Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật: Lành mạnh hóa môi trường nghệ thuật

Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang soạn thảo và dự kiến ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật. Việc làm này nhận được sự đồng thuận cao của giới nghệ sĩ và công chúng với kỳ vọng sẽ làm lành mạnh hóa môi trường nghệ thuật.

Tiêu chuẩn cho phát ngôn, hành động 

Dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo gồm 3 chương, 11 điều, áp dụng đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, trong và ngoài công lập. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, quy tắc này sẽ là tiêu chuẩn để những người hoạt động nghệ thuật có phát ngôn, hành động đúng mực, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Dự thảo đưa ra những điều nên và không nên trong hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật, trong đó quy tắc chung là giữ gìn đạo đức, hình ảnh, tác phong, uy tín của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam và pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, dự thảo cũng nêu cụ thể quy tắc trong hoạt động nghề nghiệp; ứng xử với đồng nghiệp, công chúng, khán giả; ứng xử trong công tác xã hội, trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.

Về hoạt động nghề nghiệp, dự thảo khuyến khích nghệ sĩ tích cực sáng tạo những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Ví dụ điển hình là thời gian qua, trong cuộc chiến với dịch Covid-19, giới nghệ thuật có nhiều hoạt động tuyên truyền, cổ vũ các lực lượng và nhân dân phòng, chống dịch hiệu quả...

Đáng chú ý, nội dung trong dự thảo nhận được sự đồng tình của đông đảo giới nghề và công chúng là quy tắc người làm nghệ thuật phải công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động xã hội; tham gia hoạt động quảng cáo phải bảo đảm truyền đạt thông tin trung thực, chính xác về công dụng, tính năng sản phẩm; không đăng tải, chia sẻ và lan truyền nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, chưa kiểm chứng… Việc thực hiện quy tắc này được kỳ vọng từng bước hạn chế những lùm xùm gần đây trong ứng xử của một số nghệ sĩ. Điển hình như vụ việc đang gây xôn xao dư luận khi một số nghệ sĩ chưa kịp thời công khai việc sử dụng số tiền kêu gọi ủng hộ từ thiện. Hay chuyện diễn viên Angela Phương Trinh đăng tin sai sự thật về sản phẩm từ địa long có thể chữa khỏi Covid-19. Trang Facebook cá nhân của Nghệ sĩ ưu tú Đức Hải, người mẫu Trang Trần, ca sĩ Noo Phước Thịnh đăng tải những từ ngữ phản cảm…

Chị Phạm Thùy Linh (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi rất mong Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật sớm được ban hành để các nghệ sĩ căn cứ vào đó ứng xử văn minh, lịch sự, có trách nhiệm, tạo ảnh hưởng tích cực đến người hâm mộ, nhất là với giới trẻ”.

Đoàn thiện nguyện Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam về tâm dịch Bắc Giang trực tiếp ủng hộ công tác phòng, chống dịch vào tháng 5-2021, góp phần lan tỏa việc làm tích cực trong xã hội.

Khơi dậy trách nhiệm của nghệ sĩ

Có ảnh hưởng rất lớn đến công chúng, nên những việc làm tốt, hình ảnh đẹp của nghệ sĩ sẽ dễ dàng truyền cảm hứng đến mọi người; ngược lại, những thông tin chưa chính xác, thiếu minh bạch từ họ cũng tác động tiêu cực khi được lan truyền.

Theo nghệ sĩ múa Đặng Đình Lộc, nghệ sĩ - người của công chúng - cần gương mẫu, không chỉ trong sáng tạo nghệ thuật, mà còn phải thực hiện lối sống lành mạnh, tôn trọng khán giả, đồng nghiệp, chú ý lời ăn, tiếng nói, trang phục. Tuy nhiên, không phải người hoạt động nghệ thuật nào cũng nhận thức đầy đủ và có kinh nghiệm để ứng xử đúng mực. Vì vậy, giới nghệ thuật cần có quy tắc “kim chỉ nam” cho hành động của mình. Còn theo Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương, việc xây dựng Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật là hết sức cần thiết, giúp nghệ sĩ hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình, ứng xử văn hóa hơn, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống.  

Trong khi đó, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Hà Nội cho rằng, cùng với điều lệ, nội quy, quy chế của các hội nghề nghiệp, đơn vị nghệ thuật, Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật sẽ khơi dậy trách nhiệm của văn nghệ sĩ. Đây sẽ là cơ sở để các hội nghề nghiệp, đơn vị nghệ thuật hướng dẫn, khuyến khích người làm nghệ thuật tích cực sáng tạo, tham gia hoạt động xã hội, lan tỏa việc tốt, tránh hành vi lệch chuẩn, góp phần lành mạnh hóa môi trường nghệ thuật.

Song, do không có chế tài xử lý vi phạm nên vẫn có ý kiến e ngại Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật chưa đủ mạnh để tạo chuyển biến trong đời sống nghệ thuật.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, quy tắc ứng xử này sẽ phát huy tác dụng khi cung cấp cơ sở đánh giá chung cho xã hội về hành vi đạo đức của người hoạt động nghệ thuật, từ đó xác định uy tín nghề nghiệp của họ. Để quy tắc ứng xử được bao quát, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn, cơ quan soạn thảo nên tham khảo kinh nghiệm từ bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, trong đó đề cao nguyên tắc trách nhiệm, tôn trọng, lành mạnh, an toàn.

Hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực lấy ý kiến của các hội nghề nghiệp, cơ quan chuyên môn, chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục