần 25 ha, tổng mức đầu tư 663 tỷ đồng. Đây là mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng với các công trình shophouse, homestay, cùng tổ hợp khách sạn tiêu chuẩn 4 sao với kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc, giao thoa giữa truyền thống và hiện đại chắc chắn sẽ mang đến cho vùng đất Tân Trào lịch sử một diện mạo mới.

Thành phố Tuyên Quang được quy hoạch xây dựng theo tiêu chí đô thị loại I.

Đồng chí Hoàng Đức Soài, Chủ tịch UBND xã Tân Trào phấn khởi cho biết: Quy hoạch xã không đơn thuần là vẽ ra đường sá, nhà cửa, mà còn định hướng phát triển kinh tế - xã hội, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Riêng với Tân Trào, quy hoạch chính là chìa khóa mở ra cánh cửa hội nhập và phát triển bền vững. Chủ tịch UBND xã Tân Trào khẳng định: Theo đồ án quy hoạch, xã Tân Trào không những là đô thị phát triển dịch vụ du lịch, còn là vùng chuyên canh nông nghiệp và phát triển kinh tế lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong đô thị gắn với phát triển du lịch về nguồn tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.  

Xã Xuân Vân (Yên Sơn) cũng đang có sự thay đổi ngoạn mục nhờ tầm nhìn dài hạn và những bước đi bài bản trong công tác quy hoạch. Không chỉ dừng lại ở việc phân bổ không gian chức năng, quy hoạch tại đây còn chú trọng đến việc tạo ra một hệ sinh thái phát triển toàn diện, kết nối hài hòa giữa kinh tế, xã hội trong vùng. Minh chứng rõ nét nhất là hệ thống giao thông đã được hoàn thiện, trong đó phải kể đến cây cầu Xuân Vân bắc qua sông Gâm nối liền giao thông 2 xã Phúc Ninh,  Xuân Vân và Cụm công nghiệp Xuân Vân được xây dựng. Đồng chí Triệu Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Những thành quả ban đầu từ công tác quy hoạch đã tạo ra những động lực mạnh mẽ, đưa Xuân Vân bước vào một giai đoạn phát triển mới đầy triển vọng.

Phủ kín quy hoạch

Đồng chí Hà Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Xác định quy hoạch phải đáp ứng được yêu cầu phát triển chung, là khâu “đi trước, dẫn đường” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho công tác lập quy hoạch. Sự quan tâm của tỉnh đã tạo sự chuyển biến lớn trong công tác quy hoạch. 7/7 quy hoạch chung đô thị hiện hữu (gồm thành phố Tuyên Quang và 6 thị trấn), 104/104 quy hoạch chung xã, 10/10 quy hoạch phân khu, 24/24 quy hoạch chi tiết tại khu vực có ý nghĩa quan trọng… được tổ chức lập, phê duyệt theo đúng quy định đáp ứng tiến độ. Mục tiêu trong năm 2025, 100% các cấp độ quy hoạch xây dựng từ vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết khu vực có ý nghĩa quan trọng được phê duyệt. 

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Quốc Dũng, việc “phủ kín” quy hoạch đã tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và quản lý đô thị, nông thôn. Các nhà đầu tư có thể dễ dàng nắm bắt được thông tin về quy hoạch, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Người dân cũng có cơ sở để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình phát triển địa phương. Đặc biệt, quy hoạch giúp các địa phương khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng, lợi thế sẵn có; các vùng kinh tế trọng điểm được xác định rõ ràng, các ngành kinh tế mũi nhọn được định hướng phát triển, tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; các khu vực có tiềm năng du lịch được quy hoạch bài bản, thu hút đầu tư vào các dịch vụ chất lượng cao, góp phần quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch bền vững.

Tuy nhiên, “phủ kín” quy hoạch chỉ là bước khởi đầu. Thách thức đặt ra là làm thế nào để triển khai và quản lý quy hoạch một cách hiệu quả, đảm bảo tính khả thi và thích ứng với những thay đổi của tình hình thực tế để đảm bảo, đưa tỉnh vững bước trên con đường hiện thực hóa mục tiêu trở thành một tỉnh phát triển năng động và bền vững trong khu vực.

 Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục